
Khoa học và công nghệ: Nền tảng để kết nối giữa nhà quản lý, nghiên cứu và doanh nghiệp
12/05/2025TN&MTNghị quyết số 57-NQ/TW xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh đó, nông nghiệp và môi trường - 02 lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước đã được xác định là những “địa bàn chiến lược” để triển khai đột phá. Mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp,... đang không còn phù hợp.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngày 10/5 tại Bắc Ninh
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết. Muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên - những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW.
TS. Phan Xuân Dũng khẳng định, không có quốc gia nào bền vững nếu thiếu nền khoa học công nghệ hiện đại. Với 3,7 triệu hội viên, trong đó hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức khoa học, Liên hiệp đã huy động nguồn lực xã hội hóa lớn, hỗ trợ nghiên cứu trong nông nghiệp và môi trường. Cần tăng đặt hàng nghiên cứu, sử dụng kết quả khoa học và truyền thông tri thức đến vùng sâu, vùng xa, tôn vinh trí thức để tạo động lực phát triển.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra một số định hướng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57 -NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15, Nghị Quyết số 71/NQ-CP, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội; Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân.
Ông Nguyễn Phú Tiến đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Theo đó, TS. Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh nhân lực là trụ cột, yêu cầu người đứng đầu phải am hiểu công nghệ và chịu trách nhiệm trực tiếp. Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm lãnh đạo trong chuyển đổi số, kết hợp với các chương trình phổ cập kiến thức số, thu hút hàng chục triệu lượt tiếp cận. Chính sách tài chính và thể chế được đề xuất để tháo gỡ rào cản, thử nghiệm công nghệ mới, và tạo không gian sáng tạo an toàn cho doanh nghiệp và nhân tài.
Ở một lĩnh vực trồng trọt, TS. Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, nhiều nghiên cứu trong nước đã chứng minh tiềm năng ứng dụng rộng lớn của công nghệ này. Một số giống cây trồng bản địa như cà chua, đậu tương, đu đủ,… đã được chỉnh sửa thành công để cải thiện hàm lượng đường, acid amin, giảm các hợp chất khó tiêu hoặc nâng cao khả năng kháng virus. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam có thể làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ chỉnh sửa gen vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, xu thế trên thế giới đang tiến rất nhanh, với nhiều sản phẩm chỉnh sửa gen đã được thương mại hóa tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Brazil.
Chúng tôi cần một khung pháp lý rõ ràng sẽ là nền tảng để kết nối nghiên cứu - quản lý - doanh nghiệp, giúp đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm nhanh chóng ra thị trường"-TS. Đỗ Tiến Phát nói!
Việt Nam hiện vẫn chưa có đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này, cả về hạ tầng, nhân lực và chính sách. Các nghiên cứu chủ yếu vẫn dừng lại trong phòng thí nghiệm, chưa thể chuyển sang quy mô sản xuất đại trà. Một trong những nguyên nhân quan trọng là khung pháp lý hiện hành chưa tách bạch rõ ràng giữa cây trồng chỉnh sửa gen và cây trồng biến đổi gen. Việc thiếu hành lang pháp lý cụ thể khiến các nhà khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều gặp khó trong việc tiếp cận và triển khai các sản phẩm tiềm năng.
Để công nghệ này thực sự phát huy hiệu quả trong cải tạo giống cây trồng bản địa, vốn có vai trò then chốt trong chiến lược nông nghiệp sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời. Đề xuất từ giới nghiên cứu là cần tiếp tục được đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong nước, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về chỉnh sửa gen. Bên cạnh đó, rất cần một cơ chế quản lý minh bạch, linh hoạt để đánh giá, cấp phép và sử dụng giống cây trồng chỉnh sửa gen phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại diện địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cam kết, Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi để đưa các sáng kiến và giải pháp đột phá vào thực tiễn. Bắc Ninh chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, bền vững, ứng dụng cảm biến độ ẩm, tưới tự động, AI phân tích sâu bệnh, dữ liệu vệ tinh dự báo sản lượng, và truy xuất nguồn gốc qua mã QR.
Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích hợp tác công - tư trong lai tạo giống, phát triển nông nghiệp sinh thái, đô thị, gắn với thương mại, dịch vụ - du lịch, và xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao. Về môi trường, Bắc Ninh xây dựng dữ liệu số về môi trường và đất đai, chuyển đổi quản lý sang số hóa, minh bạch, và đi đầu xử lý ô nhiễm tại làng nghề. Bắc Ninh sẽ phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành, đứng ở góc độ doanh nghiệp, là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp dự báo, nền nông nghiệp thế giới tới năm 2050 sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề: Nhu cầu lương thực toàn cầu cho khoảng 10 tỷ người; nguồn tài nguyên nông nghiệp ngày càng hạn chế; thiếu lao động nông nghiệp; biến đổi khí hậu, dịch bệnh; chiến tranh; đứt gãy chuỗi cung ứng. Để giải quyết những vấn đề này, nông nghiệp chính xác sẽ trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong đó có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới (IoT - internet vạn vật); Big Data (dữ liệu lớn), AI phân tích dữ liệu…
Là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, mục tiêu của Công ty Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển gia các sản phẩm công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh… Những thiết bị này đều bắt buộc phải dùng dịch vụ DTALS.
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ DATLS giúp tăng năng suất, điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tăng năng suất từ 15-20% quan cánh đồng mẫu; giúp tiết kiệm chi phí 15-25% chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu); giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao cạnh tranh (chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc minh bạch, xây dựng thương hiệu... của nông sản.
Những ý kiến, chia sẻ từ các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp đã cho thấy sự đồng thuận, trách nhiệm và kỳ vọng lớn lao vào việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57/NQ-TW. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển bền vững các lĩnh vực then chốt, mà còn là động lực tạo đột phá trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự đồng hành tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, giới khoa học và toàn xã hội. Có như vậy, Nghị quyết 57 mới phát huy được vai trò dẫn dắt, kiến tạo tương lai phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ngọc Diệp