
Đề án 06 - Điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
28/02/2025TN&MTChuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số dữ liệu số. Do đó, dữ liệu là “trái tim” của chuyển đổi số. Hạ tầng dữ liệu là “yếu tố then chốt” cho chuyển đổi số. Khai thác, kết nối dữ liệu sự sống của nền tảng số quốc gia, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, là công cụ để đo lường và giám sát thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo ra cơ hội mới để định hình lại lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Những lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho xã hội
Với sự phát triển mạnh mẽ, vươn mình của CĐS tại Việt Nam hiện nay, các ngành, lĩnh vực đang dần được thừa hưởng những giá trị mang lại, ứng dụng công nghệ trong CĐS hiện nay. Sự chuyển mình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra những tiện ích vượt trội cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được CĐS hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể, bài bản.
Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS nói chung trong tình hình hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy pháp luật, và hoạch định chương trình, Quyết định, Kế hoạch về CĐS. Với sự gương mẫu, tiên phong đi đầu trong CĐS, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án “ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06/CP). Sau gần 03 năm triển khai, Đề án 06/CP đã tạo nên một “gia tài” cơ bản, là nền móng của CĐS quốc gia được hun đúc, xây dựng từ sự quyết tâm, hành động, tìm các giải pháp mới nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả. Các mục tiêu có tính chất nền tảng cơ bản đã đạt được, theo đúng tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Đây là một trong những “điểm sáng” của CĐS nước ta trong gần 03 năm qua. Chính phủ đã xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của CĐS quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, cách tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất. Đồng thời, đã nhận diện và đề ra 05 nguyên tắc để đảm bảo triển khai thành công Đề án 06 đó là:
Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”, có cơ chế kiểm tra, giám sát; nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo; quán triệt việc triển khai để tạo giá trị “văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm”; việc tổ chức triển khai đảm bảo xuyên suốt 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã.
Để thực hiện thành công đề án phải hoàn thiện được 5 vấn đề về “pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người) để triển khai”.
Đề án 06/CP đã đi vào từng “ngóc, ngách” của đời sống xã hội, đi qua các bộ, ngành, địa phương. Mang lại những giá trị mang tính định lượng cụ thể, thiết thực trên 03 khía cạnh: Làm cho xã hội văn minh hơn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, phòng chống tội phạm, cụ thể là:
Thứ nhất, đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 87,9 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 79,8 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 58,3 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 78,67%). Từ ngày 01/07/2024 đến nay, toàn quốc đã cấp 12,6 triệu thẻ Căn cước cho công dân, (trong đó: cấp 3,9 triệu trường hợp dưới 6 tuổi; 8,6 triệu trường hợp trên 6 tuổi); cấp 260 Giấy chứng nhận Căn cước.
Thứ hai, các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh thực hiện với bước đột phá là 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, đặc biệt, hai dịch vụ công liên thông “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” đã được Chính phủ công bố triển khai trên toàn quốc từ 10/7/2023. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, đồng thời tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỉ đồng.
Thứ ba, các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Điển hình như: Xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt; xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh; chi trả an sinh không dùng tiền mặt: 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội; chi trả bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg; triển khai Sổ sức khỏe điện tử,…
Thứ tư, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận 1.825.854.696 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin (tăng hơn 22 triệu yêu cầu so với tháng 10/2024); trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 1.033.207.271 yêu cầu; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế chưa có hạ tầng để triển khai hồ sơ sức khỏe trên VneID,…
Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số quốc gia
Từ những kết quả bước đầu của CĐS và Đề án 06 mang lại, cơ bản cơ quan nhà nước đã thay đổi được trong cách vận hành, quản trị, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, được thể hiện rõ từ sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp ngành.
Một là, về quyết tâm chính trị: Các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cần thống nhất nhận thức và đảm bảo nguyên tắc “5-4-3-2-1” để triển khai Đề án 06/CP một cách hiệu quả, xuyên suốt. Từ đó, quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Hai là, tăng cường đầu tư, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin. Hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của CĐS. Để triển khai các giải pháp công nghệ mới, trước hết, các cơ quan cần được trang bị hệ thống mạng lưới ổn định, hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Big Data) để lưu trữ và phân tích lượng thông tin khổng lồ. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, mà còn cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho việc ra quyết định trong chính sách phát triển KT-XH.
Ba là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực CĐS. Cần có chương trình đào tạo và huấn luyện chuyên sâu cho cán bộ, công chức về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Về vấn đề này, đề nghị phối hợp Bộ Công an để triển khai phần mềm học trực tuyến MOOC để người học chủ động, học mọi lúc theo nhu cầu và có giám sát, đánh giá.
Bốn là, về an ninh an toàn bảo mật: Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh các hệ thống lớn liên tục bị tấn công, điển hình gần nhất là Trung tâm dữ liệu quốc gia của Indonesia đã bị tin tặc tấn công, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Do vậy, việc duy trì, đảm bảo hệ thống bảo mật, an ninh an toàn phải được đảm bảo 24/7.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục về CĐS. Cần phải thông tin cho người dân về những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, từ đó tạo ra sự đồng thuận và hợp tác từ phía người dân. Việc này cũng giúp nâng cao nhận thức và kiến thức về CĐS.
Cuối cùng, CĐS là một quá trình không thể tránh khỏi, mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho quốc gia. Các giải pháp tăng cường ứng dụng CĐS như đầu tư hạ tầng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ và tăng cường tuyên truyền sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Chỉ khi thực hiện đồng bộ và hiệu quả những giải pháp này, chúng ta mới có thể đón đầu xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng một nền y tế hiện đại, bền vững và đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong tương lai.
NGUYỄN DUY HOÀNG
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 24 (Kỳ 2 tháng 12) năm 2024