
Cộng đồng xanh Hà Nội: Khi những người trẻ chọn sống tử tế với môi trường
26/06/2025TN&MTTrong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường đô thị, từ ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt đến suy giảm môi trường xanh, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn lên tiếng và hành động. Trong số đó, Cộng đồng Xanh Hà Nội, một nhánh hoạt động trực thuộc Xanh Việt Nam, đang nổi bật như một tập thể tiên phong lan tỏa lối sống xanh bằng các hoạt động thiết thực như nhặt rác, trồng cây, truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng. Không cần danh nghĩa lớn lao, không trợ cấp tài chính cố định, những người trẻ ở đây đã biến sự tình nguyện trở thành trách nhiệm tự thân, đóng góp vào nỗ lực chung gìn giữ môi trường sống của Thủ đô.
Hành trình làm sạch Thủ đô của những bạn trẻ
Giữa nhịp sống đông đúc và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức môi trường: rác thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí, nước thải chưa xử lý triệt để. Theo Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội, mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 7.000 tấn rác, trong đó không ít bị vứt bừa bãi nơi công cộng, kênh rạch, bờ hồ. Không khí ô nhiễm, các dòng sông như Tô Lịch, Kim Ngưu ngập rác... trở thành hình ảnh quen thuộc. Trong khi đó, ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.
Chính trong bối cảnh đó, cộng đồng tình nguyện Xanh Hà Nội ra đời như một “mạch xanh” giữa lòng đô thị. Được thành lập vào tháng 8 năm 2020 một năm sau khi Xanh Việt Nam hoạt động, cộng đồng hướng đến mục tiêu lan tỏa tình yêu môi trường và tổ chức các hoạt động nhặt rác trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần nâng cao kiến thức và ý thức giữ gìn môi trường Xanh – Sạch – Đẹp cho cộng đồng.
Bạn Nguyễn Khánh Ly (góc trái màn hình) là thủ lĩnh hiện tại của cộng đồng Xanh Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Hiện tại, Xanh Hà Nội thủ lĩnh là Nguyễn Khánh Ly (sinh năm 2008) và 28 thành viên nòng cốt thường trực, giữ vai trò tổ chức và điều phối các hoạt động chính của cộng đồng. Đây không chỉ là những người lên kế hoạch, tổ chức hoạt động, làm việc với chính quyền địa phương mà còn trực tiếp tham gia tất cả các sự kiện từ đầu đến cuối. Đó là chưa kể hàng trăm tình nguyện viên thường xuyên tham gia theo từng chiến dịch. Tôn chỉ hoạt động của cộng đồng rất rõ ràng: “Không hoạt động tự phát, không làm cho có, không dọn rác chỉ để chụp ảnh”. Tất cả đều phải thực chất, đúng quy trình pháp lý và hướng đến sự lan tỏa lâu dài trong cộng đồng. Mỗi năm cộng đồng có 2 chiến dịch lớn nổi bật (Earth Day, Clean Up) và mỗi tháng có ít nhất 1 chiến dịch.
Giữ màu xanh cho môi trường là điều không hề dễ
Thời gian đầu thành lập cộng đồng gặp không ít lần khó khăn, khi đó cộng đồng còn ít người biết tới, nhân sự nòng cốt đếm trên đầu ngón tay, kinh nghiệm tổ chức sự kiện môi trường gần như bằng không. Nhân sự tổ chức mỏng, chủ yếu là các thành viên nòng cốt tự phân công, điều phối công việc từ A đến Z từ hậu cần, truyền thông, lo dụng cụ, đảm bảo y tế,… Mọi người đều là tình nguyện viên, không thù lao, không văn phòng, chỉ có chung một tinh thần: “Chúng mình là một cộng đồng và cộng đồng thì phải vì mọi người”.
Đến hiện tại cồng đồng đã có rất nhiều người tham gia tuy nhiên cộng đồng lại gặp nhiều khó khăn về xin phép giấy tờ. Để tổ chức một buổi nhặt rác với vài chục đến cả trăm người tham gia giữa lòng Hà Nội, tưởng như đơn giản, nhưng thực tế lại là chuỗi thử thách liên tục. Là một cộng đồng phi lợi nhuận, Xanh Hà Nội luôn phải bắt đầu từ việc khó nhất, xin phép chính quyền địa phương. Mỗi sự kiện đều cần công văn xác nhận, có khi gửi trước cả tháng, chờ phản hồi, điều chỉnh kế hoạch, thậm chí đổi địa điểm vào phút chót. “Có những chiến dịch tụi mình phải xin phép chính quyền từ trước cả tháng. Việc chuẩn hóa quy trình và phối hợp với địa phương mất rất nhiều thời gian, vì bên phường, quận cũng có nhiều vấn đề riêng” bạn Nguyễn Khánh Ly chia sẻ. Nhiều khi thời tiết còn không ủng hộ có những ngày mưa tầm tã nhưng cộng đồng vẫn không hủy.
Cộng đồng Xanh Hà Nội hoạt động nhặt rác dưới chân cầu Long Biên. (Ảnh: NVCC)
Điều đặc biệt là sau mỗi hoạt động, dù lớn hay nhỏ, dù vất vả đến mấy, các bạn lại ôm nhau thật chặt. “Văn hóa ôm” không chỉ là nét riêng của Xanh Hà Nội mà còn là truyền thống xuyên suốt của cả cộng đồng Xanh Việt Nam đã trở thành cách để truyền lửa, động viên và gắn kết. Một cái ôm là lời cảm ơn, là sự công nhận, là lời nhắn nhủ thầm lặng. “Nhiều lúc làm việc rất căng thẳng, rác thải thì rất hôi thối, bụi bặm những sau khi hoàn thành công việc mọi người lại trao nhau những cái ôm điều đó khiến tôi gạt bỏ được những sự mệt nhọc ấy” bạn Nguyễn Bùi Trà My thành viên cộng đồng chia sẻ.
Khi hành động nhỏ tạo nên những thay đổi lớn
Không đơn thuần là những buổi làm sạch môi trường vào dịp cuối tuần, Cộng đồng Xanh Hà Nội còn gieo những hạt mầm nhận thức vào lòng cộng đồng đô thị. Từ người dân sống quanh khu vực, đến trẻ nhỏ, người đi đường, hay cả chính quyền địa phương, tất cả đều ít nhiều bị đánh động bởi hình ảnh những người trẻ lặng lẽ dọn sạch từng gốc cây, góc phố.
“Chúng mình không kỳ vọng một buổi dọn rác sẽ khiến nơi đó sạch mãi, mà hy vọng hành động ấy sẽ tác động đến ý thức của những người xung quanh, để họ nhìn thấy và tự hỏi vì sao mình lại không làm điều tương tự”, Nguyễn Khánh Ly, thủ lĩnh 17 tuổi của cộng đồng chia sẻ!.
Gần đây nhất cộng đồng có chiến dịch Clean 7 tại chân cầu Nhật Tân (ngày 8/6/2025) và đã thu hút được hơn 200 tình nguyện viên tham gia và thu được 124 bao rác, số ký rác thu gom: 3.256 kg. (Ảnh: NVCC)
Không dừng lại ở dọn rác, cộng đồng còn còn chủ động tổ chức trồng cây ở các tỉnh miền núi, tặng hoa công nhân vệ sinh vào các dịp lễ và bắt đầu xây dựng các workshop môi trường để lan tỏa kiến thức đến cộng đồng rộng hơn. Tất cả đều dựa vào nội lực, ý chí, không hưởng lương, phụ cấp mà được duy trì bằng tinh thần tích cực và kết nối giữa các thành viên. “Cộng đồng của chúng mình không tiêu cực và điều giữ người ta ở lại là năng lượng tích cực đó”, Ly nói.
Trong tương lai gần, cộng đồng dự kiến tổ chức một chiến dịch quy mô lớn vào dịp 2/9, đồng thời mở rộng mảng truyền thông môi trường tại các trường học và không gian công cộng.
Với thông điệp gửi tới người trẻ, Khánh Ly và cộng đồng nhấn mạnh: “Bạn không cần phải đi nhặt rác mỗi ngày. Chỉ cần không xả rác là bạn đã góp phần vào làm sạch môi trường rồi.”
Phan Huế