
Lạng Sơn siết chặt quản lý khoáng sản: Từ thực tiễn địa phương đến kỳ vọng Luật mới
01/07/2025TN&MTSử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao nguồn thu ngân sách và đảm bảo phát triển bền vững là những ưu tiên trong công tác quản lý khoáng sản tại tỉnh Lạng Sơn. Song song với những kết quả tích cực, nhiều bất cập vẫn tồn tại, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách và thực thi. Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho địa phương trong chấn chỉnh và hiện đại hóa công tác này.
Hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển hạ tầng, xây dựng, sản xuất vật liệu ngày càng gia tăng, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Giai đoạn 2022–2024, nhiều bước tiến đã được ghi nhận, từ quy hoạch, cấp phép, quản lý hoạt động khai thác đến kiểm tra, giám sát và thu nộp ngân sách.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, trong ba năm qua, công tác lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, cùng việc khoanh định khu vực không đấu giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành đúng tiến độ. Qua đó giúp khai thác hiệu quả tài nguyên, đảm bảo môi trường ổn định và đóng góp tích cực cho ngân sách tỉnh.
Khai trường mỏ than Na Dương tại tỉnh Lạng Sơn
Cụ thể, tổng thu ngân sách tỉnh từ hoạt động khoáng sản trong ba năm gần nhất đạt 654,7 tỷ đồng. Năm 2022 thu được 193,7 tỷ đồng; năm 2023 đạt 243 tỷ đồng và năm 2024 ước đạt 218 tỷ đồng – những con số thể hiện tầm quan trọng của ngành khai khoáng trong phát triển kinh tế địa phương.
Tính đến tháng 5/2025, trên địa bàn tỉnh có 57 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 51 giấy phép do UBND tỉnh Lạng Sơn cấp. Phân loại giấy phép cho thấy nhu cầu khai thác vật liệu xây dựng là chủ yếu, với 48 giấy phép; ngoài ra có 3 giấy phép khai thác đá vôi và 1 giấy phép khai thác đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 1 giấy phép khai thác than nâu, 1 giấy phép khai thác than bùn và 3 giấy phép khai thác khoáng sản kim loại.
Thực trạng và những bất cập trong quản lý
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý khoáng sản tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt ở khâu thực thi và phối hợp liên ngành.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, một trong những vấn đề nổi cộm là việc chính quyền cấp huyện chưa thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, dẫn đến tình trạng buông lỏng giám sát. Một số tổ chức, cá nhân khai thác vượt công suất, ngoài ranh giới cấp phép, không đúng thiết kế, công nghệ đã được phê duyệt. Ngoài ra, hiện tượng khai báo sai sản lượng, không thực hiện kiểm kê trữ lượng, thuê đất không đầy đủ vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường (cũ), Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cũ) và cơ quan thuế vẫn chưa thật sự chặt chẽ, đặc biệt trong việc chia sẻ dữ liệu sản lượng khai thác, xử lý vi phạm và giám sát nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.
Việc thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2018, còn gặp khó khăn ở cấp cơ sở. Một phần do thiếu nhân lực, phần khác là chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan.
Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm
Trước tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra, công tác thanh tra, kiểm tra đang được tỉnh chú trọng hơn trong thời gian gần đây. Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt lên tới 1,16 tỷ đồng đối với 6 công ty khai thác khoáng sản sai phạm.
Mỏ đá của Công ty CP đá Đồng Mỏ (Lạng Sơn)
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, địa phương này đang tiếp tục xây dựng cơ chế thanh tra định kỳ và đột xuất, kết hợp ứng dụng công nghệ để giám sát hoạt động khai thác qua vệ tinh, định vị, camera. Quan điểm của tỉnh là không để lọt các hành vi trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí và gây hủy hoại môi trường.
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024: Kỳ vọng vào một khung pháp lý mới
Trong bối cảnh thực tiễn quản lý phát sinh nhiều vấn đề, việc Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản (ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ 01/7/2025) được đánh giá là bước ngoặt quan trọng cho cả Trung ương và địa phương.
Luật mới gồm 12 chương, 111 điều, quy định đầy đủ các nội dung về điều tra địa chất, điều tra khoáng sản, bảo vệ tài nguyên chưa khai thác, hoạt động khai thác, thu hồi và chế biến khoáng sản, tài chính khoáng sản, đấu giá quyền khai thác, cũng như tăng cường quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, Luật mới đã có những điều chỉnh căn cơ, phù hợp hơn với thực tiễn như tăng cường phân cấp cho địa phương, làm rõ các nhóm khoáng sản, quy định cụ thể về thu hồi khoáng sản – một điểm vướng lớn trước đây.
Một điểm đáng chú ý là quy định cụ thể về khoáng sản nhóm IV – bao gồm đất, cát dùng làm vật liệu san lấp, xây dựng công trình. Đây là nhóm khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động khai thác tại Lạng Sơn. Việc làm rõ phạm vi, mục đích khai thác, đối tượng được cấp phép, cơ chế thu – nộp và kiểm tra sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khai thác trái phép hoặc vượt quá nhu cầu thực tế.
Luật cũng quy định rõ hơn về hoạt động thu hồi khoáng sản trong quá trình thi công công trình, không còn đánh đồng với khai thác. Theo đó, việc thu hồi được thực hiện theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch và có cơ chế tài chính riêng.
Mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty TNHH Nhật Tiến (Lạng Sơn)
Cải cách hành chính, tài chính minh bạch, quản lý hiện đại
Một trong những đổi mới quan trọng của Luật là cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong cấp phép, gia hạn giấy phép, thu – nộp tiền cấp quyền khai thác. Thay vì thu một lần như trước, nay tiền cấp quyền sẽ được thu theo năm, căn cứ trên trữ lượng hoặc sản lượng thực tế khai thác, đồng thời được quyết toán theo số liệu kiểm tra định kỳ.
Điều này giúp địa phương dễ kiểm soát nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích khai thác hợp lý, hạn chế hành vi “khai thác lấy được” rồi bỏ mỏ hoặc để lại hậu quả môi trường.
Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho rằng, khi Luật có hiệu lực, các bất cập về thủ tục gia hạn, chuyển nhượng quyền khai thác, xử lý thuế, phí… sẽ được tháo gỡ. Đồng thời, tỉnh Lạng Sơn đang rà soát lại toàn bộ các giấy phép, hợp đồng khai thác để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Luật mới là công cụ pháp lý mạnh, nhưng cần song hành với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức chấp hành của doanh nghiệp.
Tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, tổ chức tập huấn cho cán bộ các sở, ngành và chính quyền cấp xã, đồng thời đối thoại với doanh nghiệp để làm rõ các quy định mới, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp.
Mục tiêu cuối cùng, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn, là quản lý khoáng sản hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường và phục vụ lợi ích phát triển lâu dài của tỉnh. Tỉnh cũng cam kết sẽ kiên quyết xử lý các điểm nóng khai thác trái phép, tăng cường kiểm tra đột xuất và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong toàn hệ thống.
Đỗ Hùng