
Nhân tố khí tượng gây lúa kết hạt kém trong vụ đông xuân 2025 tại Thanh Hoá, Nghệ An: Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
25/05/2025TN&MTVụ đông xuân năm 2025 tại các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đã ghi nhận hiện tượng lúa trỗ không thoát, kết hạt kém và tỷ lệ hạt lép cao, gây thiệt hại lớn về năng suất và sinh kế nông hộ. Nghiên cứu này nhằm làm rõ các nguyên nhân liên quan đến yếu tố khí tượng gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong giai đoạn phân hóa đòng - trỗ bông.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra lúa vụ xuân của Nghệ An bị lép hạt trên diện rộng
Trên cơ sở phân tích số liệu quan trắc khí tượng tại các trạm địa phương, kết hợp với thông tin sản xuất từ thực địa, nghiên cứu xác định rằng: các đợt không khí lạnh xảy ra liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4/2025 với nền nhiệt trung bình ngày dưới 18°C, nhiệt độ tối thấp có lúc xuống dưới 13°C, số giờ nắng giảm mạnh (< 2 giờ/ngày), cùng độ ẩm cao đã tạo thành tổ hợp điều kiện bất lợi vượt ngưỡng sinh lý của cây lúa. Những yếu tố này gây rối loạn phân hóa mầm hoa, làm phấn hoa thoái hóa, giảm khả năng thụ phấn và kết hạt.
Lúa đông xuân là một trong hai vụ sản xuất chính tại khu vực Bắc Trung bộ, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập cho người dân nông thôn. Vụ đông xuân thường được kỳ vọng đạt năng suất cao nhờ điều kiện khí hậu ôn hòa và nguồn nước chủ động. Tuy nhiên, dưới tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết trong vụ xuân đã trở nên khó dự đoán hơn, với nhiều hiện tượng cực đoan như rét đậm, rét hại muộn, thiếu nắng kéo dài hoặc mưa trái mùa xảy ra trong các giai đoạn sinh trưởng mẫn cảm của cây trồng.
Tình trạng lúa trỗ không thoát, không kết hạt hoặc kết hạt kém xảy ra diện rộng tại Nghệ An và Thanh Hóa trong vụ xuân 2025 là một hiện tượng bất thường, phản ánh rõ nét lỗ hổng trong công tác liên kết giữa dự báo khí tượng thủy văn, hướng dẫn thời vụ và thực hành sản xuất của người dân. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại kinh tế trực tiếp cho nông hộ mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng dịch vụ khí hậu phục vụ nông nghiệp.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, có hơn 2.500 ha lúa tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn, Nghi Lộc và Thái Hòa bị lép xanh, trỗ không thoát và không kết hạt, với tỷ lệ lép phổ biến 40-60%, có nơi trên 70%. Tại Thanh Hóa, báo cáo nhanh ngày 13/5/2025 của Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết có ít nhất 46,11 ha lúa bị hiện tượng thoái hóa đầu bông, trỗ không cúi bông và tỷ lệ lép cao, tập trung tại các xã Thuận Minh, Thọ Lập (huyện Thọ Xuân) và phường Mai Lâm, Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn). Các giống lúa bị ảnh hưởng nặng gồm Ku 57, An Nông 1424, HYT100, Hoa Ưu, Thái Xuyên 111 – phần lớn là giống nằm ngoài cơ cấu khuyến cáo và được gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích các yếu tố khí tượng bất lợi đã xảy ra trong giai đoạn phân hóa đòng - trỗ bông của cây lúa tại hai địa phương nói trên, làm rõ mối quan hệ giữa các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, số giờ nắng) và phản ứng sinh lý của cây lúa, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm và định hướng cải tiến dịch vụ khí hậu trong tương lai.
Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan thuộc Bộ như Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi, Cục Thủy sản, Cục Thú y,… để tham mưu xây dựng các chương trình sản xuất nông nghiệp thích ứng, hướng tới nông nghiệp thông minh với khí hậu, nông nghiệp phát thải thấp và phát triển bền vững. Việc phân tích bài học từ những thất bại thực tế như vụ đông xuân 2025 chính là cơ sở quan trọng để xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống dự báo khí hậu, cảnh báo sớm và tư vấn sản xuất sát với thực tiễn. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích các yếu tố khí tượng bất lợi đã xảy ra trong giai đoạn phân hóa đòng - trỗ bông của cây lúa tại hai địa phương nói trên, làm rõ mối quan hệ giữa các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, số giờ nắng) và phản ứng sinh lý của cây lúa, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm và định hướng cải tiến dịch vụ khí hậu trong tương lai.
Số liệu quan trắc các yếu tố khí tượng từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tại các trạm khí tượng tại Nghệ An (Vinh, Diễn Châu, Con Cuông, Đô Lương) và Thanh Hóa (Bái Thượng, Sầm Sơn, Tĩnh Gia). Bộ số liệu này được sử dụng trong “Thông báo và dự báo khí tượng nông nghiệp” của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu. Các yếu tố khí tượng được sử dụng trong nghiên cứu gồm: Nhiệt độ trung bình ngày; Nhiệt độ tối thấp trong ngày; Số giờ nắng trong ngày.
Bộ số liệu này được xử lý theo chuỗi thời gian từ ngày 01/3 đến 30/4/2025 nhằm xác định các đợt không khí lạnh, giai đoạn thiếu nắng kéo dài và biến động nhiệt có thể ảnh hưởng tới sinh lý cây lúa trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông.
Số liệu sinh trưởng và năng suất cây lúa: Các thông tin về sinh trưởng, năng suất và hiện tượng bất thường trong vụ đông xuân 2025 được tổng hợp từ: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An (tháng 5/2025); Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thanh Hóa (tháng 5/2025); Báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (tháng 3 - 4/ 2025); Các bài viết phản ánh thực địa đăng trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, các số tháng 5 năm 2025.
Phương pháp nghiên cứu dựa trên phân tích định tính và định lượng về mối liên hệ giữa các yếu tố khí tượng và sinh trưởng của cây lúa theo các giai đoạn phát triển sinh lý. Cụ thể, các ngưỡng khí hậu ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa được xác định như sau:
Thời kỳ phân hóa đòng: Nhiệt độ tối ưu từ 20-22°C; nhiệt độ <16°C kéo dài có thể gây ngừng hoặc chậm phân hóa mầm hoa, dẫn đến hiện tượng ngẹn đòng.
Thời kỳ trỗ bông và thụ phấn: Nhiệt độ tối ưu 24-30°C; số giờ nắng ≥4 giờ/ngày. Nhiệt độ <20°C hoặc thiếu nắng liên tục làm phấn hoa không chín, không nở, giảm tỷ lệ thụ phấn hữu hiệu.
Thụ phấn và làm hạt: Cần điều kiện nhiệt độ ban ngày >22°C và độ ẩm ổn định; thiếu nhiệt và ánh sáng sau trỗ làm giảm tỷ lệ kết hạt và tăng tỉ lệ hạt lép xanh.
Phân tích dữ liệu được thực hiện bằng cách đối chiếu thời gian xảy ra các đợt lạnh, thiếu nắng theo dữ liệu khí tượng với thời kỳ sinh trưởng - phát triển của cây lúa (lịch gieo mạ, cấy và trỗ thực tế tại địa phương). Các bất thường trong hiện tượng trỗ không cúi, lép xanh được phân tích theo giống lúa, vùng sinh thái và thời vụ gieo cấy.
Kết quả phân tích
Diễn biến khí tượng trong thời kỳ lúa phân hóa đòng và trỗ bông
Sự phát triển và năng suất của cây lúa phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, ánh sáng (số giờ nắng), và độ ẩm trong từng giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông. Giai đoạn phân hóa đòng đòi hỏi điều kiện nhiệt độ ổn định từ 25-29°C, trong khi giai đoạn trỗ bông và thụ phấn - thụ phấn yêu cầu nền nhiệt từ 23-28°C, với số giờ nắng trung bình từ 3 giờ trở lên. Nếu các điều kiện này không được đáp ứng, cây lúa rất dễ gặp phải hiện tượng trỗ không thoát, lép xanh, hoặc thoái hóa đầu bông.
Vụ đông xuân năm 2025 tại Nghệ An và Thanh Hóa ghi nhận sự xuất hiện liên tiếp của ba đợt không khí lạnh bất thường rơi đúng vào giai đoạn mẫn cảm của cây lúa. Phân tích chi tiết từ các trạm khí tượng cho thấy:
Đợt 1 (1-3/3): Nhiệt độ trung bình ngày tại các trạm giảm sâu, xuống dưới 15°C. Một số nơi như Diễn Châu (Nghệ An) và Bái Thượng (Thanh Hoá) ghi nhận nhiệt độ tối thấp dưới 13°C. Đây là thời kỳ bắt đầu phân hóa đòng của các diện tích gieo cấy sớm.
Đợt 2 (30/3-2/4): Nhiệt độ trung bình tại nhiều trạm dao động quanh 14-15°C, thấp hơn ngưỡng yêu cầu tới 10°C. Số giờ nắng trong ngày giảm mạnh, phổ biến dưới 2 giờ/ngày - ngưỡng gây cản trở đáng kể đến sinh lý phát triển của cây lúa.
Đợt 3 (11-13/4): Xảy ra vào giai đoạn trỗ của các diện tích gieo cấy sớm (trỗ từ 10-15/4), nền nhiệt tiếp tục giảm về 15-17°C kèm theo độ ẩm không khí cao, thiếu ánh sáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển phấn hoa và thụ phấn.
Dữ liệu từ các trạm khí tượng ở cả hai tỉnh cho thấy sự đồng bộ về diễn biến các yếu tố khí hậu bất lợi:
Tại Nghệ An: Các trạm Vinh, Đô Lương, Diễn Châu, Con Cuông ghi nhận chuỗi nhiệt độ thấp kéo dài và số giờ nắng cực thấp vào các đợt nêu trên.
Tại Thanh Hóa: Các trạm Bái Thượng, Sầm Sơn, Tĩnh Gia, Như Xuân, Bá Thước đều đồng loạt ghi nhận các đợt lạnh, với nhiệt độ trung bình ngày trong các thời điểm trên giảm xuống sát ngưỡng 13-15°C.
Bảng 1. Nhiệt độ trung bình ngày và số giờ nắng tại một số trạm khí tượng (tháng 3-4/2025)
Trạm |
Nhiệt độ trung bình thấp nhất (°C) |
Số giờ nắng thấp nhất (giờ/ngày) |
Thời gian ảnh hưởng |
Vinh (NA) |
13,4°C |
1,7 |
1–3/3, 30/3–2/4 |
Diễn Châu (NA) |
13,1°C |
2,0 |
2–4/3, 1–3/4 |
Bái Thượng (TH) |
12,8°C |
2,3 |
30/3–2/4, 11–12/4 |
Tĩnh Gia (TH) |
13,2°C |
1,5 |
30/3–2/4, 12/4 |
Bảng 1 cho thấy, số giờ nắng duy trì ở mức rất thấp (< 2 giờ/ngày) trong nhiều ngày liên tục, gây ra điều kiện thiếu sáng kéo dài. Thiếu nắng cản trở quá trình quang hợp và tích lũy vật chất, đặc biệt trong giai đoạn hình thành hạt và chín phấn hoa, làm giảm tỷ lệ thụ phấn thành công.
Nền nhiệt độ trung bình và nhiệt độ tối thấp trong nhiều ngày liên tiếp đã giảm xuống dưới ngưỡng sinh lý quan trọng cho sự phân hóa đòng và trỗ bông. Một số ngày nhiệt độ trung bình chỉ ở mức 13 - 15°C, thấp hơn ngưỡng cần thiết cho sinh trưởng tới 10°C. Đây là điều kiện đặc biệt bất lợi cho phân hóa mầm hoa và phát triển bộ phận sinh dục cái và đực.
So sánh với chuỗi trung bình nhiều năm (Ttbnn) cho thấy, nền nhiệt năm 2025 có sự lệch giảm rõ rệt trong toàn bộ tháng 3 và một nửa đầu tháng 4 - phản ánh tính cực đoan, bất thường và kéo dài của không khí lạnh trong vụ đông xuân năm nay.
Tất cả các yếu tố trên tạo nên một tổ hợp điều kiện thời tiết bất lợi nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến các quá trình sinh lý mẫn cảm nhất của cây lúa. Điều này dẫn đến rối loạn phân hóa đòng, thoái hóa phấn hoa, trỗ bông không thoát, tỷ lệ hạt lép cao và năng suất giảm mạnh - như thực tế đã xảy ra trên hàng nghìn ha tại Nghệ An và Thanh Hóa trong vụ đông xuân 2025.
Phản ứng sinh lý của cây lúa và hiện tượng kết hạt kém
Giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông là thời kỳ mẫn cảm nhất của cây lúa đối với các yếu tố khí tượng bất lợi. Khi cây lúa chịu tác động của nhiệt độ thấp trong giai đoạn này, quá trình phân hóa mầm hoa có thể bị rối loạn, dẫn đến hình thành hoa không hoàn chỉnh hoặc không hoạt động. Nhiệt độ tối thấp dưới 15°C, đặc biệt khi kéo dài trên 2-3 ngày liên tục, có thể làm phấn hoa bị thoái hóa, không thể nảy mầm hoặc ức chế ống phấn phát triển, làm giảm khả năng thụ phấn và thụ tinh.
Trong vụ đông xuân 2025, các đợt không khí lạnh kết hợp thiếu nắng và độ ẩm cao xảy ra trùng với các giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phản ứng sinh lý của cây lúa tại Nghệ An và Thanh Hóa. Trong nhiều ngày liên tiếp của tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2025, nhiệt độ trung bình ngày tại các trạm ở cả hai tỉnh dao động quanh 13-17°C, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng nhiệt sinh lý cần thiết cho các giai đoạn phân hóa đòng (≥25°C) và trỗ bông – thụ phấn (≥23°C). Sự lệch pha rõ rệt giữa đường nhiệt độ thực đo và trung bình nhiều năm (Ttbnn) thể hiện mức độ cực đoan của mùa đông xuân 2025. Cụ thể như sau:
Giai đoạn phân hóa đòng: Nhiệt độ thấp dưới 16°C trong nhiều ngày đã làm chậm hoặc ngừng hoàn toàn quá trình phân hóa mầm hoa. Điều này khiến cây không hình thành đầy đủ cơ quan sinh sản hoặc hình thành nhưng phát triển không hoàn chỉnh.
Giai đoạn trỗ bông: Phấn hoa không thể chín và nở do nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng, dẫn đến tỷ lệ thụ phấn thấp hoặc bằng không. Tình trạng phấn lép, phấn chết xảy ra phổ biến, đặc biệt ở những vùng có nhiệt độ tối thấp dưới 13°C và số giờ nắng dưới 2 giờ.
Giai đoạn thụ phấn và tích lũy: Nhiệt độ thấp và độ ẩm cao làm giảm hiệu suất quang hợp, cây không tổng hợp đủ tinh bột để nuôi hạt, khiến nhiều hạt bị lép xanh, bông không cúi.
Số liệu thực tế trong tháng 3 đến tháng 4/2025 cho thấy: Tại Nghệ An, theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp & Môi trường và báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tượng lúa trỗ không thoát, bông lép xanh, không kết hạt đã ảnh hưởng đến hơn 2.500 ha, đặc biệt tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn, Nghi Lộc, Thái Hòa. Tỷ lệ hạt lép phổ biến từ 40-60%, có nơi lên tới trên 70%. Nhiều nông dân đã phải gặt lúa non làm thức ăn cho gia súc, do không thể thu hoạch được sản lượng.
Tại Thanh Hóa, các xã như Thuận Minh và Thọ Lập (huyện Thọ Xuân) cũng ghi nhận thiệt hại tương tự. Một số hộ gieo cấy các giống KU57, An Nông 1424, Phú Ưu 15 đã mất trắng toàn bộ diện tích. Nhiều hộ dân cho biết bông lúa đứng thẳng, không cúi đầu, năng suất chỉ đạt 50–80kg/sào. Chính quyền địa phương xác nhận đây là những giống không nằm trong cơ cấu được phê duyệt cho vụ xuân 2025, và cũng không được trình diễn theo đúng quy trình, dẫn tới thiệt hại không được cảnh báo sớm.
Bên cạnh đó, một số nhân tố khác cũng có thể là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng lúa như: (i) Gieo cấy sớm hơn khuyến cáo 10-15 ngày khiến giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông rơi đúng vào thời điểm xảy ra không khí lạnh; (ii) Chọn giống mẫn cảm với điều kiện thời tiết lạnh và thiếu nắng; (iii) Khu vực đồng trũng và đất giữ ẩm cao, vi khí hậu lạnh hơn trung bình, làm kéo dài ảnh hưởng của rét.
Như vậy, phản ứng sinh lý của cây lúa trước tổ hợp điều kiện khí tượng bất lợi, cụ thể nhiệt thấp hơn nhiều so với ngưỡng thuận lợi cho cây lúa, là nguyên nhân trực tiếp gây hiện tượng không kết hạt trong vụ xuân 2025. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tích hợp yếu tố khí hậu vào hướng dẫn sản xuất và cảnh báo rủi ro khí hậu mùa vụ. Kết quả này cũng minh chứng thực tế cho tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao diễn biến khí tượng, tuân thủ lịch thời vụ, lựa chọn giống phù hợp và điều chỉnh kỹ thuật canh tác để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Bài học kinh nghiệm
Từ kết quả nghiên cứu thực tế vụ đông xuân 2025 tại Thanh Hoá và Nghệ An, một số bài học kinh nghiệm thực tế đã được nhóm nghiên cứu đưa ra:
Cần tăng cường vai trò dự báo khí hậu theo mùa phục vụ chỉ đạo sản xuất. Các đợt không khí lạnh kéo dài trùng giai đoạn mẫn cảm của cây lúa là nguyên nhân trực tiếp gây thất thu trên diện rộng. Thực tế này cho thấy, vai trò thiết yếu của bản tin khí tượng thuỷ văn về thời điểm và cường độ các đợt rét, đặc biệt khi cây trồng tiến vào giai đoạn phân hóa đòng và trỗ bông. Việc tích hợp dự báo khí tượng thuỷ văn vào kế hoạch sản xuất cần có quy trình chính quy, liên kết giữa cơ quan khí tượng và đơn vị quản lý sản xuất nông nghiệp.
Cập nhật khung thời vụ và khuyến cáo giống theo vùng khí hậu nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn tới thiệt hại là việc nông dân gieo cấy sớm hơn khuyến cáo và giống lúa không chịu được nhiệt độ thấp. Qua đó cho thấy, cần hoàn thiện bản đồ khí hậu nông nghiệp theo vùng sinh thái cụ thể, cập nhật định kỳ để phục vụ công tác lập kế hoạch sản xuất.
Củng cố cơ chế phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu, dự báo khí tượng thuỷ văn và quản lý giống - sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm vụ đông xuân 2025 cho thấy, các tỉnh miền Bắc nên tránh lựa chọn các giống có mẫn cảm với điều kiện nhiệt độ thấp và thiếu nắng. Ngoài ra, bài học thực tiễn trong nâng cao năng lực đánh giá tác động khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cần đẩy mạnh mô hình kết nối nghiên cứu – sản xuất – ra quyết định trong thực tiễn, cần được thể chế hóa thành quy trình làm việc liên ngành.
Thúc đẩy xây dựng hệ thống dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh và cảnh báo rủi ro. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần phát triển hệ thống dịch vụ khí hậu theo hướng tự động hóa, số hóa, có thể tích hợp vào nền tảng khuyến nông điện tử. Việc cung cấp thông tin khí tượng không chỉ dừng lại ở bản tin truyền thống, mà cần thiết kế các công cụ hỗ trợ ra quyết định cụ thể cho từng nhóm cây trồng, từng khung thời vụ.
Cần tăng cường thể chế hoá cơ chế phối hợp liên ngành, ví dụ như ban hành và triển khai Khung Dịch vụ Khí hậu Quốc gia (NFCS). NFCS là giải pháp nền tảng để kết nối hiệu quả giữa các đơn vị khí tượng thuỷ văn (Cục KTTV, Viện Khoa học KTTV&BĐKH) với các cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi, Cục Thú y, Cục Thuỷ sản) và Viện nghiên cứu chuyên ngành khác. Việc thiết lập NFCS sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu thích ứng quy định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050, cũng như cập nhật và thực hiện đóng góp quốc gia (NDC) của Việt Nam.
Tóm lại, bài học rút ra từ vụ việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực dự báo và tham mưu của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mà còn góp phần khẳng định vai trò trung tâm của thông tin khí tượng trong xây dựng nền nông nghiệp thông minh, chủ động và thích ứng với khí hậu.
Đôi lời khuyến nghị
Nghiên cứu hiện tượng lúa đông xuân không kết hạt tại Nghệ An và Thanh Hóa trong vụ xuân 2025 đã chỉ ra rằng sự kết hợp của các yếu tố khí tượng bất lợi như nhiệt độ thấp kéo dài, thiếu ánh sáng và độ ẩm cao trong giai đoạn phân hóa đòng - trỗ bông là nguyên nhân chính gây rối loạn sinh lý cây lúa, làm tăng tỷ lệ hạt lép và giảm năng suất nghiêm trọng.
Kết quả này góp phần khẳng định tác động rõ rệt của biến động khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp thông tin khí tượng vào quá trình ra quyết định trong quản lý mùa vụ. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy tính cấp thiết của việc hiện đại hóa dịch vụ khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đưa ra kiến nghị:
Rà soát, ban hành cơ chế phối hợp liên ngành, như NFCS làm nền tảng thể chế cho phối hợp liên ngành giữa các đơn vị khí tượng thủy văn và nông nghiệp.
Trong thực tế sản xuất, cần cập nhật bản đồ thời vụ, giống phù hợp theo vùng khí hậu nông nghiệp và tích hợp vào kế hoạch sản xuất địa phương.
Tăng cường chất lượng và độ phủ của bản tin khí hậu vụ, nhất là các cảnh báo sớm về rét, hạn, nắng nóng kéo dài.
Phát triển các dịch vụ khí hậu số và công cụ hỗ trợ quyết định cho nông dân và cán bộ kỹ thuật.
Tổ chức tổng kết vụ đông xuân 2025 như một bài học thực tiễn, từ đó điều chỉnh quy trình quản lý mùa vụ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
TS. Nguyễn Quốc Khánh, TS. Nguyễn Đăng Mậu,
TS. Nguyễn Hữu Quyền, ThS. Nguyễn Hồng Sơn
Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ Văn và Biến đổi khí hậu