
Chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường kỷ nguyên 4.0
10/02/2025TN&MTVới sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và dữ liệu lớn, ngành Tài nguyên và Môi trường đang bước vào một giai đoạn mới đầy hứa hẹn. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số theo tinh thần “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hoá các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong quy trình quản lý, điều hành
Về tình hình, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến đến cuối năm 2024 đã cung cấp 861 Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó, 33 DVCTT mức độ toàn trình trong tổng số 40 DVCTT đủ điều kiện toàn trình (chiếm tỷ lệ 82,5% năm 2024 đạt 100%); kết nối với các CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm, về dân cư, nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) và Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống EMC) và cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (Cổng eSign) của Bộ TT&TT, hoàn thành tích hợp phương thức đăng nhập thông qua Cổng DVCQG bằng tài khoản định danh điện tử VneID. Đã tích hợp, cung cấp 84 DVCTT trên Cổng DVCQG, đạt tỷ lệ 100 % đủ điều kiện.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ đã triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, CSDL tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử. Cụ thể, về xây dựng các hệ thống thông tin/CSDL quốc gia, chuyên ngành:
Đối với CSDL đất đai do Trung ương xây dựng: Đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần, bao gồm: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước; đối với CSDL đất đai do địa phương xây dựng: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết TTHC về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ trung ương đến địa phương; 325/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL giá đất; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã. Dữ liệu đất đai các địa phương đã xây dựng, làm sạch thường xuyên, liên tục được đưa vào sử dụng ngay, kết nối, chia sẻ với CSDL dân cư để cắt giảm các TTHC cho người dân, tránh lãng phí.
Đối với CSDL nền địa lý quốc gia: Hoàn thành xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia phần đất liền tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 phủ trùm cả nước; hoàn thành xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm; triển khai xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia cho một số khu vực trên vùng biển Việt Nam tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000; kết nối chia sẻ, cung cấp cho Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng số, CĐS.
Đối với CSDL KTTV: Đã và đang tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu quan trắc bao gồm: CSDL quan trắc thời gian thực của các trạm quan trắc KTTV và môi trường tự động; CSDL quan trắc KTTV của các trạm quan trắc thủ công; Dữ liệu vệ tinh thời tiết; Dữ liệu radar thời tiết; dữ liệu định vị sét; dữ liệu sản phẩm NWP; dữ liệu quan trắc quốc tế nhận được thông qua hệ thống GTS của WMO; CSDL về thiên tai và rủi ro thiên tai.
Đối với CSDL môi trường: Đã xây dựng và hoàn thiện CSDL môi trường quốc gia giai đoạn 1 làm nền tảng quản lý chia sẻ dữ liệu trong toàn lĩnh vực môi trường và cung cấp dữ liệu chia sẻ dùng chung về môi trường cho các cơ quan, bộ, ngành khác. Ngoài CSDL môi trường quốc gia giai đoạn 1, lĩnh vực môi trường đã và đang xây dựng các CSDL thành phần, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành như: Hệ thống thông tin CSDL đa dạng sinh học quốc gia; phần mềm CSDL tư liệu môi trường; phần mềm hỗ trợ quản lý, khai thác thư viện môi trường; phần mềm báo cáo về hiện trạng loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hệ thống thông tin, CSDL thanh tra môi trường;...
Đối với CSDL TNN: Đã xây dựng, hoàn thiện CSDL quy hoạch TNN; CSDL lưu vực sông, hồ chứa; CSDL quản lý giấy phép TNN; CSDL giám sát khai thác, sử dụng TNN; CSDL quan trắc TNN,… đang xây dựng, hoàn thiện CSDL TNN quốc gia trong “Đề án tổng kiểm kê TNN quốc gia, giai đoạn đến năm 2025”.
Đối với CSDL địa chất và khoáng sản: Đã tổ chức triển khai xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các bản đồ số địa chất khoáng sản các tỉ lệ 1:1.000.000, 1:500.000, 1:200.000; CSDL quản lý giấy phép hoạt động khoáng sản; CSDL tính tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; CSDL dữ liệu thống kê, kiểm kê tài nguyên, trữ lượng khoáng sản giai đoạn 2006-2020; CSDL thống kê, kiểm kê khoáng sản rắn; CSDL địa chất, khoáng sản vùng Tây Bắc; CSDL môi trường khoáng sản độc hại; CSDL môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện CSDL từ điển thuật ngữ dùng chung phục vụ cho công tác chuẩn hoá, xây dựng, cập nhật dữ liệu; CSDL nền địa chất quốc gia, tỷ lệ 1:1.000.000, 1:500.000 và 1:250.000; CSDL công tác thi công công trình; CSDL địa vật lý; CSDL nền địa chất tỷ lệ 1:50.000 và các bản đồ chuyên đề (sinh khoáng, địa hóa, địa mạo…); CSDL mẫu vật và bảo tàng địa chất; CSDL tai biến địa chất, địa chất môi trường; CSDL di sản địa chất, công viên địa chất; CSDL địa chất công trình - địa chất thuỷ văn. Tiếp tục triển khai để hoàn thiện, sử dụng trong quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và cung cấp, chia sẻ theo quy định.
Đối với CSDL TN&MT B&HĐ: Được hình thành, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện CSDL địa hình đáy biển; CSDL ranh giới biển Việt Nam; CSDL KTTV biển; CSDL ĐC&KS biển; CSDL dầu khí; CSDL môi trường biển; CSDL tài nguyên đất ven B&HĐ Việt Nam; CSDL TNN vùng ven B&HĐ Việt Nam; CSDL ảnh vệ tinh phục vụ quan trắc và giám sát TNMT biển; CSDL các điều kiện tự nhiên, tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái biển; CSDL đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy, hải sản vùng biển Việt Nam; CSDL phục vụ các nhiệm vụ kinh tế kỹ thuật và quốc phòng an ninh trên biển và thềm lục địa Việt Nam; CSDL về hệ thống các cửa sông và hệ thống đê biển; CSDL tổng hợp với các bộ dữ liệu về KT-XH; thiên tai biển; giao thông vận tải biển và dữ liệu về các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ biển.
Đối với CSDL viễn thám: Đã và đang triển khai xây dựng CSDL viễn thám quốc gia; CSDL viễn thám đa mục tiêu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; CSDL giám sát môi trường B&HĐ bằng công nghệ viễn thám; CSDL giám sát sói lở khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám…
Đối với CSDL BĐKH: Đã và đang tổ chức xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về BĐKH; CSDL giám sát BĐKH; CSDL về kiểm kê khí nhà kính; CSDL về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; CSDL về thích ứng BĐKH,…
Đối với các CSDL TN&MT khác: Đang tổ chức xây dựng, hoàn thiện CSDL công chức, viên chức, người lao động Bộ TN&MT (đã đồng bộ lên CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức); CSDL liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH; CSDL về quan trắc TN&MT,...
Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số
Tuy vẫn còn một số khó khăn trong sử dụng CSDL trong công tác, chuyên môn, giải quyết TTHC còn hạn chế dẫn đến dữ liệu không đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu còn yếu, dẫn đến khó khăn tiếp cận dữ liệu, một số nơi còn cát cứ dữ liệu, không chia sẻ sử dụng hoặc không chia sẻ được dữ liệu, song, Bộ TN&MT vẫn đang tích cực xây dựng các chính sách, cơ chế khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, giải pháp công nghệ kỹ thuật cho CĐS, phát triển Chính phủ số quốc gia nói chung.
Một là, xây dựng, hoàn thiện chính sách, cơ chế tạo thuận lợi CĐS TN&MT; hoàn thiện quy định kỹ thuật tạo cơ sở pháp lý về CSDL TN&MT, kết nối, liên thông các CSDLQG phục vụ thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử, quản lý, chuyên môn; chuyển đổi phương thức làm việc lên môi trường số: Xây dựng, thực thi các quy chế vận hành các hệ thống thông tin; chuẩn hóa quy trình hành chính nội bộ trên môi trường số; đổi mới xây dựng quy trình kỹ thuật đối với công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc,… ngành TN&MT theo phương thức số, lấy dữ liệu làm trung tâm, thu thập dữ liệu số tại nguồn, quản lý, chia sẻ, phân tích, xử lý trên công nghệ số...
Hai là, triển khai xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về đất đai, hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, xây dựng CSDL quốc gia về đất đai đúng thời hạn được giao tại Luật Đất đai năm 2024; bảo đảm kết nối với CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL quốc gia khác theo quy định.
Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ để hoàn thành xây dựng CSDL đất đai địa phương tập trung thống nhất theo quy định, sử dụng triệt để CSDL trong công tác hàng ngày, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ giải quyết TTHC.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, lĩnh vực TN&MT; bảo đảm vận hành, sử dụng dữ liệu trong công tác hàng ngày, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu; kết nối, cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế số, xã hội số; phục vụ giải quyết TTHC,...
Bốn là, thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP; nhiệm vụ được giao của UBQG về CĐS.
Năm là, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVCQG, các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và số hóa, lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tích hợp, liên thông cung cấp DVCTT trên Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu về DVCTT được giao, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện, duy trì, vận hành hạ tầng số, nền tảng số bảo đảm hạ tầng số dùng chung cho các đơn vị thuộc Bộ, các hệ thống thông tin dùng chung của Bộ, hỗ trợ các Sở TN&MT; đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động thông suốt phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ, ngành trên môi trường điện tử trực tuyến, góp phần cải tiến, đổi mới phương thức làm việc của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ cải cách hành chính.
Bảy là, bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật cho các hệ thống thông tin/CSDL bảo đảm an toàn thông tin trong CĐS. Thu hút nhân lực về CĐS, đào tạo tập huấn về kỹ năng số, xử lý khai thác dữ liệu phục vụ CĐS của cơ quan, góp phần CĐS ngành.
LÊ PHÚ HÀ
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TNMT
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025