
Định hình không gian phát triển dài hạn cho lĩnh vực viễn thám
23/01/2025TN&MTCông nghệ viễn thám ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phân tích dự báo và nắm bắt được các xu thế đó để có định hướng phát triển khoa học và công nghệ phù hợp. Việc “đi tắt đón đầu” sẽ tận dụng được tri thức của nhân loại cũng như rút ngắn khoảng cách về trình độ thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và phát triển công nghệ viễn thám.
Tận dụng và nắm bắt công nghệ viễn thám vào quản lý tài nguyên
Viễn thám là một trong những công nghệ cao được nhà nước công nhận tại Mục 17 của “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 27/01/2021 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 với mục tiêu “Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, BVMT, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này”. Theo đó, các ngành, lĩnh vực mang tính chất chuyên môn kỹ thuật như: TN&MT, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, xây dựng, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch,… rất cần thiết ứng dụng viễn thám để phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, ứng dụng trong phạm vi quản lý. Các kết quả nghiên cứu của các chương trình KH&CN cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật nhất là những đóng góp cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng chính sách, dần hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về viễn thám.
Tại Quyết định số 149/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Chiến lược này là cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác quản lý và định hướng việc ứng dụng CNVT tại Việt Nam, đặc biệt trong công tác giám sát TN&MT. Trong đó, mục tiêu phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia trở thành một lĩnh vực có trình độ KH&CN hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới.
Trong những năm qua, với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ viễn thám nhiều dự án được Cục Viễn thám quốc gia triển khai. Điển hình như Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN”; Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám”; Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám để đánh giá hiện trạng, diễn biến đến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng công nghệ viễn thám”;… Công nghệ viễn thám cũng hỗ trợ thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu. Đặc biệt, Dự án “Giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” hoàn thành là lần đầu tiên Việt Nam “vẽ” chi tiết bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất.
Định hình không gian phát triển dài hạn cho lĩnh vực viễn thám
Xu hướng công nghệ viễn thám đang trở nên phổ biến và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Nhu cầu dữ liệu viễn thám không ngừng gia tăng và có xu hướng tích hợp các chủng loại khác nhau, bao gồm cả dữ liệu viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ảnh hàng không, ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái và các dữ liệu đo đạc, quan trắc trên mặt đất,... Với nguồn thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám từ cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và miễn phí, cộng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám để định kỳ giám sát và quản lý nguồn nước, phát thải carbon, cập nhật hàng năm cơ sở dữ liệu sử dụng đất/lớp phủ mặt đất quy mô quốc gia,…
Để đón đầu xu thế mới, theo ông Lê Quốc Hưng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, Cục Viễn thám quốc gia đang ưu tiên các nhóm công nghệ chủ chốt của lĩnh vực viễn thám trong giai đoạn tới, như: Tập trung đầu tư để hoàn thiện hệ thống thiết bị viễn thám trên vệ tinh; mạng lưới trạm thu viễn thám; hệ thống lưu trữ và xử lý, cơ sở dữ liệu viễn thám; mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám. Cục tiếp tục đẩy mạnh đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tập trung vào nhóm giải pháp cung cấp cơ sở khoa học, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thám; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng tự động hóa ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát TN&MT. Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, đặt mục tiêu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất từ các thiết bị bay không người lái, kinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển KT-XH, QP-AN. Đồng thời, ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.
Hiện nay, Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai dự án xây dựng “Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia”. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia sẽ lưu trữ toàn bộ dữ liệu, sản phẩm ảnh viễn thám, siêu dữ liệu viễn thám của các bộ, ngành, địa phương giao nộp về Cục Viễn thám quốc gia theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia dự kiến hoàn thành vào năm 2024 và được đưa vào vận hành bắt đầu từ năm 2025.
Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, Cục Viễn thám quốc gia đang tích cực tiến hành phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của các bộ, ngành địa phương. Khi các trạm thu này đi vào hoạt động sẽ tăng cường hiệu quả ứng dụng ảnh viễn thám, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết. Đặc biệt, Cục Viễn thám quốc gia cũng đẩy mạnh việc phổ biến dữ liệu viễn thám cho địa phương với giá thành rẻ, mở rộng thêm một số đối tượng được cung cấp miễn phí. Cục sẽ hỗ trợ tư vấn trong ứng dụng viễn thám ở các địa phương. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá công nghệ viễn thám, giới thiệu về công nghệ viễn thám; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm QP-AN, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về viễn thám.
NGUYÊN KHÔI
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 21 (Kỳ 1 tháng 11) năm 2024