
Hội thảo quốc tế "Đánh giá vai trò và tiềm năng các hệ thống sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam"
20/05/2025TN&MTHội thảo quốc tế "Đánh giá vai trò và tiềm năng các hệ thống sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam" đã diễn ra thành công tại Khách sạn Pullman, Hà Nội ngày 19/5/2025. Sự kiện này đánh dấu lễ khởi động chính thức của dự án "Tăng cường Sự phối hợp đồng bộ để Thực Hiện NDC của Việt Nam trong Hệ Thống Sản Xuất Lúa". Dự án do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE).
Viện trưởng Trần Công Thắng phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu, đại diện chính phủ, các bên liên quan trong ngành, hợp tác xã nông dân và đối tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do Quốc gia Tự Quyết định (NDC) cập nhật, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất lúa phát thải thấp trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hội thảo tập trung vào vai trò tiên phong của Việt Nam - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - trong phát triển các mô hình sản xuất lúa xanh thông qua Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường Trần Công Thắng đã nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đang đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp với trọng tâm là phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp. Đây là một phần quan trọng trong thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK trong nông nghiệp. Các chương trình, dự án cụ thể như Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VNSAT)”, Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đồng thời, Viện trưởng Trần Công Thắng hy vọng, thông qua Hội thảo sẽ giúp các đại biểu nắm bắt được thực trạng và tiềm năng giảm phát thải KNK từ hệ thống sản xuất lúa ở Việt Nam; một số dự án do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đang triển khai tại Việt Nam liên quan đến giảm phát thải KNK.
Tại hội thảo, TS. Jongsoo Shin, Giám đốc khu vực Châu Á (IRRI) cho rằng: "Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc dẫn đầu chuyển đổi xanh cho ngành lúa gạo. Dự án mới này sẽ giúp xác định các cơ chế chính sách và thể chế hiệu quả, mang lại lợi ích kép trong giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của nông dân. Các giải pháp được thảo luận tại hội thảo hôm nay không chỉ giúp giảm phát thải mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân”.
"Chương trình hội thảo nổi bật với 05 báo cáo chuyên đề mang tính đột phá từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và biến đổi khí hậu. TS. Mai Văn Trịnh (Viện Môi trường Nông nghiệp) trình bày về thực trạng và tiềm năng giảm phát thải từ ngành lúa Việt Nam trong khuôn khổ NDC. TS. Alisher Mirzabaev (IRRI) công bố nghiên cứu "Tận dụng sức mạnh tổng hợp cho hệ thống sản xuất lúa phát thải thấp tại Việt Nam", tập trung vào tăng cường hợp tác công-tư và xác định các lựa chọn chính sách hiệu quả.
Ông Roland Treitler (GIZ) giới thiệu Chương trình Hành động vì Khí hậu ASEAN - EU - CHLB Đức (CAP). Ông Lê Trọng Hải (ISPAE) chia sẻ kết quả khảo sát về mức độ áp dụng các thực hành canh tác bền vững tại năm tỉnh đại diện: Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Ông Lê Thanh Tùng (Phó Chủ tịch VIETRISA) phân tích cơ hội và thách thức trong phát triển canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Bên cạnh các báo cáo chính, hội thảo tổ chức 04 phiên thảo luận chuyên sâu do ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn điều phối. Các nhóm tập trung thảo luận về: (1) Rào cản trong áp dụng phương thức sản xuất lúa phát thải thấp; (2) Hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất bền vững; (3) Vai trò của hợp tác công-tư; và (4) Đóng góp của các dự án tiên phong vào thực hiện mục tiêu quốc gia. Kết quả hội thảo là nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững trong tương lai.
Một thách thức lớn được hội thảo đề cập là làm sao tiêu thụ 14 triệu tấn rơm rạ từ 1 triệu ha lúa. Theo IRRI, tại ĐBSCL, mỗi năm có 24 triệu tấn rơm rạ, nhưng chỉ 30% được thu gom, phần còn lại bị đốt hoặc vùi, gây ô nhiễm và tăng phát thải. IRRI đang hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa gạo, tận dụng rơm rạ để sản xuất năng lượng sinh khối xanh, phân bón hữu cơ, giảm áp lực tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nông dân tham gia mô hình này, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
TS. Cao Đức Phát phát biểu tại Hội thảo
TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế nhấn mạnh rào cản lớn nhất của công nghệ sinh học là nhận thức, cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi tư duy nông dân. Với những bước đi chiến lược, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào mục tiêu giảm 30% phát thải khí metan vào năm 2030, nâng cao vị thế trên thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu.
Kết quả hội thảo là nền tảng quan trọng để hoạch định chính sách phát triển hệ thống sản xuất lúa bền vững. IRRI, ISPAE và GIZ sẽ tiếp tục nghiên cứu phương thức canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái, mở rộng mạng lưới đối tác để ứng dụng thực tiễn.
Được biết, sau sự kiện này, 03 đơn vị đồng tổ chức dự kiến tiếp tục triển khai các nghiên cứu sâu hơn về phương thức canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp tại Việt Nam, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo là một phần trong khuôn khổ hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và Việt Nam nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu trong NDC cập nhật.
Diệp Anh