Ba trụ cột để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả
22/07/2025TN&MTTại Hội thảo “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ của ba trụ cột là Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tri thức, giám sát trách nhiệm thực thi và truyền thông nhân rộng mô hình tốt.
Sáng ngày 22/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương; các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn.
TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ, hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu khai mạc, TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ, hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; đây là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đối diện với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, TS. Đào Xuân Hưng nhận thấy, thực tế trên đòi hỏi có sự quyết liệt chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đây là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững.
Song hành với đó, thực tiễn phát triển đất nước cũng đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải thay đổi các mô hình tăng trưởng, trong đó kinh tế tuần hoàn là giải pháp chiến lược nhằm tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và cộng đồng.
PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Biển và Hải đảo đánh giá cao vai trò của hội thảo nhằm đưa kinh tế tuần hoàn trở thành động lực mới cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam
Trước thực tiễn trên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiều địa phương đã lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động ban hành các hướng dẫn, chính sách cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất EPA, thúc đẩy xây dựng và triển khai các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng JETP và phát triển tín dụng xanh, đổi mới khoa học công nghệ.
Cùng với đó, nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, chế biến, chế tạo, với nhiều doanh nghiệp tiên phong, mạnh dạn đầu tư vào công nghệ hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị gia tăng xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn như do nguồn vốn hạn chế, thiếu công nghệ phù hợp, nhận thức của doanh nghiệp chưa đồng đều, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ. Do đó, để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, TS. Đào Xuân Hưng cho rằng cần có sự đồng bộ, phối hợp của ba trụ cột là Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tri thức, giám sát trách nhiệm thực thi và truyền thông nhân rộng mô hình tốt.
TS. Đào Xuân Hưng cũng nhấn mạnh, việc sớm áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thông qua tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng. Các doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm mới từ nguyên liệu tái chế, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu văn hóa của doanh nghiệp.
Trong xu hướng hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây và chuỗi công nghệ khối Blockchain trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy nhanh chóng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Qua đó không chỉ mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp mà còn góp phần vào phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhất trí cho rằng, trong kỷ nguyên mới, kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, giúp đối phó với khủng hoảng tài nguyên và biến đổi khí hậu và kiến tạo một mô hình phát triển bền vững, bao trùm và hiệu quả; đồng thời mở ra khả năng xây dựng hệ sinh thái kinh tế linh hoạt, bền vững hơn trong dài hạn.
Các ngành sản xuất không còn đơn lẻ, mà kết nối thành mạng lưới trao đổi vật liệu và năng lượng. Doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo có thể trở thành nguồn cung vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng, công nghiệp nhẹ có thể hợp tác với khu vực nông nghiệp để tận dụng phụ phẩm sinh khối. Liên kết giúp giảm lãng phí và tạo động lực hình thành những cụm công nghiệp sinh thái, làm gia tăng năng suất toàn xã hội mà không gây thêm áp lực lên môi trường sống.
Kinh tế tuần hoàn cũng góp phần định hướng lại mối quan hệ giữa tăng trưởng và công bằng xã hội. Qua đó, lợi ích kinh tế không bị tập trung vào một nhóm nhỏ, mà lan tỏa tới nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Bên cạnh đó là tạo áp lực tích cực buộc chính sách công phải chuyển hướng sang hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ chế tài chính xanh, cải cách quy chuẩn kỹ thuật và thúc đẩy hợp tác liên ngành. Nhà nước giữ vai trò thiết kế thể chế thúc đẩy thay đổi hành vi của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Thị trường được tổ chức theo hướng hiệu quả hơn và phù hợp với các mục tiêu phát triển dài hạn, tạo điều kiện để Việt Nam chuyển sang mô hình tăng trưởng chất lượng, ổn định và bao trùm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận chuyên sâu về xu hướng tất yếu của kinh tế tuần hoàn và cơ hội cho Việt Nam trong kỷ nguyên xanh; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp OCOP trong hành trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn; giải pháp phát triển các khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; tiềm năng thị trường và rào cản khi triển khai giải pháp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kinh tế tuần hoàn.
Các đại biểu cũng chia sẻ về giải pháp cho sự phát triển bền vững ngành thuỷ sản khi thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn; vai trò xã hội và giám sát trong phát triển kinh tế tuần hoàn; phát triển chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả; ứng dụng thực tế ở Nhật Bản và bài học dành cho Việt Nam.
Hội thảo cũng đã nghe Phó trưởng phòng tín dụng không tập trung, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam Nguyễn Tuấn Việt chia sẻ về cơ chế cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng tín dụng không tập trung, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam chia sẻ tham luận “Cơ chế cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường”
Chỉ ra những khó khăn, bất cập, các đại biểu bày tỏ quan tâm tới những vướng mắc trong hệ thống pháp luật. Theo đó, trong mỗi lĩnh vực lại có văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bên cạnh các văn bản chỉ đạo của Trung ương, còn có các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Có những văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, nhưng cũng có những khoảng trống mà pháp luật hiện hành chưa có quy định. Các đại biểu cho rằng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, chồng chéo.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục tiếp cận các nguồn vốn tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Đặc biệt cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; xây dựng các chuỗi giá trị tuần hoàn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
BN