
Nhận diện bức tranh về thiên tai, bão lũ và bài toán ứng phó, giảm thiểu
13/05/2025TN&MTViệt Nam cần triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ, kết hợp giữa công trình và phi công trình, giữa kỹ thuật và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại để giảm thiểu tác động của sạt lở và thiên tai. Đặc biệt, cần lấy con người và hệ sinh thái làm trung tâm, để phát triển bền vững và an toàn hơn trong tương lai.
Bức tranh về thiên tai, lũ lụt
Nước ta có 3.500 con sông dài trên 10 km; 13 hệ thống sông có diện tích lưu vực trên 3.000 km2, bờ biển dài 3.260km2, lượng mưa bình quân 2.500mm; mưa đặc biệt lớn 5.000 mm. Có 16 lưu vực sông liên tỉnh, trong đó có lưu vực sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông. Thời gian mùa lũ được diễn ra trong thời điểm từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Cụ thể, trên các sông ở Bắc Bộ (Từ ngày 15/6 đến ngày 31/10); Trên các sông từ Thanh Hóa đến tỉnh Hà Tĩnh (Từ ngày 01/7 đến ngày 30/11); Trên các sông từ Quảng Bỉnh đến tỉnh Ninh Thuận (Từ ngày 01/9 đến ngày 15/12); Trên các sông thuộc Bình Thuận, Nam Bộ và Tây Nguyên: (Từ ngày 15/6 đến ngày 30/11).
ảnh minh hoạ
Lũ lụt ở vùng miền núi phía Bắc và miền Trung thường xảy ra do mưa lớn cục bộ, gây ra lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hạ tầng, giao thông, tính mạng người dân. Lũ ngập lụt Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long chủ yếu do mưa lớn triều cường kết hợp với nước biển dâng.
Trong giai đoạn 10 năm (từ 2014-2024), thiên tai do lũ, ngập lụt đã gây thiệt hại về người và tài sản: Trung bình có 102 người chết, m.tích/năm (43% cả nước: 238 người); Thiệt hại về kinh tế là 16.271 tỷ đồng/năm (59% cả nước: 27.606 tỷ đồng).
Một số trận lũ, ngập lụt điển hình như lũ đồng bằng sông Hồng xảy ra năm 1971. Đây là trận lũ lớn nhất trong 100 năm ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Lũ duy trì trên báo động III trong 12 ngày. Đỉnh lũ tại Hà Nội đạt 14,13m, vượt báo động III 2,63m. Đã có ít nhất 594 người thiệt mạng. Tổng thiệt hại ước tính tương đương với 6,5 tỉ USD.
Lũ ở khu vực Bắc bộ sau bão số 3/2024, mưa lũ đã gây ngập lụt, có 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 70mm). 39 trạm đo mực nước trên biến động 3, 10 trạm/07 tuyến sông đã vượt mức lịch sử (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý). Mức nước sông Hồng gần mứa báo động 3, cao nhất trong 20 năm gần đây, tại Yên Bái vượt 1,31 mét. Mưa lũ đã làm 42 người chết, 122 nghìn ngôi nhà bị ngập, 286.000 ha lúa và 63.000 ha hoa mầu bị ngập và hư hại. Lũ lụt sau bão số 3 gây ra 805 sự cố đê điều tại 15 tỉnh thành phố, 13 loại hình sự cố. Có 441 sự cố trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 364 sự cố trên các tuyến đê dưới cấp III
Tại miền Trung, với đặc thù Hệ thống sông ngòi dày đặc. Sông ngắn, lòng dẫn hẹp, dốc. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt. Mưa lũ ngập lụt lịch sử đã diễn ra năm 1999. Diễn ra 2 đợt trong tháng 11 và tháng 12, gây thiệt hại 729 người chết và mất tích, 544 người bị thương, 52.583 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi,..Tổng thiệt hại ước tính 4.133 tỷ đồng. Trận lũ năm 2020, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11, có 14 đợt lũ lớn trên 16 tuyến sông chính, 7 tuyến sông vượt lịch sử, ngập lụt trên diện rộng 7 tỉnh. Còn tại Huế, năm 2023, lũ lớn xả ra tháng 11, làm 09 người chết (do bất cẩn đi lại và trẻ em đuối nước). Thời điểm lớn nhất 21.551 nhà bị ngập.
Còn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề nhất là lũ, ngập lụt trên diện rộng, thời gian kéo dài. Hàng năm, lũ gây ngập một vùng rộng lớn tới 1,2-1,9 triệu ha, với độ sâu từ 0,5 - 4,0 m. Năm 2000 đã xảy ra trận lũ lụt đặc biệt lớn nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm qua, lũ kéo dài 5 tháng (từ tháng 7-12/2000), lũ làm 565 người chết, 276 người bị thương, hơn 904 căn nhà bị ngập nước, hơn 50.956 hộ dân phải di dời, 263.077 ha lúa bị hưu hại, tổng thiệt hại hơn 4.626 tỷ đồng.
Cũng ở khu vực này, năm 2001, lũ xảy ra sớm. Lũ kéo dài 4 tháng từ tháng 7-11/2001. Đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu là 4,78m, trên BĐ III 28cm. Lũ làm ngập sâu các vùng đầu nguồn, làm sạt lở nhiều công trình, đường giao thông, bờ sông kênh, một số đê bao, bờ bao,... Ngập sâu ở các huyện đầu nguồn thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An; ngập hầu hết các tỉnh lộ, huyện lộ, hương lộ; tràn một số đoạn quốc lộ N1 thuộc Long An, Đồng Tháp, An Giang. Lũ lụt năm 2001 đã làm 338 người chết, 895.499 ngôi nhà đổ sập và hư hại.
Nhiều kết quả trong nỗ lực phòng chống thiên tai
Kết quả phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, nhiều nỗ lực tích cực và đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, tuy vẫn còn không ít thách thức.
Theo Báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo về phòng, chống thiên tai (trong đó có lũ quét, sạt lở đất) được hoàn thiện: Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13; Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; 05 Nghị định của Chính phủ; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 05 Thông tư của các Bộ; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư chỉ đạo toàn diện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống đến năm 2030; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia,… Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó mục tiêu đến 2030 sẽ bố trí ổn định cho 47.159 hộ dân cư vùng thiên tai.
Nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp không thể thiếu. Người dân cần hiểu rõ tác hại của việc xây dựng lấn chiếm, khai thác cát trái phép; khuyến khích tham gia bảo vệ môi trường, phòng tránh sạt lở.
Công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từng bước được nâng cao chất lượng, những chỉ đạo đó được nêu rõ trong Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; Tổ chức xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất; Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia ban hành bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất khi có dự báo, cảnh báo mưa lớn khu vực miền núi; xây dựng và vận hành trang web cảnh báo lũ quét, sạt lở đến cấp xã (phạm vi cảnh báo trên 01 xã) tại địa chỉ luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Các địa phương đã huy động các nguồn lực lắp đặt và hoạt động khoảng 1.500 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ứng phó, nhất là sơ tán dân khi xảy ra mưa lớn.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai: Uỷ ban nhân dân các tỉnh đã tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó có lũ quét, sạt lở đất, xác định số hộ cần sơ tán khi xảy ra mưa lớn như: Lào Cai: 41.378 hộ; Yên Bái: 32.293 hộ,…
Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai tại cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai; đã tổ chức tập huấn 100 GVTW; 300 GVCT; đáng giá rủi ro thiên tai, phát triển sinh kế bền vững cộng đồng tại 550 xã/60.000 người tham gia. Các địa phương đã bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện nâng cao nhận thức và kỹ năng của cộng đồng trong ứng phó thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Bộ GD&ĐT, địa phương triển khai hiệu quả, nâng cao năng lực cộng đồng, nhất là người dân vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Mô hình "nhà an toàn", "làng an toàn trước thiên tai" được triển khai tại nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa (Chính phủ và các tổ chức trong nước, quốc tế hỗ trợ trên 34.700 hộ nghèo xây dựng nhà chống bão, lũ (Chương trình 48: 19.000 nhà; Dự án GCF: 4.000 nhà; Chữ thập đỏ: 10.000 nhà; một số tổ chức quốc tế khác: 1.700 nhà).
Công tác truyền thông phòng chống thiên tai được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí, kết hợp linh hoạt các phương thức truyền thống và hiện đại, phát huy mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội (Viber, Zalo, Facebook...).
Xây dựng công trình phòng, chống, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Công trình đập Sabo bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La; Hệ thống cảnh báo sớm trượt lở đất tại thôn Lừu 01, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; Ngoài ra, nhiều chương trình, đề án, dự án đã nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm cảnh báo quy mô nhỏ tại các khu vực có nguy cơ cao.
Nhưng hạ tầng, công trình, hệ thống cảnh báo lại xuống cấp
Công tác quản lý giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, lũ lụt ở nước ta còn tồn tại nhiều bất cập. Một trong những vấn đề đầu tiên phải nó đến, đó là thiếu quy hoạch tổng thể và đồng bộ, nhiều địa phương còn lúng túng trong xây dựng quy hoạch phòng, chống thiên tai, chưa có sự tích hợp với các quy hoạch khác như đô thị, nông nghiệp, giao thông...Nhiều công trình dân sinh và hạ tầng được xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm sông, suối, kênh rạch gây cản trở thoát lũ.
Nhiều nơi, các công trình xuống cấp
Hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai yếu kém, công trình thủy lợi xuống cấp: Đê điều, hồ chứa, kênh mương chưa được nâng cấp hoặc bị hư hại, không đủ khả năng ứng phó với thiên tai lớn. Thiếu hệ thống cảnh báo sớm: Nhiều vùng sâu, vùng xa chưa được trang bị hệ thống cảnh báo thiên tai kịp thời và chính xác.
Năng lực quản lý và phối hợp chưa hiệu quả, thiếu sự phối hợp liên ngành, các cơ quan chức năng thường thiếu sự phối hợp chặt chẽ, dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ hoặc bỏ sót trách nhiệm. Thiếu nhân lực và kỹ thuật chuyên môn, ở cấp địa phương, cán bộ quản lý thiên tai nhiều nơi chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
Thiếu sự tham gia của cộng đồng, nhiều người dân chưa được tuyên truyền, tập huấn đầy đủ về phòng tránh thiên tai, không biết cách ứng phó khi xảy ra sự cố. Các chương trình phòng chống thiên tai còn mang tính áp đặt từ trên xuống, chưa tận dụng được vai trò của người dân.
Thiếu nguồn lực tài chính, kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai còn ít, phần lớn dành cho khắc phục hậu quả thay vì phòng ngừa. Nhiều địa phương thiếu nguồn lực trong khi các vùng trọng điểm thiên tai lại chưa được ưu tiên đúng mức.
Nhiều thách thức đặt ra, biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng cực đoan gia tang về tần xuất cường độ, địa hình và điều kiện tự nhiên bất lợi, ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai, tốc độ đô thị hoá, du lịch ven biển phát triển nhanh chóng. Mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội dẫn đến di dân, tái định cư kém bền vững, hệ thống rủi ro còn phân tán.
Thực hiện 08 nhiệm vụ, triển khai giải pháp theo vùng
Phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ cấp thiết tại Việt Nam do nước ta thường xuyên hứng chịu các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, và xâm nhập mặn.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, có 8 nhiệm vụ giải pháp: Hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch, phương án; nâng cao khả năng chống chịu thích ứng; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; nguồn lực.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã đưa ra giải pháp theo vùng.
Với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: vận hành điều tiết lũ tại các hỗ chứa thượng lưu, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, tu bổ nâng cấp hệ thống đê điều, cải tạo lòng dẫn, quản lý sử dụng bãi sông. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Xây dựng phương án, tổ chức diễn tập ứng phó với lũ lớn.
Vùng duyên hải miền Trung: Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo. Xây dựng nhà phòng tránh bão lụt. Vận hành hồ chứa góp phần giảm lũ cho hạ du. Xây dựng phương án ứng phó, nhất là sơ tán dân vùng ngập sâu. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, công trình giao thông. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động “sống chung với lũ và hạn hán xâm nhập mặn, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững. Tập trung xác định các tiểu vùng sinh thái làm định hướng chuyển đổi sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc nạo vét, khai thác cát trên sông, kênh rạch. Kiểm soát việc khai thác nước ngầm, khắc phục tình trạng sụt lún đất. Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, sắp xếp lại dân cư để phòng chống sạt lở, bảo đảm thoát lũ. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công.
Tại các đô thị lớn, kiểm soát quy hoạch và xây dựng để hạn chế làm gia tang rủi do thiên tai; ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, chứa nước, nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước.
Kiểm tra và kiểm soát các quy định về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng. Xây dựng, nâng cấp hệ thống đê ngăn lũ, ngăn mặn, hệ thống cống, trạm bơm, hồ điều hoà, các trục tiêu và kênh dẫn nước chống ngập úng.
Thiết nghĩ, thiên tai, sạt lở đất là những hiểm họa ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ tàn phá, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Trước thực trạng đó, việc chủ động đề ra và thực hiện các giải pháp phòng chống hiệu quả, từ quy hoạch đất đai hợp lý, đầu tư hạ tầng bền vững, đến tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Quan trọng hơn cả, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân chính là nền tảng vững chắc để xây dựng những vùng đất an toàn, thích ứng với thiên tai trong tương lai.
Minh Huyền