
Quảng Trị - Du lịch nông nghiệp giúp người dân làm giàu trên quê hương mình
19/07/2025TN&MTĐối với một địa phương như Quảng Trị, với những lợi thế di sản của thiên nhiên như Phong Nha - Kẻ Bàng, du lịch lịch sử thành cổ Quảng Trị… thì du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp sẽ mang lại giá trị phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đưa sản phẩm OCOP địa phương vào du lịch nông nghiệp giúp người dân làm giàu trên quê hương mình.
Phát huy lợi thế từng địa phương
Hiện nay, người dân đô thị ngày càng mong muốn và yêu thích tìm về với nguyên gốc của cuộc sống tự nhiên, cuộc sống của nông thôn, làng quê và gắn với bản sắc dân tộc. Đây chính là điều kiện để du lịch nông nghiệp phát triển và cũng chính là lợi thế lớn hiện nay của nông dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá vừa giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị, cận đô thị theo hướng sinh thái, bền vững.
Để phát triển nông nghiệp du lịch, người nông dân cần phát triển sâu, làm tốt những sản phẩm nông nghiệp mà mình có, giữ gìn bản sắc địa phương, văn hóa, có những sản phẩm mang đặc trưng vùng miền, đến tập tục truyền thống.
Quảng Trị đang hình thành những mô hình khai thác tài nguyên bản địa gắn với phát triển du lịch bền vững
Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa bằng các đặc sản địa phương.
Điển hình như: Làng Văn hóa Du lịch, Làng du lịch nông thôn đã được hình thành và bước đầu có sự đầu tư, hoàn thiện hạ tầng (Làng Văn hóa Du lịch Cảnh Dương, Làng Văn hóa Du lịch Cự Nẫm và Làng Du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa), trong đó Làng Du lịch Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là Làng Du lịch tốt nhất tại kỳ bầu chọn năm 2023… Hay đã hỗ trợ doanh nhiệp xây dựng, hỗ trợ đầu tư xây dựng 08 căn hộ bugalow tại khu du lịch Lèn Chùa Ecostay, xã (mô hình phát triển du lịch sinh thái ở nông thôn gắn liền với nâng cao vai trò của cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng)
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có hệ di sản vô cùng quý giá về thiên nhiên nguyên sơ, cảnh quan sinh thái đẹp còn giữ được nét hoang sơ, hấp dẫn với du khách, đó là hang động, thác nước ở Tà Puồng, Chênh Vênh, Rào Quán… Cùng hệ sinh quyển núi rừng tự nhiên ở Hướng Hóa, Đakrông; thung lũng Khe Sanh, thiên nhiên xanh và thấp thoáng những ngôi nhà ẩn hiện trong mây trắng; Những triền đồi cà phê bát ngát ở Hướng Phùng, Hướng Hóa… Cánh đồng lúa trải rộng ngút tầm mắt ở Hải Lăng, Triệu Phong… Các vùng đồi trồng cây ăn quả, hồ thủy lợi lớn như hồ Bảo Đài, hồ Trúc Kinh, hồ La Ngà… Những khu vực này là địa điểm rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông trại (farmstay), dã ngoại, cắm trại, trekking và du lịch chữa lành (wellness tourism).
Với địa hình trải dài từ vùng núi đến đồng bằng, cùng hệ sinh thái đa dạng, Quảng Trị sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp đều đang hình thành những mô hình khai thác tài nguyên bản địa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Tại Hướng Hóa, thung lũng Khe Sanh nổi bật với mô hình nông trại nghỉ dưỡng như Khe Sanh Valley Farm, mô hình tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp… kết hợp giữa canh tác hữu cơ với không gian trải nghiệm. Thác Tà Puồng, thác Chênh Vênh cùng các bản làng Vân Kiều – Pa Cô đang trở thành điểm đến hấp dẫn với hình thức du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm thiên nhiên Trường Sơn hùng vĩ.
Làng Du lịch Tân Hóa (Quảng Trị) đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công nhận là một trong những Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023
Ở Vĩnh Linh, dự án Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh (xã Vĩnh Hòa) đang được triển khai, mở ra không gian trải nghiệm sinh thái và nông nghiệp gắn với rừng nguyên sinh. Xã cũng chú trọng phát triển các điểm đến tại Rú Bàu, Rú Đưng, gắn với sản phẩm OCOP như tinh dầu tràm, hồ tiêu, nước mắm…
Gio Linh phát huy lợi thế làng nghề và đặc sản địa phương: bún hến, rau liệt bánh lọc… đồng thời gắn kết hoạt động du lịch với các vùng chuyên canh trồng tiêu, trồng dứa… Việc khai thác các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng nổi tiếng như giếng cổ Gio An, đường Hồ Chí Minh, Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải… tạo thành chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch hấp hẫn, thu hút du khách thập phương.
Những kết quả đạt được đó đã góp phần đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch nông thôn, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt, xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống.
Để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích, lợi nhuận hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả. Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Nông dân liên kết cùng nhau làm du lịch… làm giàu ngay trên cánh đồng của mình
Theo chuyên gia về du lịch Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển Du lịch Châu Á: Muốn làm nông nghiệp du lịch thì cần phải tạo mối liên kết giữa nông dân với nông dân, với tập thể như hợp tác xã. Các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển nông nghiệp du lịch cũng cần có các biện pháp liên kết người nông dân, hướng dẫn họ cách làm nông nghiệp du lịch, làm sao cho họ hiểu được câu chuyện liên kết mới mang lại nguồn lợi. Câu chuyện du lịch nông nghiệp cũng mang sắc thái câu chuyện du lịch cộng đồng, để những người sinh sống trên nông sản từ nông nghiệp hiểu, liên kết và cùng nhau làm du lịch.
Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể. Làm sao để người nông dân thấy được lợi ích của mình về nông sản và làm giàu về du lịch ngay trên cánh đồng của mình.
Du lịch kết hợp ẩm thực địa phương là xu hướng được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ
Với đặc thù là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp, nên câu chuyện đưa nông nghiệp vào du lịch là câu chuyện cần được mỗi địa phương phát huy những thế mạnh vốn có của mình. Mỗi địa phương nên nhìn nhận và có quy hoạch thấu đáo và đưa ra phương pháp giúp người nông định hướng cách làm. Có thể mở những lớp tập huấn để người nông dân không bỏ ruộng, bỏ vườn và làm giàu trên quê hương của mình.
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, hoạt động du lịch trong thời gian qua đã và đang mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh Quảng Trị. Xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị. Song mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm thì xu hướng phát triển du lịch khác nhau, kéo theo đó là phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, lịch sử… và một xu hướng hiện nay đã và đang hình thành, phát triển là du lịch xanh gắn với chương trình OCOP.
Để tiếp tục tạo được sức cạnh tranh, hướng tới thị trường một cách sâu rộng đối với phát triển du lịch xanh và sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó như đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch xanh – du lịch nông nghiệp gắn với nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra sự phát triển du lịch bền vững mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả cao hơn.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền, ổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Không chỉ góp phần thực hiện bền vững các tiêu chí bền vững trong xây dựng nông thôn mới và góp phần xây dựng nông thôn trở thành một vùng quê đáng sống, giàu bản sắc văn hoá.
Bên cạnh đó, khuyến khích, kêu gọi đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn. Phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của từng vùng miền và từng địa phương, có chất lượng đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm, cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).
Kết hợp du lịch với OCOP giúp phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa
Đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp ở khu vực nông thôn. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, vận hành cơ sở lưu trú… cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Đinh Loan