
Nâng cao hiệu quả nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững cho nông dân
19/07/2025TN&MTSáng ngày 18/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tổ chức “Hội thảo Quốc gia Bệnh hại Thực vật Việt Nam lần thứ 24”, nhằm chia sẻ các sáng kiến, đề xuất các biện pháp kỹ thuật mang tính ứng dụng cao phòng chống bệnh hại cây trồng hiệu quả.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành ở các viện, trung tâm, giảng viên và các sinh viên ngành nông nghiệp và bảo vệ thực vật trong cả nước.
Thực tế hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ thâm canh và sự biến đổi phức tạp của sinh vật gây hại, nên ngày càng đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có thêm những giải pháp khoa học, bền vững và thích ứng linh hoạt hơn.
Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam Trương Vĩnh Hải phát biểu
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS. Trương Vĩnh Hải - Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Viện luôn xem nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Viện đã và đang hợp tác chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, phòng trừ bệnh hại đạt hiệu quả trên lúa, rau màu, cây ăn trái và cây công nghiệp chủ lực.
TS. Trương Vĩnh Hải chia sẻ thêm, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam luôn đồng hành, chia sẻ và kết nối không chỉ trong khuôn khổ hội thảo khoa học mà còn trong hành trình lâu dài cùng người nông dân để phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
GS.TS. Vũ Triệu Mân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các lần Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, GS.TS. Vũ Triệu Mân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam cho biết, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và sự cộng tác của nhiều cơ quan, ban, ngành trong cả nước, mạng lưới quan hệ quốc tế… đã giúp Hội trưởng thành và phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy, Hội đã đều đặn tổ chức rất thành công các Hội thảo Quốc gia Bệnh hại Thực vật Việt Nam thường niên tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp miền đất nước và được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.
Qua những lần hội thảo, là dịp để các nhà khoa học, cán bộ, kỹ thuật, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng nhau trao đổi, kết nối và định hướng các bước đi tiếp theo trong nghiên cứu và ứng dụng. Đồng thời, đó cũng là dịp để chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, mô hình quản lý hiệu quả, kinh nghiệm thực tiễn trong phòng trừ bệnh hại cây trồng một cách thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của khoa học trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách hiện nay.
GS.TS Bùi Chí Bửu - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Hội thảo, báo cáo nổi bật thuộc phần trình bày của GS.TS Bùi Chí Bửu - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam với chủ đề “Nguồn vật liệu cho gen kháng bệnh đạo ôn từ giống lúa Tẻ Tép của Việt Nam”. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, phát triển giống lúa kháng đạo ôn là giải pháp tối ưu trong chiến lược quản lý bệnh đạo ôn hiệu quả. Giống lúa bản địa Tẻ Tép của Việt Nam sở hữu một hệ gen có khả năng sử dụng làm nguồn vật liệu di truyền rất quý hiếm, thuộc loại hình indica với genome mang nhiều gen kháng và chùm gen kháng được phân lập gần đây và trong quá khứ, phục vụ chương trình lai tạo giống lúa cao sản kháng bệnh đạo ôn phổ rộng và bền vững… Tất cả hình thành nên một hệ gen có khả năng cho nguồn vật liệu di truyền rất quý hiếm, phục vụ chương trình lai tạo giống lúa cao sản kháng bệnh đạo ôn phổ rộng và bền vững. Đây được xem là một hướng đi đầy tiềm năng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay.
Một trong những phần trình bày quan trọng nữa về vai trò và hiệu quả của canxi và silic trong kích thích tính kháng trên cây trồng chống lại mầm bệnh, được PGS.TS Nguyễn Thị Thu Nga (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ: Trên thực vật, canxi và silic là hai nguyên tố trung lượng. Canxi là thành phần quan trọng của thành tế bào, liên kết với các pectin trong thành tế bào, giúp cây cứng cáp hơn và tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi như hạn hán, độ mặn cao và sự tấn công của mầm bệnh. Silic cũng là một nguyên tố trung lượng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thực vật. Silic được lắng đọng trong thành tế bào, giúp cây có thân vững chắc hơn, giảm nguy cơ đổ ngã và tăng cường khả năng kháng sâu bệnh.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đóng góp rất nhiều các giải pháp khoa học
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Nga phân tích, việc xử lý phức hợp Ca-Si dưới dạng muối với liều lượng khoảng 1-2 g/kg đất góp phần gia tăng tính kháng của nhiều loại cây trồng đối với các mầm bệnh khác nhau. Cụ thể, trên cây lúa, việc bổ sung Ca-Si giúp cây kháng bệnh đạo ôn và bệnh đốm nâu với hiệu quả giảm bệnh trên 50%. Còn đối với cây đậu phộng, Ca-Si giúp cây kháng bệnh rỉ sắt do Puccinia arachidis. Trên cây dưa leo và rau húng quế, thì Ca-Si sẽ hỗ trợ cây chống lại sự gây hại của bệnh sương mai do Oomycetes gây ra… Tất cả những nghiên cứu về cơ chế kích kháng của Calcium silicate trên cây lúa, dưa leo và rau húng quế cho thấy rằng, khi xử lý đất với Calcium silicate trước khi cây bị nhiễm bệnh, cây gia tăng sự tổng hợp các enzym (như Phenylalanine ammonia-lyase và β-1,3-glucanase), góp phần giúp cây trồng giảm sự tấn công của mầm bệnh.
Bên cạnh bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá lúa cũng là một trong những bệnh hại quan trọng, gây thiệt hại năng suất và chất lượng lúa gạo. Đại diện Nhóm Nghiên cứu Bệnh học Thực vật của PGS.TS Nguyễn Đắc Khoa (Trường Đại học Cần Thơ), anh Phạm Thiết Trình đã trình bày nghiên cứu về khả năng kích thích tính kháng bệnh bạc lá lúa thông qua cao chiết lá sống đời trích ly bằng phương pháp tách chiết lỏng với dung môi nước. Tại báo cáo này, anh cho biết, bệnh bạc lá lúa (do một loại vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae gây ra) là một trong những bệnh hại quan trọng, gây thiệt hại năng suất và chất lượng hạt gạo. Sử dụng nguồn vật liệu sinh học bản địa để phòng trị bệnh là giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, trong phần báo cáo này, anh Trình còn cho thấy, khả năng kích thích tính kháng bệnh lưu dẫn trong cây lúa đối với bệnh bạc lá của cao chiết lá sống đời ly trích bằng phương pháp tách chiết lỏng - lỏng với dung môi nước…
Nhiều Đại biểu chú trọng nội dung các bài báo được đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường
Cũng tại Hội thảo, đặc biệt có đến 12 bài báo cáo khoa học được chọn để trình bày trực tiếp, bên cạnh đó gần 30 bài báo khoa học được chọn đăng vào số đặc biệt về bệnh hại thực vật trên Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường. Theo đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung vào việc trao đổi kiến thức chuyên sâu, chia sẻ sáng kiến, đề xuất các biện pháp kỹ thuật mang tính ứng dụng cao nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ bệnh hại thực vật tại Việt Nam.
Ngoài ra, hội thảo còn ghi nhận nhiều báo cáo khoa học tiêu biểu khác như: Tuyển chọn các vi khuẩn đối kháng vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây bệnh héo xanh trên cây cà chua; đánh giá đặc điểm hóa sinh, khả năng kháng bệnh và kích thích sinh trưởng của chủng klebsiella variicola BR12 được phân lập từ đất vùng rễ cây cam; ứng dụng công nghệ giải trình tự đoạn dài trong phát hiện tác nhân gây hại trên cây trồng… Đây là những góc nhìn chuyên môn, những kết quả nghiên cứu công phu về bệnh hại thực vật, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ thực vật và tối ưu hóa năng suất cây trồng.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Những chia sẻ từ Hội thảo góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, từ đó tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Nguyễn Kiên