
Hướng tới Công ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Trách nhiệm quốc gia - Cam kết quốc tế
18/07/2025TN&MTNhựa - phát minh mang tính cách mạng của nhân loại đang trở thành gánh nặng cho môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt khi hàng triệu tấn rác thải nhựa vẫn âm thầm trôi dạt từ sông ra biển mỗi năm. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gấp rút đàm phán một Công ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ: không đứng ngoài cuộc chiến chống rác thải nhựa, sẵn sàng chung tay vì một tương lai xanh và phát triển bền vững.
Từ vật dụng sinh hoạt nhỏ nhất đến đồ dùng công nghiệp phức tạp, nhựa hiện diện khắp mọi nơi - minh chứng rõ ràng cho sự đa dạng, tiện lợi nhưng đặt ra thách thức lớn về quản lý và xử lý rác thải nhựa trong cuộc sống hiện đại.
Nhựa: Thành tựu và gánh nặng
Nhựa là một trong những vật liệu tổng hợp quan trọng nhất mà con người từng phát minh. Kể từ đầu thế kỷ 20, với sự ra đời của Bakelite - loại nhựa tổng hợp đầu tiên, ngành công nghiệp nhựa bùng nổ và trở thành biểu tượng của kỷ nguyên vật liệu mới: nhẹ, bền, dẻo, rẻ tiền và dễ sản xuất hàng loạt.
Ngày nay, hiếm có ngành nghề, lĩnh vực nào không cần tới nhựa. Từ y tế, hàng không, điện tử, ô tô, đóng gói thực phẩm, đồ gia dụng, thậm chí cả sản phẩm an toàn cho trẻ em - nhựa hiện diện khắp mọi nơi, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt, bảo quản, vận chuyển, bảo vệ sức khỏe và tối ưu hóa chi phí cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Chính vì vậy, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội nhìn nhận: “Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ngành nhựa. Nhiều tiến bộ công nghệ, y học, giao thông hiện đại sẽ không thể đạt được nếu thiếu các sản phẩm nhựa bền, nhẹ, linh hoạt và chi phí hợp lý.”
Tuy nhiên, nghịch lý lớn nhất là chính vì quá rẻ và tiện lợi, nhựa - đặc biệt là nhựa dùng một lần lại trở thành mối đe dọa toàn cầu. Những chiếc ống hút, túi nilon, hộp xốp giá chỉ vài đồng, tiện dụng vài phút nhưng tồn tại ngoài môi trường hàng trăm năm, phân rã thành những hạt vi nhựa cực nhỏ, len lỏi khắp đất liền, đại dương, thậm chí cả không khí.
PGS.TS Vũ Thanh Ca chia sẻ những con số báo động về tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam, nhấn mạnh vai trò nghiên cứu khoa học và hành động đồng bộ để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa tới môi trường.
Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy, chỉ khoảng 9% lượng nhựa toàn cầu được tái chế, số còn lại phần lớn bị chôn lấp, đốt hoặc thải bỏ bừa bãi. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), mỗi năm, trung bình có hơn 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển - tương đương với việc mỗi phút có một xe tải rác nhựa đổ xuống đại dương.
Hệ lụy không chỉ dừng lại ở rác thải nhìn thấy được. Những mảnh vi nhựa vô hình đang trở thành “kẻ xâm lược” thầm lặng trong chuỗi thức ăn. Hóa chất độc hại từ nhựa, như chất phụ gia PFAS, các dẫn xuất styrene, BPA, có thể ngấm vào thực phẩm, nước uống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người với nguy cơ gây rối loạn nội tiết, giảm khả năng sinh sản, ung thư và nhiều bệnh mãn tính.
PGS.TS Vũ Thanh Ca cảnh báo thêm: “Nhựa không chỉ là câu chuyện rác thải ven bờ. Rác thải nhựa đã được tìm thấy ở rãnh Mariana sâu nhất thế giới, trên đỉnh Everest cao nhất thế giới và cả trong máu người. Đó là hồi chuông cảnh báo về mức độ len lỏi của ô nhiễm nhựa.”
Nghịch lý ấy đặt loài người trước một lựa chọn: “Hoặc tiếp tục sống với sự tiện lợi ngắn hạn, hoặc thay đổi để hạn chế cái giá quá đắt mà thiên nhiên và sức khỏe con người đang phải trả”.
Những nguy cơ đã hiện hữu
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, đã và đang để lại những hệ lụy khôn lường đối với môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.
Thực tế cho thấy, mỗi sản phẩm nhựa tiện dụng ngày hôm nay lại tiềm ẩn những rủi ro kéo dài hàng thế kỷ. Túi nilon, hộp xốp, ống hút nhựa… sau vài giờ sử dụng thường bị vứt bỏ bừa bãi, rất khó thu gom triệt để. Dưới tác động của gió, dòng chảy, chúng dễ dàng xâm nhập vào sông ngòi, ao hồ, rồi đổ ra biển khơi, tạo thành “dòng chảy nhựa” xuyên quốc gia, không biên giới.
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) chỉ ra, hơn 800 loài sinh vật biển đã ghi nhận bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rác thải nhựa - từ việc vướng mắc, nuốt phải đến suy kiệt và tử vong. Những tấm lưới đánh cá, dây câu bị vứt bỏ hình thành “lưới ma”, treo lơ lửng dưới đáy biển, bẫy chết các loài cá quý hiếm, rùa, hải cẩu. Những mảnh vi nhựa li ti - sản phẩm cuối cùng của quá trình phân rã lại len lỏi khắp các đại dương, được cá, chim biển, hải sản tiêu hóa và cuối cùng quay trở lại bàn ăn của con người.
PGS.TS Vũ Thanh Ca phân tích: “Nghiên cứu quốc tế đã phát hiện vi nhựa trong máu người, trong sữa mẹ và thậm chí trong nhau thai. Điều này chứng minh vi nhựa không chỉ dừng lại ở môi trường mà đã đi sâu vào cơ thể người, với những rủi ro y học mà chúng ta vẫn chưa lường hết được.”
Không chỉ dừng ở tác động sinh học, các loại nhựa đặc biệt nguy hại như hộp xốp EPS, XPS còn tiềm ẩn hóa chất styrene. Khi tiếp xúc với thực phẩm nóng, có tính axit hoặc dầu mỡ, chất độc có thể thôi nhiễm trực tiếp vào thức ăn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh, rối loạn trí nhớ, mất tập trung, thậm chí ung thư nếu tích tụ lâu dài. Đáng lo ngại, hộp xốp lại được ưa chuộng bởi giá rẻ, nhẹ, tiện lợi trở thành “vật dụng đường phố” phổ biến từ quán ăn vỉa hè đến những suất cơm mang đi.
Một nguy cơ nữa ít được chú ý là các chất phụ gia như nhóm hóa chất PFAS được mệnh danh là “hóa chất vĩnh cửu” vì không phân hủy tự nhiên thường được dùng để chống dính, chống nước cho hộp, cốc nhựa đựng đồ ăn nhanh. Khi rò rỉ vào thực phẩm, nước uống, PFAS tích tụ dần trong cơ thể người, có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng hệ miễn dịch, giảm khả năng sinh sản và gia tăng nguy cơ ung thư.
Không dừng ở đó, hệ lụy kinh tế do ô nhiễm nhựa cũng vô cùng lớn. Nhiều bãi biển du lịch mất giá trị cảnh quan vì rác thải nhựa, gây thiệt hại cho ngành du lịch ven biển. Ngư dân mất nguồn lợi do các loài thủy sản bị suy giảm hoặc tử vong hàng loạt bởi rác thải và lưới ma.
PGS.TS Vũ Thanh Ca cảnh báo thêm: “Chúng ta đang trả giá rất đắt bằng đa dạng sinh học bị tổn thương, bằng chi phí thu gom khổng lồ, bằng thiệt hại ngành du lịch và đánh bắt. Nhưng cái giá lớn nhất là sức khỏe cộng đồng và gánh nặng y tế mà thế hệ sau sẽ phải gánh chịu nếu chúng ta không hành động ngay.”
Giữa biển rác thải nhựa ngập ngụa, người lao động thầm lặng mưu sinh - hình ảnh nhức nhối cảnh tỉnh về cái giá mà xã hội phải trả cho thói quen tiêu dùng nhựa vô tội vạ.
Thỏa thuận toàn cầu: Việt Nam đã sẵn sàng
Trước tốc độ gia tăng chóng mặt của ô nhiễm nhựa, cộng đồng quốc tế đã nhận ra rằng: một quốc gia đơn lẻ, dù có nỗ lực đến đâu, cũng không thể tự mình kiểm soát dòng chảy rác thải xuyên biên giới. Một chiếc túi nilon vứt bỏ tại một bãi biển bất kỳ có thể trôi dạt qua nhiều quốc gia, bị phân rã thành vi nhựa rồi xuất hiện trên bàn ăn ở một lục địa khác. Chính vì vậy, việc xây dựng Công ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa không chỉ là một mục tiêu, mà là giải pháp duy nhất để ngăn chặn “cơn sóng nhựa” đang đe dọa các đại dương.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, người có nhiều năm tham gia các chương trình hợp tác biển quốc tế, khẳng định: “Vấn đề ô nhiễm nhựa đã vượt qua ranh giới của một quốc gia hay một khu vực. Chỉ một Công ước toàn cầu, có tính ràng buộc pháp lý, với sự tham gia thực chất của tất cả các bên, mới có thể tạo ra thay đổi căn bản.”
Là một quốc gia ven biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dễ bị tổn thương trước vấn nạn rác thải nhựa đại dương. Thực tế, Việt Nam đã từng nằm trong nhóm 5 nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Những năm gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các địa phương ven biển và cộng đồng, nhiều mô hình giảm thiểu rác thải nhựa đã được triển khai: phong trào “Nói không với túi nilon”, các siêu thị cam kết không dùng túi nhựa, doanh nghiệp sản xuất bao bì sinh học, thu gom tái chế hộp xốp. Tuy nhiên, nỗ lực riêng lẻ của Việt Nam sẽ không đủ sức chống lại dòng chảy nhựa xuyên quốc gia nếu thiếu khung pháp lý toàn cầu.
Tại các vòng đàm phán quốc tế gần đây, Việt Nam đã bày tỏ quan điểm rõ ràng: ủng hộ việc xây dựng Thỏa thuận toàn cầu dưới hình thức “Convention” (Công ước) thay vì Thỏa thuận tự nguyện. Bởi chỉ có tính ràng buộc pháp lý mới đảm bảo các quốc gia thực hiện trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Đặc biệt, Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc “Trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” - nghĩa là các quốc gia phát triển, những nước đã đi qua giai đoạn tiêu thụ nhựa đỉnh cao, phải có trách nhiệm lớn hơn trong hỗ trợ tài chính, công nghệ cho các nước đang phát triển chuyển đổi mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững.
PGS.TS Vũ Thanh Ca phân tích: “Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Chúng ta đã và đang tham gia đàm phán với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mục tiêu không phải là cấm tuyệt đối mọi loại nhựa dùng một lần điều đó phi thực tế với nhiều ngành kinh tế mà là tập trung vào những sản phẩm nguy hại, những hóa chất phụ gia độc hại, kiểm soát vòng đời sản phẩm, từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến tái chế”.
Việt Nam cũng đã đưa ra khuyến nghị: không chỉ kiểm soát nhựa sau tiêu dùng mà phải có cơ chế giám sát từ khâu sản xuất, hạn chế các chất phụ gia nguy hiểm như PFAS, styrene, ban hành danh mục sản phẩm hạn chế hoặc cấm. Bên cạnh đó, Việt Nam thúc đẩy việc thành lập Ủy ban Đánh giá (Review Committee) để rà soát, cập nhật thường xuyên các sản phẩm, hóa chất cần kiểm soát, dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng thực tiễn.
Hơn nữa, Việt Nam đang chuẩn bị năng lực thể chế để thực thi cam kết, hệ thống thuế môi trường đã được áp dụng với túi nilon; nhiều địa phương ven biển xây dựng quy hoạch kinh tế tuần hoàn; cộng đồng doanh nghiệp đang chuyển hướng nghiên cứu sản phẩm thay thế bền vững như bao bì sinh học, hộp bã mía, ống hút từ gạo…
PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh thêm: “Vấn đề then chốt là Việt Nam phải giữ được tiếng nói dung hòa: vừa bảo vệ quyền phát triển chính đáng của quốc gia đang phát triển, vừa thể hiện cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế. Nếu làm tốt, chúng ta không chỉ bảo vệ đại dương, mà còn biến thách thức rác thải nhựa thành động lực thúc đẩy công nghệ xanh, sản phẩm xanh, kinh tế tuần hoàn - những lĩnh vực đầy tiềm năng cho thế hệ tương lai”.
Giải pháp đồng bộ - Thực thi hiệu quả
Để một Công ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa không chỉ dừng lại trên giấy, mà thật sự đi vào cuộc sống, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, gắn kết trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trước hết, về hành lang pháp lý, cần hoàn thiện các quy định nội luật để tương thích với các cam kết quốc tế mới. Việc rà soát, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, các quy định về thuế môi trường, quản lý chất thải rắn, kiểm soát hóa chất phụ gia độc hại trong sản xuất nhựa… là yêu cầu cấp thiết. Danh mục các sản phẩm nhựa cấm hoặc hạn chế cần được xác định rõ, gắn với tiêu chí khoa học và cơ chế giám sát minh bạch.
PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh: “Khi Công ước toàn cầu ra đời, Việt Nam phải đảm bảo rằng các quy định pháp luật trong nước đủ mạnh để triển khai, đủ cụ thể để doanh nghiệp, địa phương và người dân dễ thực hiện, và đủ minh bạch để kiểm tra, xử lý vi phạm.”
Về công cụ tài chính - kinh tế, giải pháp quan trọng là áp dụng chính sách thuế môi trường hợp lý, lộ trình tăng thuế với sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế hiện đại, vật liệu thay thế. Các khoản thu từ thuế môi trường cần được tái đầu tư cho các chương trình thu gom, tái chế, nghiên cứu vật liệu sinh học và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình.
Song song, cần khuyến khích các sáng kiến kinh tế tuần hoàn. Đây chính là giải pháp bền vững để biến rác thải nhựa thành tài nguyên, giảm gánh nặng chôn lấp và phát thải ra môi trường. Những mô hình tái chế khép kín, thu hồi nhựa cũ để sản xuất nguyên liệu đầu vào, tái sản xuất thành các sản phẩm mới sẽ góp phần cắt giảm khối lượng nhựa thải ra thiên nhiên.
Về công nghệ, cần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các vật liệu sinh học thay thế có khả năng phân hủy sinh học, giá thành phù hợp và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp sản xuất, siêu thị, cửa hàng bán lẻ cần được khuyến khích thay thế bao bì nhựa dùng một lần bằng hộp bã mía, hộp giấy tráng sinh học, túi tự phân hủy.
PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất: “Không chỉ dùng công nghệ sẵn có, Việt Nam cần có chính sách ưu tiên chuyển giao công nghệ xanh, tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc tế để theo kịp các tiêu chuẩn toàn cầu về nhựa an toàn và tuần hoàn”.
Một trụ cột không kém phần quan trọng là yếu tố cộng đồng. Thói quen tiêu dùng thuận tiện, tâm lý “rẻ, nhanh, tiện” vẫn còn phổ biến. Nếu không thay đổi được hành vi tiêu dùng, mọi chính sách chỉ dừng lại ở mặt hành chính. Vì vậy, giáo dục cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi cần trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Các chiến dịch “Nói không với túi nilon”, “Đổi rác lấy quà”, “Chợ dân sinh không rác nhựa” cần được nhân rộng với cách làm sáng tạo, phù hợp từng nhóm dân cư.
Cuối cùng, hợp tác quốc tế đóng vai trò then chốt. Việt Nam cần tranh thủ nguồn lực hỗ trợ tài chính, công nghệ từ các nước phát triển, đồng thời tích cực chia sẻ bài học, kinh nghiệm kiểm soát rác thải nhựa với các quốc gia trong khu vực. Việc tham gia sâu vào các diễn đàn môi trường đa phương sẽ giúp tiếng nói Việt Nam có trọng lượng hơn trong việc định hình các quy chuẩn toàn cầu.
PGS.TS Vũ Thanh Ca kết luận: “Giải pháp không nằm ở một bộ luật, một sắc thuế hay một chiến dịch truyền thông riêng lẻ. Thành công phụ thuộc vào việc các giải pháp đó phải kết hợp hài hòa, có lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận từ cấp trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và từng người dân”.
Những bàn tay cùng nhau gìn giữ Trái Đất - thông điệp về tinh thần đoàn kết toàn cầu để bảo vệ môi trường và hướng tới một tương lai bền vững cho mọi thế hệ.
Cam kết hôm nay - Tương lai xanh mai sau
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ô nhiễm nhựa đã trở thành một vấn đề không biên giới. Một mẩu rác nhựa vứt bỏ bất cẩn ở Việt Nam hôm nay có thể trôi dạt qua hàng nghìn hải lý, rồi quay trở lại chính vùng biển của chúng ta trong hình hài những hạt vi nhựa vô hình, len lỏi vào cơ thể người qua từng bữa ăn. Cái giá mà thế hệ sau phải trả không chỉ là những bãi biển phủ đầy túi nilon, rùa biển chết vì tắc ruột, san hô bị bóp nghẹt bởi lưới ma, mà còn là gánh nặng bệnh tật, mất cân bằng sinh thái và cả những thiệt hại kinh tế không đo đếm được.
Trong bức tranh đầy thách thức ấy, cam kết của Việt Nam tham gia xây dựng và thực thi Công ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa chính là lời khẳng định rõ ràng về trách nhiệm của một quốc gia ven biển đang phát triển, song không thỏa hiệp với ô nhiễm và suy thoái môi trường. Cam kết ấy cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mình, từ một nước nằm trong nhóm phát thải rác nhựa cao thành hình mẫu khu vực về phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng tài nguyên bền vững và công nghệ xanh.
PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh: “Những mục tiêu lớn sẽ chỉ thực sự khả thi nếu được thực thi bằng những hành động cụ thể, đo đếm được. Luật lệ đủ mạnh, công cụ tài chính minh bạch, công nghệ đổi mới kịp thời và ý thức cộng đồng thay đổi thực chất - đó mới là nền tảng biến cam kết thành kết quả”.
Trách nhiệm không chỉ nằm ở cơ quan hoạch định chính sách, mà còn ở mỗi doanh nghiệp và từng người dân. Doanh nghiệp phải dũng cảm từ bỏ lợi nhuận ngắn hạn để đầu tư công nghệ sạch, sản xuất vật liệu thay thế thân thiện môi trường. Người tiêu dùng phải thay đổi thói quen, nói không với những lựa chọn rẻ, tiện nhưng để lại hậu quả lâu dài. Các thế hệ trẻ cần được giáo dục về lối sống xanh như một giá trị văn hóa mới, để bảo vệ môi trường trở thành bản năng tự nhiên.
Bởi một cam kết sẽ vô nghĩa nếu chỉ nằm trên văn bản, nhưng sẽ trở thành sức mạnh nếu lan tỏa thành hành động của cả cộng đồng.
PGS.TS Vũ Thanh Ca chia sẻ thêm: “Mỗi hành động nhỏ hôm nay - từ việc không dùng túi nilon, hạn chế hộp xốp, phân loại rác đúng cách - chính là viên gạch đặt nền móng cho một tương lai xanh. Chúng ta không chỉ nói về trách nhiệm, mà còn nói về quyền của con cháu được thừa hưởng biển xanh, không khí sạch và hệ sinh thái lành mạnh”.
Việt Nam đã sẵn sàng để cùng thế giới hiện thực hóa Công ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Chỉ cần những cam kết hôm nay được gìn giữ, bồi đắp bằng quyết tâm và hành động nhất quán, thì chắc chắn, một tương lai đại dương xanh - một môi trường sống an toàn, bền vững sẽ không còn là giấc mơ xa vời.
Với tư cách một người làm báo, tôi hiểu rất rõ rằng, một bản Công ước toàn cầu, dù chặt chẽ đến đâu, cũng sẽ chỉ là những con chữ vô nghĩa nếu không được biến thành hành động cụ thể, trách nhiệm rõ ràng và quyết tâm thực thi nhất quán.
Nhựa từng là biểu tượng của văn minh, nhưng cũng chính nó đang thử thách ý thức cộng đồng, bản lĩnh quản trị của các chính phủ và trách nhiệm liên thế hệ của nhân loại. Để rồi, giữa dòng chảy nhựa vẫn không ngừng cuộn trôi ngoài kia, mỗi cam kết đưa ra hôm nay chính là lời hứa gửi đến con cháu mai sau.
Việt Nam không thể và cũng không được đứng ngoài nỗ lực chung ấy. Chúng ta có thể không chặn được ngay lập tức dòng rác thải nhựa tràn ra biển, nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ việc siết chặt luật pháp, từ những khoản thuế môi trường minh bạch, từ những sản phẩm thay thế xanh và quan trọng hơn, từ sự thay đổi trong hành động nhỏ nhất của từng người dân.
Bởi, khi những chiếc túi nilon không còn xuất hiện ở chợ dân sinh, khi những hộp xốp rẻ tiền nhường chỗ cho những vật liệu an toàn, khi những hạt vi nhựa thôi len lỏi trong thực phẩm, cũng là lúc lời cam kết hôm nay đơm hoa thành trái ngọt: một đại dương xanh, một tương lai bền vững và một xã hội đủ tỉnh táo để không đổi sự tiện lợi rẻ mạt lấy cái giá sức khỏe và môi sinh.
Dước góc nhìn và quan điểm của một người làm báo, tôi hiểu rất rõ rằng, một bản Công ước toàn cầu, dù chặt chẽ đến đâu, cũng sẽ chỉ là những con chữ vô nghĩa nếu không được biến thành hành động cụ thể, trách nhiệm rõ ràng và quyết tâm thực thi nhất quán.
Nhựa từng là biểu tượng của văn minh, nhưng cũng chính nó đang thử thách ý thức cộng đồng, bản lĩnh quản trị của các chính phủ và trách nhiệm liên thế hệ của nhân loại. Để rồi, giữa dòng chảy nhựa vẫn không ngừng cuộn trôi ngoài kia, mỗi cam kết đưa ra hôm nay chính là lời hứa gửi đến con cháu mai sau.
Thiết nghĩ, chúng ta có thể không chặn được ngay lập tức dòng rác thải nhựa tràn ra biển, nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ việc siết chặt luật pháp, từ những khoản thuế môi trường minh bạch, từ những sản phẩm thay thế xanh và quan trọng hơn, từ sự thay đổi trong hành động nhỏ nhất của từng người dân.
Bởi, khi những chiếc túi nilon không còn xuất hiện ở chợ dân sinh, khi những hộp xốp rẻ tiền nhường chỗ cho những vật liệu an toàn, khi những hạt vi nhựa thôi len lỏi trong thực phẩm, cũng là lúc lời cam kết hôm nay đơm hoa thành trái ngọt: một đại dương xanh, một tương lai bền vững và một xã hội đủ tỉnh táo để không đổi sự tiện lợi rẻ mạt lấy cái giá sức khỏe và môi sinh.
Hồng Minh