
Biến đổi khí hậu - thảm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu - những vấn đề cần quan tâm hiện nay
06/02/2025TN&MTTrái đất ngày càng nóng lên khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Nhận định trên của giới khoa học một lần nữa được chứng minh qua thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Christian Aid và theo cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), những năm vừa qua “gần như chắc chắn” về các tổn thất mà 10 thảm họa thiên nhiên lớn nhất gây ra mấy năm trước đây đã vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử thế giới. Dự báo cũng cho thấy, năm 2024 có thể là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,50C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.
Một vấn đề môi trường hiện nay trên thế giới đang trở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn bao giờ hết chính là BĐKH. Nguyên nhân chính của BĐKH toàn cầu là do các chất thải khí nhà kính, như carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O) giữ nhiệt trong khí quyển, khiến Trái đất nóng lên.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng khoảng 1,10C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Sự nóng lên này đang dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, bão và sóng nhiệt.
Chính tác động của BĐKH, hàng loạt các thành phố trên thế giới ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Tại Texas, ghi nhận và tháng 6/2023 nhiệt độ đã vượt quá 480C ở một số nơi, và độ ẩm cao khiến cảm giác nóng bức thậm chí còn tồi tệ hơn. Đợt nắng nóng đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng ở Texas, và gây ra mất điện và gián đoạn giao thông. Ở Mexico, hay Braxin, Ắchentina,… nhiệt độ cũng đã tăng vọt với mức cao nhất là 500C ở một số nơi. Đợt nắng nóng vừa qua đã khiến ít nhất 112 người thiệt mạng ở Mexico từ tháng 3, và khiến nhiều người phải nhập viện vì sốc nhiệt.
Tình trạng nóng lên toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trái đất. Hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại không nhỏ cho con người cả về tài sản lẫn tính mạng.
Các loài động vật cũng không thể thích ứng và sinh tồn trong tình trạng khí hậu diễn biến xấu gây suy giảm đa dạng sinh học. Mực nước biển đang dâng lên do băng tan ở hai cực có thể gây ngập lụt các khu vực ven biển, đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên thế giới.
Ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe toàn cầu
Mốc nhiệt độ trên là một cảnh báo quan trọng, vì giới hạn tăng nhiệt độ 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp được xem như ngưỡng an toàn trong Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015, nhằm hạn chế những tác động nguy hiểm và không thể đảo ngược khi Trái đất nóng lên.
Theo báo cáo từ các chuyên gia thuộc tổ chức The Lancet Countdown, 10 trong số 15 tác động của BĐKH đối với sức khỏe con người đã đạt mức báo động. Số người hơn 65 tuổi tử vong vì nắng nóng đã tăng 167% kể từ những năm 1990.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo, khi thế giới tiếp tục ấm lên, số lượng thảm họa sẽ tăng lên theo. “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng, bão, lũ, hạn hán và cháy rừng như những gì chúng ta đã từng thấy ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng như các nước ở châu Á, Đông Nam Á trong thời gian gần đây”, ông giải thích. “Chúng ta có nhiều hơi nước hơn trong khí quyển, khiến những trận mưa lũ chết chóc trở nên trầm trọng hơn”.
Báo cáo được WMO đưa ra trong bối cảnh đang có rất nhiều báo động về tình trạng BĐKH. Thời tiết khắc nghiệt đã tác động mạnh đến các cộng đồng từ Tây Bắc Thái Bình Dương đến Siberia và Trung Quốc. Báo cáo do cơ quan khí hậu của Liên hợp quốc công bố hồi tháng 8 năm nay cho thấy, hiện tượng ấm lên trên toàn cầu đang tăng nhanh và các hoạt động của con người là nguyên nhân lớn nhất gây ra điều này.
Các đợt hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng ảnh hưởng tới mùa màng, dẫn đến tình trạng thiếu đói và đe dọa an ninh lương thực ở nhiều khu vực.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: “BĐKH đang khiến chúng ta lâm bệnh và hành động cấp bách bây giờ là vấn đề sống còn”. Theo WHO, có tới 99% dân số thế giới hít thở bầu không khí vượt ngưỡng an toàn về ô nhiễm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, tiểu đường và nhiều vấn đề khác, tạo ra nguy cơ lớn về sức khỏe.
Ước tính, mỗi năm có gần 7 triệu ca tử vong sớm liên quan ô nhiễm không khí. Thành phố Lahore ở Pakistan tuần qua ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao hơn 40 lần mức cho phép của WHO. Tuy nhiên, vẫn lóe lên một tia hy vọng là báo cáo từ The Lancet Countdown chỉ ra rằng số ca tử vong liên quan ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm gần 7% từ năm 2016 đến 2021, nhờ các nỗ lực cắt giảm khí thải từ than đá.
Nguy cơ lây truyền của loài muỗi mang virus sốt xuất huyết đã tăng 43% trong 60 năm qua. Năm ngoái, thế giới đã ghi nhận kỷ lục mới với hơn 5 triệu ca sốt xuất huyết. Ngoài ra, các cơn bão và lũ lụt tạo ra nước đọng, là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường nước như tả, thương hàn và tiêu chảy.
Ngày 6/9/2024, hơn 200 tạp chí y tế và sức khỏe trên thế giới đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó cho rằng cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt chính là BĐKH chứ không phải đại dịch. Hai thảm họa thời tiết khắc nghiệt chết chóc nhất là vụ hạn hán ở Ethiopia năm 1983 và trận lốc xoáy năm 1970 ở Bangladesh. Mỗi sự kiện đã khiến 300.000 người thiệt mạng.
Theo thống kê của các tổ chức y tế thế giới, Mỹ là nước phải gánh chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất do các thảm họa thời tiết. Năm vụ việc gây tổn thất lớn nhất toàn cầu đều nằm trong danh sách những cơn bão đổ bộ vào Mỹ trong hai thập niên qua. Đứng đầu là siêu bão Katrina năm 2005, gây thiệt hại 164 tỷ USD và làm hơn 1.800 người tử vong. Cùng với đó, các trận bão đứng ở vị trí thứ 2, 3, 4 đều xảy ra vào năm 2017, lần lượt là Harvey, Maria và Irma.
Tần suất xảy ra các thảm họa môi trường tự nhiên ngày càng dày và mức độ ảnh hưởng của chúng ngày một nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, điều may mắn là số người thiệt mạng do tác nhân này gây ra đã giảm đi gần 3 lần trong 5 thập niên qua. Điều đó có được là nhờ những tiến bộ lớn mà các nước đã đạt được trong hệ thống cảnh báo sớm và quản lý thiên tai.
Như vậy có thể khẳng định: BĐKH đã khiến số lượng thảm họa trên phạm vi toàn cầu tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua.
Kết luận trên vừa được Cơ quan Khí tượng - thủy văn Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc nêu ra trong bản báo cáo mới nhất.
Những cảnh báo từ các Cơ quan Khí tượng - thủy văn Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc và các chuyên gia cho thấy, hiện nay không chỉ là vấn đề của môi trường mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Hàng chục quốc gia trong thế giới đang phát triển vẫn chưa có các hệ thống cảnh báo sớm, trong khi mạng lưới thu thập dữ liệu trên khắp châu Phi, Mỹ Latin và vùng Caribe vẫn tồn tại vô số lỗ hổng lớn. Thực trạng này khiến cho việc chuẩn bị phòng chống thảm họa trong tương lai thêm khó khăn và khiến nguy cơ thương vong tăng lên.
Những vấn đề cần quan tâm
BĐKH có nguy cơ khiến cho một số khu vực trên thế giới trở thành nơi không thể sinh sống. Theo Mami Mizutori, một quan chức của Liên hợp quốc phụ trách Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, dù thế giới hiện nay được trang bị tốt hơn để ngăn ngừa tử vong, song sự gia tăng dân số cùng với tần suất ngày càng nhiều của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng di dời.
“Cần phải hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa thì mới giải quyết được vấn đề kinh niên về số lượng lớn người phải di dời mỗi năm do bão lụt và hạn hán. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào quản lý rủi ro thiên tai toàn diện, để đảm bảo việc thích ứng với BĐKH được tích hợp trong các chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai của quốc gia và địa phương”, bà Mami Mizutori kêu gọi.
Năm ngoái, Viện Kinh tế và Hòa bình (ở Sydney, Australia) ước tính 1,2 tỷ người có nguy cơ phải di dời do BĐKH vào năm 2050.
Thời điểm WMO tung ra báo cáo trùng với thời điểm các hiện tượng thời tiết cực đoan đang chiếm sóng các bản tin thời sự trên khắp toàn cầu. Tại Mỹ, bão ‘quái vật’ Ida đang gây ra những thiệt hại khủng khiếp. Cơn bão đã cướp đi mạng sống của hơn 60 người. Ở miền tây nước Mỹ, những vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên, và phần lớn khu vực đang phải vật lộn với tình trạng hạn hán.
Còn tại Australia, khu vực Nam Âu, phía Bắc lục địa Á-Âu, một phần của châu Mỹ và các khu rừng nhiệt đới ở châu Phi, cảnh nắng nóng, hạn hán và cháy rừng diễn ra đồng thời đang ngày càng phổ biến hơn.
Những số liệu cho thấy, các đại dương hiện hấp thụ tới 91% năng lượng từ sự gia tăng hiệu ứng nhà kính. Điều này đã dẫn đến sự ấm lên của đại dương và tạo nên nhiều đợt sóng nhiệt biển hơn, đặc biệt là trong vòng 15 năm trở lại đây.
Sóng nhiệt biển đã gây ra cái chết của hàng loạt sinh vật biển, chẳng hạn như các rạn san hô bị “tẩy trắng”. Chúng cũng gây hiện tượng tảo nở hoa và làm xáo trộn thành phần của các loài sinh vật biển. Kể cả khi Trái đất có thể hạn chế sự nóng lên ở mức từ 1,5 đến 20C theo tiêu chuẩn của Thỏa thuận Paris về BĐKH, các đợt nắng nóng trên biển sẽ tăng gấp 4 lần vào cuối Thế kỷ này.
Các núi băng và sông băng tan chảy, cùng với sự mở rộng của đại dương khi ấm lên, đã khiến mực nước biển trung bình trên toàn cầu tăng với tốc độ đáng quan ngại: Từ 1,3 mm/năm trong giai đoạn 1901-1971, cho đến 1,9 mm/năm trong giai đoạn 1971-2006, và lên tận 3,7 mm/năm trong giai đoạn 2006-2018.
Băng tan là tình trạng băng, tuyết tan chảy do nhiệt độ tăng. Đây là một hiện tượng tự nhiên xảy ra trên Trái đất hàng năm, nhưng tốc độ băng tan đang tăng lên do BĐKH.
Hậu quả trực tiếp mà băng tan gây ra là mực nước biển dâng cao. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng bao gồm: Xâm nhập mặn, biển xâm thực, BĐKH,... Theo dự báo, khoảng 31 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng vào năm 2050, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mực nước biển dâng có thể lên đến 2 mét.
Bên cạnh đó, băng tan còn làm giảm lượng bức xạ nhiệt phản xạ trở lại không gian, làm cho Trái Đất hấp thụ nhiều nhiệt hơn, khiến hiện tượng BĐKH diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Nếu con người không mạnh tay ngăn chặn ô nhiễm không khí và tình trạng ấm nóng trên toàn cầu, các thảm họa thời tiết sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Trong một báo cáo mới đây, Ủy ban liên chính phủ về BĐKH cảnh báo, kể cả khí hậu Trái đất ổn định lại, những thiệt hại vẫn không thể đảo ngược trong vòng nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.
Mấy giải pháp nâng cao hiệu quả ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Trước hết, tăng cường phổ biến kiến thức, truyền thông, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành nhất là những diễn biến trong bối cảnh mới. Cần có cách thức mới để người dân thấy được BĐKH là nguyên nhân tác động tới sức khỏe và ảnh hưởng tới hệ sinh thái, con người gắn bó với hệ sinh thái và phải chống chịu, thích ứng.
Hai là, BĐKH đã được khẳng định là thảm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu; có ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, do vậy về quan điểm chúng ta chấp nhận những ảnh hưởng này để có những giải pháp phù hợp, trong đó có những ảnh hưởng tiêu cực nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng có tính tích cực, biến những thách thức của BĐKH thành những cơ hội để chủ động giảm thiểu và thích ứng dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa, tính hiệu quả, phù hợp với diễn thế của thiên nhiên được đặt lên hàng đầu.
Ba là, cần phải căn cứ vào kịch bản đưa ra do BĐKH, nhất là kịch bản nước biển dâng thêm để có những tính toán đầy đủ và phương án qui hoạch phù hợp đối với hoạt động sản xuất các ngành, lĩnh vực, phân bố dân cư và chuyển đổi phát triển kinh tế theo cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ phù hợp.
Bốn là, cần có những giải pháp cho từng bộ, ngành, lĩnh vực và từng vùng đối với ảnh hưởng của BĐKH xét trong bối cảnh mới. Trước hết, chú trọng tới ngành nông nghiệp trong việc cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi do những ảnh hưởng của BĐKH không chỉ chống chịu mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Những vùng miền khác phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi vùng để có những giải pháp phù hợp, đối với vùng ven biển, ưu tiên hàng đầu là ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, đối với vùng miền núi là lũ lụt, lũ quét, hạn hán, lốc xoáy,...
Năm là, BĐKH là vấn đề có tính toàn cầu, chỉ một mình Việt Nam sẽ không giải quyết được, chính vì vậy, cần có sự phối hợp với các tổ chức, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hơn nữa chúng ta đã cam kết cùng nỗ lực toàn cầu để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế, nắm bắt cơ hội để có những chuyển giao về khoa học công nghệ thế hệ mới, đầu tư tài chính và kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với BĐKH.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng phó, thích ứng với BĐKH. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các viện nghiên cứu khoa học về dự báo chiến lược và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường chủ động hơn nữa, ưu tiên hợp tác, tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế nghiên cứu về các xu hướng ứng phó, thích ứng với BĐKH toàn cầu và các tác động, chia sẻ, những bài học kinh nghiệm hay trong quản lý để kịp thời đưa ra tư vấn với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong các vấn đề, như bảo vệ môi trường, xây dựng tín chỉ các-bon, luật về BĐKH,... Các cơ quan chuyên môn, cơ quan đối ngoại chủ động cử đại diện ứng cử, tham gia tại các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, góp phần thể hiện vai trò quốc gia có trách nhiệm, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ NGUYỄN HUY HIỆU
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 23 (Kỳ 1 tháng 12) năm 2024