
Hợp tác OCOP - Việt Nam cùng các quốc gia hành động vì an ninh lương thực
15/07/2025TN&MTChiều 15/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp xã giao đoàn Bộ trưởng và quan chức cấp cao về nông nghiệp đến từ 16 quốc gia tham dự Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao liên khu vực về mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) do Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức.
Diễn đàn có sự tham dự của các bộ trưởng nông nghiệp và quan chức cấp cao từ Bhutan, Cameroon, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Ethiopia, Lesotho, Malawi, Mozambique, Nepal, Sierra Leone, Nam Sudan, Tunisia, Việt Nam, Zambia và Zimbabwe.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ với các bộ trưởng, quan chức cấp cao về nông nghiệp một trong những điểm nổi bật của Chương trình OCOP tại Việt Nam là luôn gắn với xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, có sự hỗ trợ ngân sách nhà nước, nâng cao tri thức, hiện đại hóa nông thôn.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ là sản xuất mà cần được nhìn nhận như một cấu phần quan trọng trong chuỗi giá trị thực phẩm và dinh dưỡng, giúp các quốc gia tự chủ chính sách phát triển. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân công, kết nối để phát huy lợi thế so sánh giữa các nước, đồng thời kêu gọi vai trò điều tiết của Chính phủ nhằm bảo vệ người yếu thế, trẻ em và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tại buổi tiếp. Nguồn ảnh: Minh Khôi
Hơn 16.000 sản phẩm OCOP - Hướng tới thương hiệu toàn cầu
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam hiện đã có hơn 16.000 sản phẩm được xếp hạng từ 1 đến 4 sao. Mục tiêu sắp tới là chuẩn hóa, nâng cấp chất lượng để đạt chuẩn 5 sao, mở rộng ra thị trường quốc tế, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển nông thôn.
Trong hệ sinh thái OCOP, nông dân vẫn là lực lượng nòng cốt, song cần được liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và nhà khoa học để phát triển hàng hóa, đổi mới công nghệ, nhân rộng giống cây con mới, phân bón, kỹ thuật canh tác hữu cơ và sinh thái. Nhiều địa phương ở Việt Nam cũng đã gắn OCOP với phát triển du lịch nông thôn, góp phần đa dạng sinh kế, bảo tồn bản sắc văn hóa.
Sản phẩm OCOP của Việt Nam được giới thiệu tại Diễn đàn.
Thúc đẩy hợp tác thực chất, nông dân được hưởng lợi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất Tổ chức FAO đóng vai trò điều phối, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, chọn lọc và chia sẻ những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ lẫn nhau và phát triển thị trường chung. Việt Nam cam kết sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ với các quốc gia có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, cùng hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Nhấn mạnh tinh thần “hành động sau cam kết”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi các nước và FAO cùng xây dựng sáng kiến chung, gắn với cam kết của lãnh đạo cấp cao, bảo đảm mọi người dân, đặc biệt là nông dân được hưởng lợi thiết thực từ hợp tác quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình 1 triệu ha lúa phát thải thấp, mang lại lợi ích kép: tăng năng suất, giảm chi phí, cắt giảm phát thải CO₂, đồng thời tạo nguồn thu mới từ tín chỉ carbon. Việt Nam mong muốn hợp tác sâu hơn trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng thu nhập bền vững cho nông dân.
Việt Nam là hình mẫu OCOP thành công
Đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được, bà Beth Bechdol - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức FAO khẳng định, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy sản xuất và thương mại nông sản, mà còn là cách để gìn giữ, tôn vinh giá trị văn hóa, tri thức bản địa và phát huy nội lực cộng đồng. Đây cũng chính là điểm khác biệt, giúp OCOP Việt Nam trở thành hình mẫu để nhiều quốc gia đang phát triển có thể học hỏi, điều chỉnh và áp dụng phù hợp với điều kiện đặc thù.
Bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO đánh giá cao thành công nổi bật của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chương trình OCOP.
Theo đại diện Tổ chức FAO, OCOP Việt Nam đã chứng minh nông nghiệp không còn bó hẹp ở quy mô nhỏ lẻ mà đang trở thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, gắn với du lịch, dịch vụ và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn thế, cách làm này còn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, mở rộng cơ hội việc làm tại chỗ, giảm áp lực di cư lao động ra thành phố, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.
Bà Beth Bechdol nhấn mạnh, với những thành công đã được ghi nhận, FAO cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và các quốc gia đối tác để thúc đẩy OCOP trở thành một sáng kiến toàn cầu, lan tỏa giá trị nhân văn, phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, Tổ chức FAO sẽ phối hợp với Việt Nam xây dựng mạng lưới chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các đối tác, tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và thúc đẩy thương mại sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, góp phần khẳng định vị thế nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao về OCOP khép lại với thông điệp mạnh mẽ: Hợp tác quốc tế, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm là chìa khóa để các quốc gia cùng nhau phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho nông dân. Việt Nam, với vai trò tiên phong, sẵn sàng đồng hành cùng Tổ chức FAO và các nước bạn, góp phần lan tỏa giá trị OCOP ra toàn cầu - vì một nền nông nghiệp xanh, nhân văn và không ai bị bỏ lại phía sau.
Minh Huyền