
Nghề làm miến gạo mở đường thoát nghèo tại Thanh Hóa
14/07/2025TN&MTXã Thăng Long nằm ở phía nam huyện Nông Cống (trước đây), nay là xã Thăng Bình, tỉnh Thanh Hóa, từ lâu nổi tiếng là một vùng quê thuần nông với truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó. Trong nhiều năm trở lại đây, nghề làm miến gạo không chỉ được xem là “cần câu cơm” mà còn trở thành hướng đi bền vững giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Nghề miến “sống lại” trên đất quê
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghề làm miến gạo ở Thăng Long (nay là Thăng Bình) có từ cách đây hơn 50 năm. Ban đầu, chỉ có một vài hộ làm miến thủ công phục vụ trong làng vào các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, người dân bắt đầu nhân rộng mô hình, đầu tư máy móc và hình thành nên các cơ sở sản xuất miến gạo quy mô nhỏ đến vừa.
Sản phẩm miến gạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Một cơ sở làm miến ở thôn Tân Long chia sẻ: Nghề này vất vả, phải dậy từ sớm để ngâm gạo, xay bột, rồi ép miến, phơi nắng... Nhưng đổi lại, mỗi ngày một lò cũng cho thu nhập từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng, tạo việc làm cho 3–5 lao động trong vùng. Miến gạo Thăng Long được người tiêu dùng ưa chuộng vì có độ dai tự nhiên, không pha tạp, không chất bảo quản và giữ được mùi vị truyền thống.
Hiện nay, địa phương có gần 150 hộ làm miến, trong đó khoảng 30 hộ sản xuất với quy mô lớn và có hệ thống máy móc bán tự động. Sự chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa đã giúp tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều hơn.
Lao động địa phương có thêm thu nhập từ nghề làm miến
Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, thậm chí xuất khẩu sang một số nước như Lào và Campuchia thông qua các đầu mối thương mại. Những mẻ miến gạo trắng tinh, dai giòn từ bàn tay người nông dân giờ đây không còn bó hẹp trong phạm vi làng quê mà đang từng bước vươn xa, ghi dấu ấn trên thị trường.
Nghề miến giúp xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương
Từng là một trong những xã thuần nông nghèo, xã Thăng Bình đã có sự thay da đổi thịt đáng kể. Theo thống kê của UBND xã Thăng Long (cũ) trước ngày 1/7, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 18% năm 2015 xuống còn dưới 4% vào năm 2024 – một kết quả mà lãnh đạo xã cho biết phần lớn là nhờ vào việc phát triển nghề làm miến gạo.
Nghề truyền thống đang tạo đà phát triển bền vững cho người dân
Từ chỗ chỉ sản xuất manh mún, nay nhiều hộ dân đã chủ động thành lập tổ hợp tác, tiến tới xây dựng mô hình làng nghề truyền thống. Một số hộ có điều kiện còn đầu tư hệ thống sấy miến bằng điện thay vì phơi nắng tự nhiên, giúp rút ngắn thời gian sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ vậy, nghề miến còn tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ trung niên, người lớn tuổi và những người không có điều kiện đi làm xa. Cô Lê Thị Tâm, 62 tuổi, chia sẻ: “Tôi tuổi cao rồi, không đi làm công ty được, giờ được làm miến ngay tại nhà, vừa có thu nhập vừa gần gũi gia đình. Một tháng cũng kiếm được 3 - 4 triệu đồng, đỡ lắm!”. Nhờ nghề miến, nhiều hộ dân trước đây khó khăn, giờ đã xây được nhà kiên cố, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, đời sống ngày một khấm khá hơn.
Hoạt động sản xuất miến đang dần được cơ giới hóa
Theo tính toán của HTX Dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long cho thấy, sau khi được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2020, trung bình 1 tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 60 tấn miến, gấp đôi so với trước đây. Cùng với đó, trước đây, 1 hộ làm miến chỉ cần 2-3 lao động thì giờ phải cần gấp đôi nhân công để làm các công đoạn như cắt miến, đóng bao bì... Sản lượng lớn, giá cả ổn định, theo đó thu nhập của người lao động cũng tăng từ 2-3 triệu đồng/người/tháng lên khoảng 7-9 triệu đồng/người/tháng... Đồng thời, cũng nhờ sức lan tỏa của chương trình OCOP, mà hơn 200 lao động tại thôn Tân Giao có việc làm, thu nhập ổn định.
Miến gạo được phơi dưới nắng để giữ độ dẻo và màu sắc tự nhiên
Tuy nhiên, để nghề làm miến thực sự phát triển bền vững, vẫn còn không ít khó khăn. Đó là vấn đề đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, thiếu nhãn hiệu tập thể có uy tín, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong khâu phơi sấy. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế do thiếu vốn và kỹ thuật.
Hiểu được điều đó, chính quyền địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ các hộ dân nâng cao chất lượng bao bì, mẫu mã và xúc tiến thương mại, từng bước hướng tới phát triển làng nghề bền vững.
Miến gạo đạt tiêu chuẩn OCOP thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng
Nghề làm miến gạo ở xã Thăng Bình, tỉnh Thanh Hóa không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là hướng đi đúng đắn trong công cuộc phát triển kinh tế nông thôn. Từng sợi miến không chỉ là sản phẩm tiêu dùng, mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, giữ gìn nghề tổ và quan trọng hơn cả – là “sợi hy vọng” giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Hoàng Anh