
Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam - Nam sang trang mới
14/07/2025TN&MTHợp tác Nam - Nam đang bước vào giai đoạn mới: từ chia sẻ kỹ thuật sang cùng hành động. Những kinh nghiệm nông nghiệp sinh thái, mô hình OCOP và cách làm hợp tác xã kiểu mới của Việt Nam đang trở thành điểm tựa để nhiều quốc gia châu Phi tìm kiếm lời giải bền vững cho sinh kế nông dân trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu nhiều biến động.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu và bất ổn lương thực, hợp tác Nam - Nam (hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển) được nhìn nhận như một động lực then chốt giúp các quốc gia đang phát triển tận dụng nội lực để vươn lên. Tuy nhiên, theo TS. Babafemi Oyewole - Giám đốc điều hành Tổ chức Nông dân Liên Phi (PAFO), để thực sự tạo ra tác động chuyển đổi, hợp tác Nam - Nam không thể chỉ dừng lại ở chia sẻ kỹ thuật hay trao đổi kinh nghiệm đơn lẻ, mà cần nâng tầm thành những hành động thiết thực, đồng triển khai sáng kiến, đồng đầu tư phát triển hạ tầng, công nghệ và con người.
Trong bức tranh ấy, Việt Nam nổi lên như một minh chứng sinh động. Gần hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành đối tác bền bỉ của nhiều quốc gia châu Phi, không chỉ mang theo kỹ thuật canh tác lúa, cải tạo đất, mô hình nuôi cá rô phi hay cá tra, mà còn đồng hành chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về phát triển khuyến nông, tổ chức hợp tác xã kiểu mới và xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả cụ thể đã chứng minh hiệu quả: tại Mozambique, các chuyên gia Việt Nam giúp nâng năng suất lúa từ 1,5 tấn lên hơn 4 tấn mỗi héc-ta; mô hình nuôi cá tại Uganda, Nigeria không chỉ tận dụng tốt nguồn lực bản địa mà còn cải thiện chất lượng giống và sinh kế địa phương. Tại Rwanda, kinh nghiệm phát triển hợp tác xã đã được Việt Nam truyền lại, góp phần tăng sức mạnh thương lượng cho nông dân và mở ra cơ hội tiếp cận vốn, dịch vụ.
TS. Babafemi Oyewole (bên phải) chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam ở các khu vực dễ bị tổn thương bởi khí hậu như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang đến những bài học quý giá cho châu Phi. Ảnh: Quỳnh Chi.
Điều khiến TS. Babafemi Oyewole ấn tượng hơn cả là cách Việt Nam tiếp cận phát triển nông nghiệp sinh thái, gắn tri thức bản địa với đổi mới khoa học và đồng hành chính sách. Những mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long là bài học quý giá cho các vùng đất châu Phi đang chịu tổn thương nặng nề bởi khô hạn, sa mạc hóa.
Với ông Oyewole, sáng kiến “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mà Việt Nam đang triển khai chính là “chất xúc tác kịp thời”, giúp tái định hình hợp tác Nam - Nam thành hành động cụ thể. Bởi OCOP không chỉ là câu chuyện phát triển sản phẩm đặc trưng mà còn là chiến lược trao quyền, trao công cụ để cộng đồng địa phương tự tin kể câu chuyện nông sản của mình, tổ chức sản xuất bài bản, tiếp cận công nghệ chế biến, chứng nhận chất lượng và mở rộng thị trường.
Ngày 15/7, 14 Bộ trưởng các quốc gia châu Phi sang Việt Nam tìm hiểu chương trình OCOP. Theo TS. Oyewole, điều này cho thấy hợp tác Nam - Nam đã bước sang giai đoạn mới: từ trao đổi kinh nghiệm sang xây dựng quan hệ đối tác thực chất, hình thành các doanh nghiệp tập thể, phát triển hạ tầng chế biến, chia sẻ công nghệ sản xuất thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Để tiến xa hơn, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc huy động các tổ chức nông dân, khu vực tư nhân, và nhất là sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, từ nông dân, phụ nữ đến thanh niên. Chính họ mới là lực lượng kiến tạo chuỗi giá trị bền vững, chia sẻ lợi ích công bằng và truyền cảm hứng đổi mới.
Theo người đứng đầu PAFO, chỉ khi hợp tác Nam - Nam chạm tới từng cánh đồng, từng thôn bản - trao quyền để người dân làm chủ, quyết định sản xuất và chia sẻ lợi ích - thì mối quan hệ hợp tác này mới thực sự trở thành động lực phát triển có sức lan tỏa bền vững.
Tổ chức Nông dân Liên Phi (PAFO) được thành lập từ năm 2010, hiện là mạng lưới đại diện cho hơn 80 triệu nông dân tại 49 quốc gia châu Phi. Từ góc nhìn của PAFO, Việt Nam không chỉ là đối tác kỹ thuật, mà còn là nguồn cảm hứng cho một mô hình hợp tác Nam - Nam biết đặt người nông dân vào vị trí trung tâm vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng, đồng thời là người gìn giữ bản sắc và kiến tạo sinh kế dài hạn.
Diệp Anh