
Nghiên cứu, phát triển công nghệ khoa học và chủ động hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực
10/02/2025TN&MTTrong năm 2024, các nhiệm vụ của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTV&BĐKH) được triển khai theo đúng tiến độ, về cơ bản đều đảm bảo kế hoạch được giao. Viện KTTV&BĐKH đã chủ động trong việc xây dựng đề xuất các nhiệm vụ, đề tài, dự án, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, kết quả nghiên cứu đạt chất lượng đăng trên những tạp chí quốc tế có xếp hạng cao, cùng với đó là các hoạt động nghiên cứu được định hướng tập trung giải quyết những vấn đề chuyên sâu như bão, mưa lớn, lũ, lũ quét. Đặc biệt, các hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) của Viện được đẩy mạnh, tăng cường phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.
Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ khoa học
Năm 2024, trong KHCN, Viện tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, bao gồm: 05 đề tài cấp Nhà nước, trong đó có 03 đề tài kết thúc nghiệm thu năm 2024; 10 đề tài cấp Bộ, trong đó có 05 đề tài kết thúc năm 2024 và 05 đề tài thực hiện năm 2024 - 2025 (Đề xuất nhiệm vụ KHCN mở mới năm 2025 gồm: 06 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, 08 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ và 03 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở). Viện đã đẩy mạnh NCKH và phát triển công nghệ: Đề xuất dự án mở mới bám sát chức năng nhiệm vụ của Viện KTTV&BĐKH nói riêng và định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực nói chung. Tiếp tục đề xuất các hướng nghiên cứu về KTTV, môi trường và BĐKH theo định hướng liên ngành cấp Nhà nước thuộc các chương trình cấp Nhà nước và cấp Bộ. Đẩy mạnh công bố khoa học quốc tế cùng với triển khai ứng dụng NCKH trong nghiệp vụ và chuyển giao cho các đơn vị chuyên môn.
Viện thực hiện đầy đủ công tác nghiệp vụ về KTTV và môi trường, cung cấp các bản tin thông báo và dự báo khí hậu, khí tượng nông nghiệp, các bản tin dự báo bão và mưa lớn, bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, bản tin dự báo thủy văn, hải văn, cảnh báo lũ quét, bản tin dự báo chất lượng môi trường không khí hàng tháng, giám sát lắng đọng axit trong khuôn khổ Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) theo nguồn kinh phí đặc thù. Hoàn thành đúng tiến độ 01 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và triển khai thực hiện 04 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Xây dựng, trình Bộ phê duyệt thuyết minh 02 dự án mở mới: Đánh giá tác động đến KT-XH của các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam năm 2025 (NDC2) nhằm hỗ trợ nhóm công tác xây dựng NDC2 xem xét các khía cạnh KT-XH trong việc xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; dự án Điều tra khảo sát, đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành/lĩnh vực trọng điểm của lưu vực sông liên tỉnh, liên vùng (Sông Hồng và sông Đồng Nai), đề xuất giải pháp thích ứng nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương, thiệt hại do tác động của BĐKH.
Năm 2024, Viện thực hiện chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ cho 26 nghiên cứu sinh (NCS), trong đó: ngành Khí tượng và Khí hậu học: 01 NCS, ngành Thủy văn học: 05 NCS, ngành Quản lý TN&MT: 11 NCS, ngành BĐKH: 09 NCS. Công nhận học vị tiến sĩ và trao bằng tiến sĩ cho 03 NCS (ngành BĐKH: 02 NCS; ngành Khí tượng và Khí hậu học: 01 NCS.Tổ chức 02 đợt tuyển sinh trình độ tiến sỹ năm 2024 với tổng số 5 Nghiên cứu sinh với các ngành Quản lý TN&MT, BĐKH, và Thủy văn học.
Chủ động hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực
Nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm trong NCKH, Viện KTTV&BĐKH luôn chú trọng hoạt động HTQT, mở rộng quan hệ với các đối tác mới, phát triển hợp tác với các đối tác đã có. Viện KTTV&BĐKH cũng đã tích cực phối hợp với các bên liên quan tham gia và hỗ trợ đoàn đàm phán về BĐKH tại COP29, chủ trì về kỹ thuật xây dựng “Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định” (NDC) cho Việt Nam. Viện KTTV&BĐKH đã chủ động thực hiện hiệu quả vai trò của Cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam ở hai tổ chức: (1) Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng đông Á (EANET); (2) Chương trình Thủy văn Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (IHP). Trong năm 2024, Viện KTTVBĐKH đã phối hợp các bên liên quan kiện toàn chức danh Chủ tịch IHP Việt Nam và tích cực tham gia vào các hoạt động của tiểu ban KHCN UNESCO. Năm 2024, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chương trình Thủy văn Quốc tế của Việt Nam (IHP Việt Nam), Viện trưởng Viện KTTV&BĐKH được bầu làm chủ tịch Ban chỉ đạo IHP khu vực Châu Á Thái Bình dương nhiệm kỳ 2024-2026.
Viện KTTVBĐKH chủ động mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương với các nước. Trong năm 2024 Viện KTTV&BĐKH đã thiết lập các quan hệ mới về hợp tác KH&CN với các đối tác, ký kết 02 Biên bản ghi nhớ với: Trung tâm Nghiên cứu Liên bang Viện A.V. Gaponov-Grekhov về Vật lý ứng dụng của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IAP RAS) nhằm mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu phát triển các phương pháp giám sát và dự báo về tình trạng thủy văn dựa trên phương pháp viễn thám vệ tinh hiện đại và mô hình số; Trường Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc nhằm trao đổi và xây dựng công nghệ giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng cũng như tăng cường năng lực về hệ thống mua bán phát thải của Hàn Quốc (K-ETS). Hơn nữa, Viện KTTV&BĐKH cũng tham gia phối hợp với các tổ chức quốc tế khác thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, môi trường và BĐKH như: Trường Đại học Vương Quốc Anh Reading, Đại học Hoàng gia London, Trường Đại học Cranfield - Vương Quốc Anh, UK Met-ofice, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES), Tổ chức nghiên cứu Adelphi của Đức, Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản (NIES). Qua đó, Viện KTTVBĐKH đã thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm và các thành tựu khoa học quốc tế về KTTV, môi trường, BĐKH.
Đặc biệt trong lĩnh vực BĐKH, cán bộ của Viện KTTV&BĐKH đã tích cực tham gia nhiều hoạt động có liên quan trong khuôn khổ Công ước Khung của LHQ về BĐKH, tham gia các hội thảo về thị trường các-bon, cơ chế phát triển sạch, phát triển phát thải thấp,… và các khóa học nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo về quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với BĐKH,… Các hoạt động HTQT về đào tạo và khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, đào tạo đội ngũ cán bộ và giải quyết một số vấn đề KHCN mới mà Việt Nam chưa có hoặc còn yếu như dự báo bằng các mô hình số trị, BĐKH, công nghệ mới.
Cũng trong năm, Viện KTTV&BĐKH có 38 đoàn ra để trao đổi, hội thảo, và đào tạo ngắn hạn. Đã tổ chức thành công 08 hội thảo quốc tế, tiêu biểu nhất là 02 hội thảo quốc tế: Hội thảo KHCN - Chìa khóa cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Hội thảo quốc tế về xây dựng kịch bản BĐKH cho Việt Nam, với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu từ Anh, Nhật và 01 lớp tập huần sử dụng hình AIM/ExSS do chuyên gia của Viện IGES giảng dạy. Đây là mô hình giúp xây dựng kịch bản phát thải ròng bằng 0, áp dụng cho cấp độ quốc gia.
Năm 2025, trong công tác KHCN, Viện tập trung hoàn thiện xây dựng Kịch bản BĐKH năm 2025 và nhiệm vụ đánh giá NDC. Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, thử nghiệm cải tiến các mô hình, thống kê và động lực, các công nghệ mới để nâng cao chất lượng các bản tin nghiệp vụ dự báo KTTV phục vụ hiệu quả hơn công tác phòng chống thiên tai và cung cấp dịch vụ khí hậu. Xác định các hướng nghiên cứu về KTTV, môi trường và BĐKH theo định hướng liên ngành thuộc các chương trình cấp Nhà nước và cấp Bộ. Đẩy mạnh công bố khoa học quốc tế chất lượng cao và cùng với triển khai ứng dụng nghiên cứu khoa học trong nghiệp vụ và chuyển giao cho các đơn vị chuyên môn.
Trong HTQT, với mục tiêu triển khai các nhiệm vụ công tác đã đặt ra, góp phần vào công tác đối ngoại chung của Bộ TN&MT, Viện KTTV&BĐKH có kế hoạch triển khai công tác HTQT sau: Phối hợp thực hiện các hoạt động HTQT của Bộ TN&MT theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Chủ động mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế trong các lĩnh vực KTTV, BĐKH và môi trường. Tổ chức triển khai thực hiện các Biên bản ghi nhớ đã ký với các tổ chức quốc tế, gia hạn các Biên bản ghi nhớ đến hạn; Tổ chức và quản lý hoạt động Đoàn ra, Đoàn vào theo quy định. Ngoài ra, đề xuất nhiệm vụ với UNDP về khung dịch vụ khí hậu và chuyển dịch năng lượng công bằng; phối hợp với Đại sứ quán Anh và các đối tác Anh hỗ trợ việc cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam. Tiếp tục thực hiện vai trò của Cơ quan đầu mối quốc gia của Việt nam ở hai tổ chức: Mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET); Chương trình Thủy văn Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (IHP). Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch Khu vực, Viện sẽ chủ trì hội nghị IHP khu vực tại Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm Chương trình IHP thuộc UNESCO.
PGS. TS. PHẠM THỊ THANH NGÀ
Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025