
Hội nghị liên Chính phủ lần thứ 25 của Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á tại Việt Nam
29/11/2023TN&MTNgày 29/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Ban thư ký Mạng lưới giám sát lắng đọng axit ở Đông Á (EANET) tổ chức “Hội nghị liên Chính phủ lần thứ 25 của Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á tại Việt Nam”.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích báo cáo kết quả các hoạt động thường niên của mạng lưới giám sát lắng đọng a xít trong năm 2023 và thảo luận về triển khai kế hoạch cho năm tới của Mạng lưới EANET.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí và lắng đọng axit đang trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà hầu hết các nước trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí nói chung, lắng đọng axit nói riêng đã và đang có những tác động bất lợi đối với cuộc sống con người và hệ sinh thái. Lắng đọng axit làm suy thoái môi trường sống tự nhiên, môi trường đất, nước và các hệ sinh thái, gây hậu quả nặng nề đối với ngành nông nghiệp, thủy sản, các công trình xây dựng và đáng chú ý nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Việc kiểm soát lắng đọng axit đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nghiên cứu mang tính liên ngành và sự hợp tác giữa các quốc gia có chung đường biên giới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị
Bộ TN&MT đã và đang tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách quan trọng về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm không khí. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021- 2025 làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang xây dựng hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường, trong đó có quan trắc lắng đọng axit trên phạm vi cả nước; đồng thời, hỗ trợ tăng cường giám sát khí hậu và chất lượng không khí, chủ động kiểm soát nguồn phát thải chính, đưa ra giải pháp khắc phục sự cố kịp thời.
Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia Mạng lưới EANET từ những năm đầu tiên và luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của mạng lưới. Trong suốt 20 năm tham gia, Việt Nam đã xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc lắng đọng axit chất lượng cao ở các vùng trên cả nước. Các kết quả thu được từ mạng lưới giám sát đã đóng góp đáng kể vào các báo cáo đánh giá về hiện trạng và xu hướng lắng đọng axit nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung trong khu vực Đông Á. Tại Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiện trạng và xây dựng bản đồ lắng đọng axit trên phạm vi cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ kết quả các hoạt động thường niên của Mạng lưới giám sát lắng đọng axit trong năm 2023 và đưa ra kế hoạch triển khai cho năm tới. Đồng thời, cùng thảo luận nội dung liên quan đến mở rộng phạm vi hoạt động của Mạng lưới EANET nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí trong khu vực.
PV