
Cơ quan khí tượng thủy văn nỗ lực phục vụ công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai
22/03/2024TN&MTHưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024, Chiều 21/3/2024, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, nhận định xu thế thiên tai năm 2024”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp từ Trung tâm Điều Hành tác nghiệp của Tổng cục kết nối trực tuyến tới toàn bộ các điểm cầu cơ quan Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự và hệ thống các cơ quan khí tượng thủy văn tại 7 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, 56 Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Tại hội nghị đại diện Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã trình bày các báo cáo Tổng kết công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV năm 2023, cập nhật dự báo ENSO, thiên tai, nguồn nước năm 2024; giới thiệu hệ thống cảnh báo trực tuyến lũ quét, sạt lở đất. Các viện nghiên cứu đã trình bày các báo cáo về một số nghiên cứu ứng dụng trong cập nhật phân vùng nguy cơ và ngưỡng mưa phục vụ cảnh báo sạt lở đất; kết quả phân vùng rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt và lũ quét phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Các đơn vị Đài KTTV khu vực đã báo cáo đánh giá các tác động, khả năng tổn thương của các hoạt động kinh tế - xã hội theo kịch bản dự báo ENSO (Elnino và Lanina), dự báo cảnh báo sớm về hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
TS. Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Hội nghị
Đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương đã ghi nhận những nỗ lực cố gắng của cơ quan KTTV các cấp phục vụ cho công tác chỉ đạo giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời kiến nghị và nêu lên các giải pháp để Tổng cục KTTV tiếp tục đề xuất với Chính phủ, Bộ TN&MT quan tâm đầu tư về khoa học công nghệ, trang thiết bị và hệ thống quan trắc phục vụ hiệu quả dự báo, cảnh báo sớm, sát thực các thiên tai có nguồn gốc KTTV. Các đơn vị sẽ tăng cường phối hợp để chủ động ứng phó thiên tai dị thường mang lại an toàn cho tất cả mọi người phục vụ phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, Tổng cục KTTV đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, tin cậy diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, tiến tới dự báo tác động của thiên tai. Để đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân khu vực bị ảnh hưởng; áp dụng đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp.
Đồng thời, đơn vị cũng chủ động giám sát, đánh giá và giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai. Tổng cục KTTV sẽ chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai tại các đơn vị, đặc biệt tại các trạm khí tượng thuỷ văn vùng núi và hải đảo, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ,… Đảm bảo an toàn về người, phương tiện, thiết bị, máy móc và công trình nhà cửa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và kịp thời khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Các đơn vị trong Tổng cục tập trung tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.
Toàn cảnh Hội nghị
Các chuyên gia đã thống nhất nhận định, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Để thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, Tổng cục KTTV xác định cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn, hải văn; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước; cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm cho các cơ quan theo quy định.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nắng nóng năm nay đến sớm, số đợt nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, mức độ nắng nóng cũng gay gắt hơn, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được thiết lập. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ, sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vào tháng 4-6/2024. Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì ở miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5. Trong tháng 7-8, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.
Phương Đông