
Đề xuất một số giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước về Viễn thám
03/12/2024TN&MTTăng cường năng lực quản lý viễn thám là một trong những nhiệm vụ then chốt, điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, nhu cầu nhân lực viễn thám cần được xác định cho từng thời kỳ, từng vùng miền, từng nhóm ngành nghề và có sự chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo để bảo đảm đào tạo đủ, không lãng phí nguồn lực xã hội.
Ảnh minh hoạ
Nhiều địa phương thiếu cán bộ có chuyên môn về viễn thám
Hiện nay, viễn thám đã trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, phát triển một số ngành kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh với chi phí thấp, độ chính xác cao, phạm vi quan trắc giám sát rộng, đa thời gian. Tuy nhiên, sự phát triển viễn thám ở Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của nó, một phần là do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đang trong quá trình hoàn thiện, phần nữa là do năng lực đội ngũ và trang thiết bị ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển ứng dụng viễn thám. Nhân lực về viễn thám ở cả cấp Trung ương và địa phương đều đang rất thiếu cả về số lượng và cơ cấu chuyên ngành. Một số ngành, lĩnh vực ở Trung ương có phát triển ứng dụng mạnh mẽ như tài nguyên môi trường, nông nghiệp phát triển nông thôn, giao thông vận tải, tuy nhiên nhiều ngành, lĩnh vực khác có tiềm năng ứng dụng viễn thám nhưng sự phát triển còn hạn chế. Theo khảo sát, rất nhiều các địa phương chưa có cán bộ có chuyên môn về viễn thám hoặc có hiểu biết về lĩnh vực viễn thám.
Nguồn nhân lực về viễn thám đã hình thành và phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực, tuy nhiên đội ngũ này chủ yếu được xây dựng từ các ngành, lĩnh vực khác. Số lượng đội ngũ được đào tạo chuyên ngành về viễn thám rất ít, chủ yếu tập trung tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số trường đại học kỹ thuật chuyên ngành và các viện nghiên cứu có đào tạo và nghiên cứu ứng dụng viễn thám.
Theo số liệu thống kê số lượng công chức, viên chức làm công tác được đào tạo chuyên ngành viễn thám chỉ chiếm 3%, nguồn nhân lực viễn thám, thiếu cả về số lượng và năng lực thực thi nhiệm vụ. Đội ngũ công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực viễn thám tương đối trẻ, tuy được đào tạo cơ bản từ trường đại học nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn và cần rèn luyện thêm kỹ năng quản lý. Việc phát triển viễn thám ứng dụng ở các ngành, lĩnh vực hiện nay chủ yếu cũng từ nhân lực được đào tạo từ các chuyên ngành khác; người thực sự có am hiểu về viễn thám chủ yếu được đào tạo từ nước ngoài, con số này cũng không nhiều và có chiều hướng suy giảm. Ở nước ta, việc ứng dụng viễn thám còn hạn chế vì những bất cập trong công tác quản lý và thiếu hụt đội ngũ kỹ thuật cũng như chuyên gia viễn thám và hệ thông tin địa lý.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MoU) về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Cần Thơ và Cục Viễn thám Quốc gia (Tháng 3/2024). Lễ ký kết nhằm mục tiêu tạo điều kiện để hai bên phát triển hợp tác trên cơ sở phát huy tiềm năng của mỗi bên và huy động các nguồn lực, dữ liệu để thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất và thực hiện dự án nghiên cứu liên quan đến phát triển công nghệ và ứng dụng viễn thám, các giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ viễn thám theo đánh giá sơ bộ nhu cầu tạo bồi dưỡng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường hàng năm khoảng 100 cán bộ quản lý cần được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, văn bản mới về viễn thám (tại Cục Viễn thám quốc gia và các Vụ, Tổng cục, Cục có quản lý các đề án, dự án, nhiệm vụ về viễn thám); có khoảng 600 viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ cần được đào tạo, bồi dưỡng trang bị các kiến thức cơ bản và đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng viễn thám trong công tác điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát bằng công nghệ viễn thám.
Tại các Sở Tài nguyên và Môi trường mỗi sở cần ít nhất 02 cán bộ có am hiểu về viễn thám để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, như vậy cả nước với 63 tỉnh, thành phố cần ít nhất 126 cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và cập nhật công nghệ; đồng thời các địa phương mối tỉnh cần ít nhất từ 10 đến 20 cán bộ kỹ thuật có chuyên môn về viễn thám để triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ về viễn thám trên địa bàn tỉnh, như vậy nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng viên chức chuyên môn, nghiệp vụ cũng khoảng hàng nghìn lượt (chưa tính các thành phố lớn có yêu cầu số công chức quản lý và viên chức thực thi nhiệm vụ viễn thám lớn hơn).
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng đang thiếu, yếu. Vì vậy, cần tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác quản lý nhà nước và phát triển ứng dụng viễn thám tại Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tăng cường năng lực trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, phát triển nhân lực ứng dụng viễn thám trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai ứng dụng viễn thám tại một số Bộ, ngành ở trung ương; Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai ứng dụng viễn thám tại các địa phương; Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo bậc đại học và sau đại học.
Đề xuất một số giải pháp tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám
Theo Cục Viễn thám Quốc gia, để đáp ứng nhu cầu cần thực tiễn đang đặt ra trong thực tiễn trong việc thực hiện thành công “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nước ta cần phải có một số giải pháp cụ thể.
Về nguồn nhân lực: Đảm bảo về cơ cấu, cân đối theo khu vực, trong đó phải thay đổi chương trình đào tạo, bồi dưỡng và gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, đúng người, đúng việc phù hợp với sở trường, năng lực của công chức, viên chức và vị trí việc làm.
Nâng cao hiệu quả đào tạo, đào tạo chất lượng cao, đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực nước ngoài, tích cực hội nhập quốc tế.
Ổn định và duy trì nguồn nhân lực hiện có; hoàn thiện các quy chế, chính sách hiện đang áp dụng tại đơn vị; đánh giá năng lực của từng công chức, viên chức theo định kỳ nhằm xem xét khả năng và sở trường của từng người để lên kế hoạch đào tạo nâng cao hiệu quả công việc, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao.
Tạo tính cạnh tranh lành mạnh trong từng vị trí công việc để công chức, viên chức phát huy tối đa năng lực của bản thân; tạo điều kiện để công chức, viên chức có cơ hội giao lưu học hỏi; kết hợp các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, cán bộ khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo bậc sau đại học ở nước ngoài.
Đội ngũ giảng viên được tập huấn, cập nhật kiến thức mới về chuyên ngành hàng năm, thông qua các hội thảo hội nghị quốc tế.
Tăng cường năng lực trang thiết bị công nghệ viễn thám: Hệ thống hạ tầng viễn thám cần được được đầu tư đồng bộ, thống nhất, có tính kết nối, chia sẻ đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất.
Cơ sở vật chất, được đầu tư phục vụ các nhiệm vụ quản lý, dự án ứng dụng viễn thám trong quản lý nhà nước của các ngành, lĩnh vực, trong phát triển kinh tế xã hội thông qua việc đầu tư mới và nâng cấp các trang thiết bị hiện có.
Thông qua các Dự án hợp tác quốc tế sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý và tăng cường công nghệ, từng bước xây dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ cao.
Các địa phương lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp với năng lực của địa phương, như đầu tư theo nhóm lĩnh vực ưu tiên hoặc đầu tư tập trung, chia sẻ nguồn lực giữa các ngành, lĩnh vực, hoặc xã hội hóa các hình thức đầu tư tư nhân cho phát triển viễn thám.
Tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng về viễn thám, hình thành được mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo bậc đại học và sau đại học về viễn thám. Thông tin về nhu cầu nhân lực viễn thám được xác định cho từng thời kỳ, từng vùng miền, từng nhóm ngành nghề và có sự chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo để bảo đảm đào tạo đủ, không lãng phí nguồn lực xã hội.
Các ngành đào tạo, chương trình đào tạo được xây dựng, ban hành và sử dụng chung trong các trường; hệ thống giáo trình xây dựng, cập nhật trên cơ sở những kiến thức nền cơ bản và công nghệ mới. Các chương trình đào tạo được mua, dịch từ nước ngoài từ các trường các quốc gia có trình độ tiên tiến.
Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ viễn thám, cần tập trung vào các nội dung và hoạt động cụ thể sau:
Điều tra, đánh giá, xác định đối tượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ đang công tác trong lĩnh vực viễn thám và các lĩnh vực có ứng dụng viễn thám, đặc biệt chú trọng đối với cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ lưu trữ viễn thám nhằm xác định được nội dung, chương trình trọng tâm, trọng điểm.
Xây dựng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển các chương trình, tài liệu, phần mềm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong lĩnh vực viễn thám.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lĩnh vực viễn thám, bao gồm: Xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng; Đào tạo, bồi dưỡng thí điểm nhằm hoàn thiện bộ tài liệu và cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về lĩnh vực viễn thám cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước công tác trong các lĩnh vực có ứng dụng viễn thám và các cơ quan, đơn vị liên quan tới lĩnh vực viễn thám có nhu cầu; Mở rộng liên kết đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác trong lĩnh vực viễn thám với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài có uy tín; Đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về viễn thám.
Ngọc Diệp