
Nghịch lý về chống biến đổi khí hậu giữa nước giàu và nghèo
13/02/2025TN&MTTrong khi các nước giàu phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới "tháo chạy", "chây ỳ" gửi Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về cắt giảm khí thải năm 2035 cho Liên Hợp Quốc thì các quốc gia thải ra ít hơn 0,2% lượng carbon dioxide lại rất hăng hái.
Theo AP, đến hiện tại chỉ có khoảng 10/195 quốc gia ký Thỏa thuận Paris năm 2015 đệ trình NDC, như: Quần đảo Marshall, Singapore, Ecuador, Saint Lucia, Andorra, New Zealand, Thụy Sĩ và Uruguay - các quốc gia thải ra ít hơn 0,2% lượng carbon dioxide của thế giới. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia phát thải carbon dioxide hàng đầu thế giới thì vừa tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris vào cuối tháng 1 vừa qua.
Những nước giàu phát thải lớn nộp NDC là Brazil, Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong đó, Anh đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 81% lượng khí thải vào năm 2035 so với năm 1990, nỗ lực loại bỏ dần xe đốt trong mới - loại xe chỉ sử dụng xăng và dầu diesel - vào năm 2030.
Trong kế hoạch của mình, Brazil đã đưa ra mức cắt giảm khí thải từ 59-67% vào năm 2035 so với năm 2005, nước này nhấn mạnh vào công lý khí hậu, đồng thời nhiều lần đề cập đến những nỗ lực chống phá rừng.
Tuy nhiên, Climate Action Tracker - nhóm các nhà khoa học và chuyên gia chuyên phân tích NDC của các quốc gia - đánh giá mục tiêu cắt giảm khí thải của Anh, Brazil và các nước phát triển là không đủ so với lượng khí thải ra môi trường của các quốc gia này.
Mục tiêu cắt giảm khí thải của các nước giàu là không đủ so với lượng khí thải ra môi trường của các quốc gia này
Liên Hợp Quốc(UN)cho biết, cứ năm năm một lần, các quốc gia sẽ đưa ra các kế hoạch năm năm mới, nhằm hạn chế hoặc giảm phát thải khí nhà kính từ việc đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên. Các kế hoạch mới nhất được cho là tương thích với mục tiêu của Thỏa thuận Paris như hạn chế sự nóng lên dài hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Bởi hiện tại, thế giới đang ở mức 1,3 độ C kể từ cuối những năm 1800 và đang trên đà nóng lên thêm 1,8 độ C. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết bầu khí quyển ấm lên đang gây ra ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão, nắng nóng và cháy rừng khiến nhiều người tử vong và gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.
Các kế hoạch mới còn được cho là hạn chế tất cả các loại khí nhà kính: Carbon dioxide, methane, nitrous oxide, hydrofluorocarbons, perfluorocarbons và sulfur hexafluoride. Bởi theo thỏa thuận khí hậu năm 2023, toàn bộ các loại khí vừa nêu sẽ bao phủ toàn bộ nền kinh tế chứ không chỉ riêng lĩnh vực năng lượng .
Biến đổi khí hậu gây nên lũ lụt, hạn hán, bão, nắng nóng và cháy rừng khiến nhiều người tử vong và gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Ảnh: BBC.
Hạn chót nộp NDC được nêu trong Thỏa thuận Paris là 9 tháng trước trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên của UN (COP). Năm nay, COP30 dự kiến diễn ra tại Belem ở Brazil.
Thư ký điều hành Công ước khung của UN về biến đổi khí hậu là ông Simon Stiell cho biết, hơn 170 quốc gia đã thông báo với văn phòng của ông rằng họ đang thực hiện NDC của mình. Trong khi đó, theo Climate Action Tracker thì Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ hoàn thành mục tiêu vào giữa năm, còn Ấn Độ sẽ chỉ đệ trình mục tiêu của mình sau khi các quốc gia phát thải lớn khác làm như vậy.
"Việc dành thêm một chút thời gian để đảm bảo các kế hoạch quốc gia về cắt giảm khí thải năm 2035 luôn là điều được ưu tiên vì đây sẽ là các kế hoạch khí hậu toàn diện nhất từng được xây dựng", Stiell nói và nhấn mạnh rằng ông mong muốn chất lượng hơn là tiến độ để chống biến đổi khí hậu tốt nhất.