
Chuyên gia chất thải rắn Nhật Bản HIDEKI WADA: Phát triển kinh tế tuần hoàn cần đối tác bền vững và hiệu quả
21/07/2025TN&MTKinh tế tuần hoàn đã chứng minh tiềm năng to lớn trong thúc đẩy phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường. Phóng viên Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia chất thải rắn Nhật Bản HIDEKI WADA.
Phóng viên: Xin ông HIDEKI WADA đánh giá về phát triển kinh tế tuần hoàn của Viêt Nam hiện nay?
Ông HIDEKI WADA: Tôi đánh giá rất tích cực về chính sách kinh tế tuần hoàn (CE) của Việt Nam. Chính sách này được quy định rõ ràng trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, cũng như trong các nghị định, thông tư hướng dẫn và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE). Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập một định hướng rõ ràng như vậy về CE. Các bạn hoàn toàn có thể tự hào về điều đó.
Chuyên gia chất thải rắn Nhật Bản HIDEKI WADA trao đổi với Phóng viên Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường
Phóng viên: Đâu là những mô hình kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam nên học hỏi, áp dụng thưa ông HIDEKI WADA?
Ông HIDEKI WADA: Kinh tế tuần hoàn có nhiều khía cạnh, trong đó “tuần hoàn” – tức thúc đẩy tái chế – là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam đã có lợi thế trong việc tái chế các loại vật liệu tạm gọi là “tự thu hồi”. Ví dụ như rất hiếm khi tìm thấy giấy hoặc kim loại trong bãi chôn lấp vì chúng được thu gom và tái chế bởi một hệ thống năng động sẵn có.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức lớn với các loại vật liệu khó tái chế như nhựa nhiều lớp, nhựa sử dụng một lần... Tương tự, chất thải xây dựng tại Nhật Bản được tái chế gần 100% bằng cách nghiền và tái sử dụng làm đá hoặc cốt liệu trong xây dựng, còn ở Việt Nam chủ yếu vẫn bị chôn lấp. Do đó, việc ưu tiên và tăng cường hoạt động tái chế nên được xem là mô hình kinh tế tuần hoàn trọng tâm cho Việt Nam.
Dây truyền tái chế rác thải tại Nhà máy xử lý chất thải Nam Thành, tỉnh Lào Cai
Phóng viên: Vậy ông HIDEKI WADA có các khuyến nghị gì đối với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn?
Ông HIDEKI WADA: Tôi phải nói rằng kinh tế tuần hoàn (CE) không chỉ là chính sách riêng của Việt Nam mà còn là xu hướng quốc tế. Ở Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, các hoạt động sản xuất theo hướng CE đã được triển khai rộng rãi. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là điều kiện tiên quyết quan trọng — nếu không tuân thủ các nguyên tắc CE, họ có nguy cơ mất quyền tiếp cận các thị trường xuất khẩu chủ chốt như EU và Nhật Bản.
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn (CE) không thể chỉ dựa vào các quy định hay chế tài xử phạt. CE là một vấn đề liên ngành, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cần có những quan hệ đối tác bền vững và hiệu quả.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông HIDEKI WADA!
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam: Thực trạng và hướng đi;
- Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị;
- TS. Nguyễn Đình Trọng: Công nghệ Việt xử lý hiệu quả “Rác thải Việt”.