
Điện Biên: Kỳ vọng đổi mới từ Luật Địa chất - Khoáng sản năm 2024
03/07/2025TN&MTLà địa phương miền núi Tây Bắc với hệ thống sông, suối nhỏ hẹp và tài nguyên khoáng sản chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng địa phương, Điện Biên đang nỗ lực trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, điều kiện thực tế và năng lực tổ chức thực thi. Trong bối cảnh đó, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” quan trọng, tạo bước chuyển mình cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại địa phương.
Quản lý khoáng sản đi vào nề nếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Trong ba năm trở lại đây, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Theo bà Trần Thị Thanh Phượng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Điện Biên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đã được ban hành nhằm tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Mỏ đá của Công ty TNHH Minh Quý Điện Biên
“Các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn cơ bản đã tuân thủ quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền trúng đấu giá, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường,… đồng thời tạo việc làm cho người lao động địa phương và có sự phối hợp, hỗ trợ chính quyền cơ sở trong xây dựng nông thôn mới”, bà Phượng cho biết.
Tính đến tháng 5/2025, toàn tỉnh có 36 điểm mỏ khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, bao gồm: 01 mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng; 18 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường; 13 mỏ cát xây dựng (trong đó có 5 điểm mỏ đang khai thác, 8 điểm mỏ chưa khai thác do chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất); 01 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp (chưa khai thác); 03 điểm mỏ than.
Các mỏ này chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung vật liệu, tiết kiệm chi phí vận chuyển và góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Những bất cập cần được tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Trần Thị Thanh Phượng cũng thẳng thắn chỉ rõ hàng loạt khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trong công tác quản lý khoáng sản hiện nay tại tỉnh Điện Biên.
Trước hết là tình trạng các điểm mỏ chưa được điều tra cơ bản địa chất, đánh giá trữ lượng và giải phóng mặt bằng. Do đó, các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như thăm dò, phê duyệt trữ lượng, xin chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác, thoả thuận bồi thường, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,… khiến thời gian triển khai dự án kéo dài, phát sinh chi phí lớn.
“Đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận mỏ, triển khai dự án nhanh và hiệu quả, trong khi nhu cầu vật liệu xây dựng tại địa phương lại ngày càng tăng”, bà Phượng nói.
Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra rải rác ở một số huyện, nhất là khai thác cát tại các lòng suối. Một số đơn vị khai thác không đảm bảo các thông số kỹ thuật theo thiết kế khai thác mỏ, chưa lắp đặt trạm cân để kiểm soát sản lượng đưa ra khỏi khu vực khai thác – do vướng vị trí địa hình hoặc chưa phù hợp với thực tế.
Nguyên nhân của những bất cập trên xuất phát từ nhiều phía, đơn cử: Đặc thù địa hình miền núi, trữ lượng cát, sỏi không lớn, trong khi các yêu cầu, điều kiện để cấp phép khai thác lại tương đương các loại khoáng sản khác, khiến số lượng tổ chức, cá nhân xin phép rất ít; Nhu cầu cát, đá xây dựng tại các công trình dân sinh và dự án đầu tư công lại ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, công tác điều tra địa chất cơ bản yêu cầu nguồn lực lớn, nhưng ngân sách hạn chế, thiếu nhân lực chuyên môn sâu; Thiếu hệ thống đồng bộ để kiểm soát sản lượng qua trạm cân, chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị khai thác; Lực lượng thanh tra chuyên ngành về khoáng sản còn mỏng, doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu bộ phận pháp chế để tư vấn, triển khai đúng quy định pháp luật.
Hướng đi từ thực tiễn: Đổi mới quản lý, tăng cường thanh tra, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực
Để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản tới cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong khai thác, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường”, bà Phượng nhấn mạnh.
Tỉnh Điện Biên cũng đang tiếp tục rà soát, triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong năm 2024, cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính 01 tổ chức và 01 cá nhân khai thác cát trái phép, với tổng số tiền xử phạt hơn 515 triệu đồng.
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 – Cú hích thể chế được kỳ vọng
Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 01/7/2025. Đây là một bước ngoặt lớn về chính sách, mang nhiều điểm mới so với Luật Khoáng sản 2010, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc tồn tại trong nhiều năm qua.
Theo bà Trần Thị Thanh Phượng, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 đã thể hiện tinh thần cải cách thể chế mạnh mẽ, với những điểm mới đáng chú ý như: Quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; Phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm, gắn với thẩm quyền quản lý phù hợp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; Bổ sung các cơ chế linh hoạt như khai thác tận thu, khai thác khoáng sản nhỏ lẻ không cần quy hoạch; Sử dụng ngân sách nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, có giá trị kinh tế cao; Ưu tiên cấp phép cho tổ chức, cá nhân đã thực hiện thăm dò; Bổ sung quy định Nhà nước có trách nhiệm đóng cửa mỏ trong một số trường hợp đặc biệt.
“Với Luật Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, tỉnh có thể chủ động hơn rất nhiều trong việc cấp phép thăm dò, khai thác, đặc biệt là đối với khoáng sản nhóm IV – vật liệu xây dựng thông thường. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, bà Phượng nhận định.
Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 cũng quy định các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp phép hoặc nộp tiền cấp quyền, như: hộ gia đình thu hồi khoáng sản trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình; tổ chức sử dụng vật liệu khai thác tại chỗ phục vụ chính công trình đó,...
“Những quy định này rất sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và giúp địa phương chủ động hơn trong khai thác và sử dụng tài nguyên phục vụ phát triển”, bà Phượng nhấn mạnh.
Một điểm khai thác cát ở Điện Biên
Doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền trong quản lý và bảo vệ tài nguyên
Bên cạnh vai trò quản lý nhà nước, sự tuân thủ pháp luật và tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vai trò hết sức quan trọng.
Tại tỉnh Điện Biên, một số doanh nghiệp điển hình đã và đang chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tổ chức khai thác hợp lý, bảo vệ môi trường và có đóng góp cho địa phương, như: Công ty CP Xi măng Điện Biên: Khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại điểm mỏ Tây Trang; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh: Khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Ka Hâu 2; Công ty TNHH Duyên Hùng: Khai thác cát tại điểm mỏ Đội 2,…
Sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin, giám sát khai thác, thực hiện trách nhiệm xã hội là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc khai thác tài nguyên khoáng sản được thực hiện bền vững, hiệu quả.
Mặc dù, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại Điện Biên thời gian qua đã có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức cần được tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách và sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan.
“Chúng tôi kỳ vọng Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 sẽ là cú hích mạnh mẽ, giúp địa phương chủ động hơn trong quản lý tài nguyên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ khoáng sản”, bà Trần Thị Thanh Phượng nhấn mạnh.
Thời gian tới, cùng với việc thực thi Luật mới, tỉnh Điện Biên xác định sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát sản lượng khai thác để hướng đến mục tiêu quản lý tài nguyên khoáng sản một cách minh bạch, hiện đại, bền vững.
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Lạng Sơn siết chặt quản lý khoáng sản: Từ thực tiễn địa phương đến kỳ vọng Luật mới;
- Nam Định: Quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản.