
Hành trình kết nối và lan tỏa giá trị OCOP tại miền Trung thân thương của Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường
10/05/2025TN&MTMột buổi sáng đầu tháng 5, khi ánh nắng sớm vẫn còn dịu nhẹ nơi phố thị Hà Nội, đoàn công tác của Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đã rời Tòa soạn từ sáng sớm chính thức bắt đầu chuyến hành trình công tác dài ngày đến các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP và mô hình Du lịch xanh tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình - vùng đất giàu truyền thống, thấm đẫm nắng gió nhưng luôn căng tràn sức sống.
Lên đường mang theo trách nhiệm và niềm tin, hành trang của đoàn không chỉ là những máy ảnh, sổ tay ghi chép, mà còn là tinh thần của người làm báo chuyên ngành, những người mang trên vai sứ mệnh truyền tải trung thực, sâu sắc những câu chuyện của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đoàn công tác do lãnh đạo các phòng, ban của Tạp chí dẫn đầu, gồm các phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật truyền thông, với lịch trình làm việc tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, những địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phát biểu trước giờ khởi hành, ông Lê Quang Huy, Trưởng đoàn công tác chia sẻ với các thành viên trong đoàn: “Chúng ta đến miền Trung không chỉ để viết bài, ghi hình mà còn để lắng nghe, để cảm nhận. Mỗi chuyến đi là cơ hội để hiểu hơn về người nông dân. Những người đang âm thầm gìn giữ giá trị bản địa, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn môi trường và văn hóa.”
Đến với miền Trung, vùng đất của những câu chuyện đáng kể được biết đến là dải đất “gió Lào, cát trắng”, miền Trung không chỉ là nơi chịu nhiều thiên tai mà còn là nơi sản sinh ra những sản vật độc đáo, đậm chất địa phương. Chính vì vậy, chuyến đi lần này không đơn thuần là hoạt động nghiệp vụ, mà còn là hành trình tìm hiểu, kết nối và lan tỏa giá trị nông thôn Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Hành trình kết nối và lan tỏa giá trị OCOP tại miền Trung thân thương
Từ Tòa soạn đến thực tiễn, nhịp cầu của thông tin và truyền thông là cơ quan báo chí chuyên ngành trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường luôn chú trọng vai trò truyền thông phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Với chương trình OCOP, báo chí không chỉ đưa tin mà còn đồng hành, phân tích, giới thiệu mô hình hiệu quả, phản ánh những tồn tại để góp phần hoàn thiện chính sách.
Chuyến đi với tinh thần và trách nhiệm, trên chiếc xe lăn bánh rời khỏi Tòa soạn, mọi thành viên trong đoàn đều mang chung một tâm thế: Nhiệt huyết, trách nhiệm và khát khao lan tỏa những điều tốt đẹp từ thực tiễn đến công chúng. Trên cung đường từ Hà Nội vào miền Trung, những câu chuyện nghề, những kế hoạch tác nghiệp được bàn bạc kỹ lưỡng. Ai cũng ý thức rằng, mỗi dòng tin, mỗi bức ảnh, mỗi đoạn video được thực hiện trong chuyến đi này sẽ góp phần nhỏ bé vào bức tranh lớn về phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam hiện đại.
Đoàn công tác của Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường chính thức bắt đầu chuyến hành trình công tác dài ngày đến các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP
Đích đến là miền Trung, nhưng trái tim luôn hướng về nông thôn Việt, dù thời tiết nắng gắt hay đường dài gập ghềnh, đoàn công tác vẫn giữ vững tinh thần của những người làm báo chuyên nghiệp. Chuyến đi là dịp để đội ngũ phóng viên gắn bó hơn với thực tiễn, để những câu chuyện từ làng quê, từ bàn tay người nông dân được kể lại chân thực, sinh động và đầy cảm xúc. Chuyến công tác lần này là minh chứng sống động cho vai trò kết nối giữa báo chí và nông nghiệp, nơi thông tin không chỉ được phản ánh mà còn trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực.
"Điểm dừng chân đầu tiên là Hà Tĩnh, nơi cái nắng như thiêu như đốt với nhiệt độ lên tới 42 độ C khiến chúng tôi lập tức cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của miền Trung". Vùng đất được biết đến với truyền thống cần cù và sáng tạo. Đoàn đã đến thăm một số cơ sở OCOP tiêu biểu như cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Thư Viện sản phẩm đã đạt 3 sao cấp tỉnh, được yêu thích bởi vị thơm của lạc, vị ngọt của mật đã làm nên thương hiệu kẹo cu đơ Thư Viện; sản phẩm của thương hiệu trầm hương Tâm Thiên Hương (thành phố Hà Tĩnh) và mô hình sinh thái tổng hợp Thôn Trang Liên Nhật, thu hút đông đảo người dân, du khách và các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Dù quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ nhưng ở mỗi nơi, chúng tôi đều cảm nhận rõ được sự tâm huyết và khát vọng vươn xa của các chủ thể OCOP.
Sản phẩm trầm hương Tâm Thiên Hương
Rời Hà Tĩnh, đoàn tiếp tục hành trình đến Quảng Bình, nơi “nắng gió và cát trắng”. Ở đây, chúng tôi đã có dịp đến với các sản phẩm OCOP như cá bờm trắng, đặc sản biển Hải Ninh (TP Đồng Hới), nước mắm Ngọc Biển (Bố Trạch), sản phẩm cà gai leo Thanh Bình (Bố Trạch), mô hình trồng cây tràm Trà kết hợp với chưng cất tinh dầu đang được triển khai như một hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tràm Trà là loài cây chịu hạn tốt, thích hợp với khí hậu nắng nóng và đất đai nghèo dinh dưỡng của vùng đất này.
Bên cạnh đó, mô hình trồng cây tràm Trà kết hợp với chưng cất tinh dầu, không chỉ tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, mà còn thúc đẩy sự hình thành các hợp tác xã hoặc cơ sở sản xuất tinh dầu theo hướng khép kín từ trồng trọt đến chế biến. Tinh dầu tràm thu được có giá trị kinh tế cao, được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian, mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm đang dần khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Sản phẩm nước mắm Ngọc Biển
Gắn kết truyền thống với công nghệ tại Quảng Trạch, một huyện ven biển của Quảng Bình, đoàn đã gặp gỡ các chủ thể OCOP sản xuất dầu lạc nguyên chất Trường Thủy được chế biến hoàn toàn từ hạt lạc qua quy trình sản xuất khép kín đã được vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm chế biến muối Roòn của Hợp tác xã muối Quảng Phú. Điều đáng mừng là nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để tăng giá trị sản phẩm.
Khó khăn còn đó, nhưng niềm tin không thiếu trên suốt hành trình, đoàn công tác cũng lắng nghe nhiều tâm tư của các chủ thể sản phẩm OCOP. Khó khăn chung hiện nay, là vấn đề thị trường đầu ra, vốn đầu tư còn hạn chế, thiếu nhân lực chuyên môn về thương hiệu và marketing. Một số sản phẩm dù đạt sao OCOP nhưng vẫn chưa thể vượt khỏi “lũy tre làng” vì chưa đủ điều kiện tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại. Tuy vậy, điều khiến chúng tôi khâm phục là tinh thần vượt khó, tự lực và sáng tạo của người dân. Họ không chỉ làm nông mà còn làm kinh tế, bảo tồn văn hóa, và đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Lan tỏa giá trị, sứ mệnh truyền thông đồng hành.
Sản phẩm chế biến muối Roòn
Với vai trò là cơ quan báo chí chuyên ngành, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường xác định việc truyền thông cho chương trình OCOP là nhiệm vụ không thể tách rời. Trong chuyến công tác này, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, ghi hình thực tế, ghi nhận những mô hình hay, cách làm hiệu quả để lan tỏa trên các ấn phẩm, nền tảng số, nhằm đưa OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Khi nắng đã bắt đầu rát hơn trên dải đất miền Trung, đoàn công tác của Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đã có chuyến hành trình ý nghĩa đến các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, mô hình Du lịch xanh tại tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch và Bố Trạch. Đây không chỉ là chuyến đi khảo sát thực tế mà còn là dịp để kết nối, ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của người dân địa phương trong việc gìn giữ và phát triển sản phẩm đặc trưng của quê hương, hòa mình vào dòng chảy của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hành trình trở về Hà Nội kết thúc nhưng những ký ức, câu chuyện và hình ảnh về con người miền Trung vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. OCOP không chỉ là câu chuyện về sản phẩm, đó là câu chuyện về con người, về khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sỹ Tùng