
Quảng Nam tiên phong bảo tồn đa dạng sinh học
02/03/2025TN&MTNhững năm gần đây, Quảng Nam đã có hành động tích cực để ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh học, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên,… Tỉnh đã thành lập nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng đặc dụng và từ chối nhiều dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan. Với nỗ lực đó, tỉnh được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) lựa chọn là địa phương tiên phong khởi động “Năm phục hồi Đa dạng sinh học quốc gia” năm 2024.
Bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng Quảng Nam
Nhiều tiềm năng về đa dạng sinh học
Quảng Nam là địa phương có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên của Trung Trường Sơn. Địa phương có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, nơi có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như: Sao la, hổ và voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển,... Đến nay, tỉnh có bảy khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một cơ sở bảo tồn ĐDSH là Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn ĐDSH, địa phương đã sớm ban hành Chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía Tây, phê duyệt Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh,... Đặc biệt, địa phương đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Nông Sơn (2018); Khu Dự trữ Thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập Hành lang ĐDSH tỉnh (2018); nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên thành Vườn Quốc gia (2021); Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm,… góp phần quan trọng trong bảo tồn ĐDSH của địa phương.
Nhờ những nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái của chính quyền và người dân, độ che phủ rừng của tỉnh đã tăng từ 49,42% năm 2013 lên 58,88% năm 2023, riêng diện tích rừng đặc dụng tăng hơn 4.500ha so với giai đoạn 2011 - 2023, đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích là 21.577ha. Diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được mở rộng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Nhiều khu bảo tồn được quy hoạch mới, mở rộng như Khu bảo tồn Sao La; Khu bảo tồn Chà vá chân xám Tam Mỹ Tây (Núi Thành) và một số khu hệ sinh thái ngập nước,... Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025).
Theo đánh giá của WWF, Quảng Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH. Tỉnh đã tăng nhanh chóng độ che phủ rừng, tái phát hiện loài sao la bằng bẫy ảnh WWF vào năm 2013; sự xuất hiện trở lại nhiều hơn các loài như mang lớn, mang Trường Sơn, rùa Trung Bộ; sự phục hồi đàn voọc chà vá chân xám với quần thể rất lớn tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành). WWF xác định, Quảng Nam là vùng ưu tiên về ĐDSH ở miền Trung Việt Nam và nằm trong tốp 200 vùng sinh thái được ghi nhận trên toàn thế giới. Hiện có sáu dự án phi chính phủ của WWF đã và đang triển khai tại Quảng Nam liên quan đến bảo tồn ĐDSH, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế người dân, với tổng kinh phí hơn 95 tỷ đồng. Các dự án này góp phần tích cực trong công tác bảo tồn ĐDSH, bảo vệ rừng bền vững, hướng tới tín chỉ các-bon rừng và nâng cao sinh kế dưới tán rừng cho người dân ở khu vực miền núi của tỉnh.
Trong định hướng phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Nam luôn ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, du lịch xanh, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, địa phương luôn chú trọng bảo tồn ĐDSH lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, bảo vệ rừng, động vật quý hiếm. Khi công tác bảo vệ ĐDSH được quan tâm sẽ đem lại nguồn lợi rất lớn cho con người, xã hội và môi trường sống. Thực tế cho thấy, nhờ công tác quản lý, bảo vệ tốt rạn san hô, các loài động thực vật dưới nước tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã đem lại nguồn lợi quý cho môi trường và người dân sinh sống ở khu vực này.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường
Theo các chuyên gia, Quảng Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái ĐDSH, do tác động bởi ô nhiễm nước, không khí và rác thải nhựa; khai thác, sản xuất và tiêu dùng quá mức, hủy hoại rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã, tận diệt nguồn lợi thủy sản. Cùng với đó, áp lực phát triển kinh tế cũng đã tác động lớn đến môi trường, bảo tồn ĐDSH. Do vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn suy giảm ĐDSH, bảo đảm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, phát triển bền vững.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm,...). Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn theo hướng tăng cường liên kết chuỗi, thích ứng biến đổi khí hậu; khai thác rừng bền vững trên cơ sở gia tăng chất lượng dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị trường tín chỉ các-bon rừng, các loại cây dược liệu dưới tán rừng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, Quảng Nam sẽ phát triển các khu du lịch dựa trên không gian di sản văn hóa - lịch sử với loại hình du lịch nghiên cứu văn hóa kết hợp trải nghiệm.
Trong khuôn khổ “Năm phục hồi ĐDSH quốc gia Quảng Nam 2024” với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên”, tỉnh tổ chức hàng chục sự kiện, hoạt động như: Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về ĐDSH; các hoạt động nâng cao nhận thức về ĐDSH; tổ chức quảng bá các điểm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn ĐDSH; tọa đàm ký kết chương trình phối hợp bảo vệ động vật hoang dã xuyên biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào). Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ ĐDSH.
Về lâu dài, để ngăn chặn tốc độ suy thoái của hệ sinh thái và ĐDSH, tỉnh xác định triển khai một số giải pháp, bao gồm:
Bảo vệ và khôi phục các khu rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên: Quảng Nam đã triển khai các chương trình khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng phòng hộ, và rừng đặc dụng. Các dự án này không chỉ giúp nâng cao độ che phủ rừng mà còn cải thiện môi trường sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Triển khai các dự án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng: Tỉnh đang đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng kinh doanh tín chỉ các-bon, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Đây là giải pháp kép, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên: Hàng năm, tỉnh tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, hội thảo và chương trình truyền thông nhằm phổ biến kiến thức về bảo tồn ĐDSH. Các chiến dịch này đã nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, động vật hoang dã và các hệ sinh thái nhạy cảm.
Hoàn thiện quy hoạch hành lang sinh thái, kết nối các khu bảo tồn hiện hữu: Việc kết nối giữa các khu bảo tồn như Khu bảo tồn Sao La, Vườn quốc gia Sông Thanh và Khu dự trữ Ngọc Linh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các loài mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn. Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ và nghiên cứu khoa học trong bảo tồn: Quảng Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế như WWF, USAID để triển khai các dự án nghiên cứu về bảo tồn, xây dựng cơ sở dữ liệu số về ĐDSH và áp dụng công nghệ giám sát thông minh.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam vừa khánh thành Bảo tàng ĐDSH, đây là bảo tàng đầu tiên về ĐDSH của cả nước. Bảo tàng bên cạnh quảng bá các giá trị tài nguyên ĐDSH, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng trong không gian sinh tồn trên địa bàn tỉnh; kết nối với các tổ chức, các nhà khoa học nhằm phát triển phong phú thêm về các mẫu vật cho Bảo tàng,… góp phần khơi dậy ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ và người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn ĐDSH của tỉnh Quảng Nam.
NGUYỄN THÀNH NAM
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025