
Hoàn thiện Bộ tiêu chí Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030: Phân nhóm xã sát thực tiễn, nâng tầm mục tiêu hiện đại và giảm nghèo bền vững
25/07/2025TN&MTNgày 25/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2026-2030. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chủ trì Hội thảo tham vấn. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực quy hoạch, môi trường, kinh tế, văn hoá - xã hội.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Việc rà soát, điều chỉnh Bộ tiêu chí lần này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính và những thay đổi lớn về kinh tế - xã hội ở nông thôn. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, gắn với đặc thù vùng miền và phát huy tối đa vai trò chủ động của địa phương.
Phân nhóm xã để “may đo” tiêu chí phù hợp
Một điểm đổi mới quan trọng của Bộ tiêu chí giai đoạn tới là việc phân chia xã thành 3 nhóm, căn cứ vào điều kiện phát triển, địa hình và định hướng quy hoạch: (1) Nhóm 1: Các xã vùng cao, bãi ngang, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (2) Nhóm 2: Xã vùng nông nghiệp có tỷ lệ đất canh tác lớn (trên 70% diện tích tự nhiên). (3) Nhóm 3: Các xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị, tiếp giáp phường, mật độ dân số cao.
Cách phân nhóm này được đánh giá là “may đo” đúng thực tế, giúp địa phương linh hoạt áp dụng, tránh rập khuôn cứng nhắc. Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hệ thống tiêu chí vẫn giữ 9 nhóm nội dung cơ bản, gồm: quy hoạch, hạ tầng, kinh tế, nguồn nhân lực, văn hoá - xã hội, môi trường, cảnh quan, hệ thống chính trị, hành chính công, khoa học công nghệ & chuyển đổi số, tiếp cận pháp luật & an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nội dung sẽ được rà soát, tinh gọn, bổ sung để phản ánh đúng xu thế phát triển bền vững, xanh, tuần hoàn và thích ứng biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham gia hội thảo tham vấn
Tiếp thu nhiều kiến nghị mới: Thêm tiêu chí “Hạnh phúc”, “Làng thông minh”
Nhiều đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét bổ sung tiêu chí hạnh phúc thành một nội dung chính thức trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2026-2030. Tiêu chí này có thể là tiêu chí độc lập hoặc được tích hợp, lồng ghép trong nhóm tiêu chí văn hoá - xã hội, kèm theo hướng dẫn khung và công cụ đo lường cụ thể phù hợp đặc thù từng vùng.
Cùng với đó, ý tưởng về "làng thông minh" cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đây được xem là hướng phát triển tất yếu, phù hợp với chủ trương chuyển đổi số quốc gia và nhu cầu phát triển kinh tế số, dịch vụ số tại khu vực nông thôn. Việc hình thành các “làng thông minh” sẽ góp phần đưa công nghệ số đến gần hơn với người dân, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, thương mại, dịch vụ công, quản lý cộng đồng và giáo dục - đào tạo.
Các chuyên gia cho rằng, nếu được thiết kế đúng, hai tiêu chí “hạnh phúc” và “làng thông minh” không chỉ tạo ra bộ mặt nông thôn hiện đại, văn minh hơn, mà còn thúc đẩy tinh thần làm chủ, tự quản, tự giám sát của cộng đồng – đúng với tinh thần phát huy nội lực, coi người dân là trung tâm và là chủ thể của xây dựng nông thôn mới.
Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Xây dựng Nông thôn mới phải gắn hiện đại hoá và giảm nghèo bền vững”
Góp ý trực tiếp cho dự thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới cần quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ trọng tâm: một là phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hoá, hai là giảm nghèo bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo ông Cao Đức Phát, nội hàm của “nông thôn mới hiện đại” phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường: hạ tầng nông thôn đạt mức tiệm cận đô thị; thu nhập người dân nông thôn tiệm cận thu nhập của cư dân đô thị; môi trường sống phải được bảo vệ xanh, sạch, đẹp, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống văn hoá phát triển song hành với bảo tồn bản sắc dân tộc; an ninh trật tự luôn được đảm bảo, tạo nền tảng ổn định để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững, ông đặc biệt nhấn mạnh đến các giải pháp thực chất: hỗ trợ nhà ở, vốn vay, đào tạo nghề và an sinh xã hội phải đi liền nhau, đồng bộ. Mỗi xã, nhất là các xã nghèo, vùng cao, bãi ngang cần có chính sách đặc thù để không còn hộ có nhà tạm, xoá hẳn tái nghèo, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo vững chắc.
Nguyên Bộ trưởng cũng kiến nghị cần mạnh dạn phân nhóm xã rõ ràng, để từng nhóm xã có khung tiêu chí phù hợp. Theo góp ý, ba nhóm xã cần được phân biệt: (1) Xã vùng cao, bãi ngang, xã nghèo (tỷ lệ hộ nghèo trên 10%). (2) Xã vùng nông nghiệp - vùng chuyên canh, sản xuất hàng hoá. (3) Xã nằm trong quy hoạch phát triển đô thị, có mật độ dân số cao, chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Đi cùng đó, Bộ tiêu chí cần xây dựng khung tiêu chí logic, bao quát các yếu tố then chốt: quy hoạch hạ tầng; phát triển kinh tế xanh, nâng cao thu nhập; giảm nghèo bền vững; phát triển văn hoá - xã hội; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, muốn nông thôn mới thực sự “mới”, không chỉ là bê tông hoá đường làng, trường trạm, mà phải là quá trình nâng cấp toàn diện chất lượng sống, hình thành không gian sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc và giàu tính nhân văn. Trong đó, trách nhiệm của các cấp chính quyền là xác định đúng mục tiêu, phân công rõ ràng, lồng ghép các chính sách phù hợp với từng nhóm xã, tránh dàn trải, hình thức.
Quyết tâm ban hành đúng hạn, chất lượng
Để bảo đảm tiến độ, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đồng thời huy động ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp… trong quá trình hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí. Trong tháng 7 và tháng 8 tới đây, sẽ có thêm các cuộc họp chuyên đề, hội thảo trực tuyến, hội thảo nhóm để tiếp tục lấy ý kiến sâu hơn đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu.
Ông Ngô Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo tham vấn
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết: “Chúng tôi quán triệt tinh thần minh bạch, cầu thị và lắng nghe. Mục tiêu không chỉ là ban hành Bộ tiêu chí mới đúng tiến độ, mà còn bảo đảm mỗi tiêu chí thực sự bám sát thực tiễn, khả thi, dễ áp dụng, giúp các địa phương phát huy vai trò chủ động và sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.”
Việc hoàn thiện và ban hành kịp thời Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2026–2030 sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, khuyến khích cộng đồng chung tay phát triển nông thôn xanh - sạch - hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hàng triệu hộ dân trên cả nước.
Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm các hội thảo chuyên đề, xin ý kiến góp ý bằng văn bản từ các bộ, ngành, địa phương và đăng tải công khai dự thảo để toàn xã hội cùng tham gia đóng góp. Theo lộ trình, hồ sơ dự thảo sẽ được hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 11, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 12/2025.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: “Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến các bên, đảm bảo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2026-2030 thực sự là công cụ thiết thực, khả thi, thúc đẩy xây dựng nông thôn phát triển bền vững, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc”.
Việc hoàn thiện và sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 không chỉ là yêu cầu cấp thiết để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia NTM, mà còn là bước khẳng định quyết tâm đổi mới tư duy, cách làm, bảo đảm mỗi tiêu chí, chỉ tiêu thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực cho từng cộng đồng phát triển bền vững. Đồng thời, với tầm nhìn dài hạn và tinh thần kế thừa - đổi mới - hội nhập, Bộ tiêu chí sẽ trở thành kim chỉ nam để các địa phương đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước toàn diện, bao trùm và bền vững.
Hồng Minh