Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số - Chìa khóa để ngành Nông nghiệp và Môi trường bứt phá
22/07/2025TN&MTNgày 22/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) thời kỳ mới và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Vụ Khoa học và Công nghệ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Xác định KHCN là nền tảng phát triển
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp và môi trường theo hướng hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là công cụ mà còn là động lực then chốt. Đây chính là “chìa khóa” để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó kịp thời với những biến đổi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng, việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện quyết tâm chính trị của toàn ngành trong việc chuyển đổi từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, dựa trên nền tảng khoa học, số liệu và công nghệ. Thứ trưởng nhấn mạnh, chỉ có gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, gắn công nghệ với chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, thì đổi mới sáng tạo mới thực sự mang lại giá trị thiết thực.
Thứ trưởng cũng khẳng định, để KHCN thực sự trở thành nền tảng phát triển, các đơn vị cần chủ động rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao. Việc đầu tư cho KHCN không chỉ dừng lại ở các nhiệm vụ nghiên cứu hàn lâm mà phải lan tỏa mạnh mẽ vào thực tiễn sản xuất, tạo ra những mô hình, quy trình, sản phẩm cụ thể phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý, chuyển đổi số cần đi liền với đổi mới quản lý. Xây dựng hệ thống dữ liệu ngành đồng bộ, liên thông, minh bạch, dễ truy cập sẽ là điều kiện quan trọng để các cấp, các ngành có thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định, điều hành chính xác, hiệu quả. “Phải coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xương sống để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp cam kết Net Zero và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh!.
Kết quả cụ thể, minh chứng rõ ràng
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 đã phản ánh rõ nét tinh thần đổi mới, quyết tâm hành động của toàn ngành. Nổi bật nhất là việc các đơn vị đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, bảo đảm 100% đơn vị trực thuộc Bộ đều có chương trình cụ thể, lộ trình rõ ràng, sát với tình hình thực tiễn từng lĩnh vực, địa phương.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, nhấn mạnh những dấu ấn và nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025 tại Hội nghị
Về nhiệm vụ khoa học công nghệ, tính đến ngày 20/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã được giao tổng cộng 198 nhiệm vụ KHCN gắn với các nghị quyết, kế hoạch lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, 20 nhiệm vụ đã hoàn thành, 164 nhiệm vụ đang triển khai đúng tiến độ và 41 nhiệm vụ khác đang được rà soát, hoàn thiện hồ sơ. Riêng trong 6 tháng đầu năm, Vụ đã tham mưu trình Bộ xét duyệt 140 nhiệm vụ KHCN, trong đó ưu tiên các đề tài có tính ứng dụng cao, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia và các lĩnh vực cấp bách như nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Vụ đã đề xuất thêm 28 nhóm nhiệm vụ mang tính sáng kiến, có khả năng tích hợp vào Kế hoạch quốc gia triển khai Nghị quyết 57, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, tránh chồng chéo. Về định hướng cho năm 2026, Bộ đã phê duyệt trước 126 nhiệm vụ KHCN mới, trong đó đã hoàn thành thẩm định 56 nhiệm vụ, tạo nền tảng triển khai sớm ngay từ đầu năm.
Công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng được đẩy mạnh. Tính đến thời điểm này, các đơn vị trực thuộc Bộ đã hoàn thành và trình công bố 95/216 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong năm 2025, đạt tỷ lệ 44,1% kế hoạch - một kết quả quan trọng trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, yêu cầu tiêu chuẩn ngày càng cao, đa lĩnh vực. Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của ngành đã đạt 1.887 TCVN và 178 QCVN, bao phủ toàn diện các lĩnh vực chuyên ngành từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến môi trường, tài nguyên nước, đa dạng sinh học.
Một minh chứng khác là công tác phối hợp, huy động nguồn lực ngoài ngân sách cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Việc tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu, cùng 8 thỏa thuận hợp tác ký kết giữa Bộ và các hiệp hội, doanh nghiệp đã mở ra hướng mới cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát huy thế mạnh của khối tư nhân, giảm áp lực chi ngân sách.
Những kết quả bước đầu này không chỉ khẳng định sự chủ động, quyết liệt của Vụ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị trực thuộc, mà còn minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biến nghị quyết của Đảng thành hành động thực chất, hiệu quả, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn tăng tốc phía trước.
Hợp tác quốc tế - cánh tay nối dài
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu phát triển bền vững, việc tận dụng tri thức, nguồn lực quốc tế chính là giải pháp thiết thực để đưa khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp và Môi trường tiệm cận nhanh với chuẩn mực toàn cầu.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, thời gian qua, Bộ đã đẩy mạnh kết nối và khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc tế thông qua nhiều hình thức hợp tác đa dạng, từ các chương trình song phương, đa phương, đến phối hợp trực tiếp với các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, công nghệ môi trường, quản trị tài nguyên.
Đáng chú ý, các chương trình hợp tác không chỉ dừng ở trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, mà còn mở rộng sang thu hút hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời từng bước gắn nghiên cứu trong nước với chuỗi giá trị và thị trường toàn cầu. Điển hình, nhiều dự án hợp tác với FAO, UNDP, JICA, KOICA, AFD… đã và đang triển khai các mô hình thí điểm về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý môi trường bền vững, tạo tiền đề nhân rộng ra các địa phương.
Theo ông Tuấn, hợp tác quốc tế còn mang lại nguồn thông tin quý giá, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu KHCN của Bộ. Việc tích hợp, cập nhật thường xuyên các tiêu chuẩn, công nghệ, sáng chế mới của thế giới sẽ giúp các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành tiếp cận nhanh hơn, tránh tụt hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường quốc tế đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.
Bên cạnh đó, Vụ Hợp tác quốc tế cũng đề xuất cần sớm xây dựng cơ chế phối hợp thông tin, trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị chức năng trong Bộ và các đối tác nước ngoài. Đây sẽ là kênh quan trọng để theo dõi tiến độ các chương trình, dự án, đảm bảo minh bạch, tránh chồng chéo và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác quốc tế cũng là động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu, các hoạt động trao đổi học tập, hội thảo quốc tế. Qua đó, hình thành lực lượng chuyên gia mạnh, đủ năng lực tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao công nghệ mới, đóng góp trực tiếp vào tiến trình hiện đại hóa ngành.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mới, hợp tác quốc tế phải được xem như một cánh tay nối dài để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ tiếp nhận công nghệ, chúng ta cần chủ động tham gia vào các mạng lưới nghiên cứu, chia sẻ sáng kiến, qua đó đưa tri thức Việt Nam ra thế giới, đồng thời đưa tinh hoa thế giới về phục vụ thực tiễn Việt Nam”.
Nhìn thẳng hạn chế, quyết tâm khắc phục
Dù đã đạt những kết quả quan trọng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để giữ vững đà bứt phá. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh các đơn vị đã chủ động, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự vào cuộc với tinh thần khẩn trương, chưa bám sát yêu cầu đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn nặng tính hành chính, thiếu tính chủ động sáng tạo.
Một số nhiệm vụ khoa học công nghệ được giao nhưng tiến độ triển khai còn chậm, nhất là khâu bố trí, giải ngân kinh phí nghiên cứu chưa kịp thời, làm chậm quá trình nghiệm thu, chuyển giao kết quả. Chất lượng hồ sơ tuyển chọn nhiệm vụ chưa đồng đều, còn tình trạng đề xuất nhiệm vụ trùng lặp, thiếu tính mới, tính khả thi thấp, chưa gắn chặt với nhu cầu thực tiễn sản xuất, thị trường và xu thế công nghệ toàn cầu.
Một hạn chế nữa được nêu rõ là tiến độ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho các năm tiếp theo còn chậm, chưa đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc khởi động các nhiệm vụ KHCN mở mới. Việc phối hợp giữa các đơn vị, đặc biệt là giữa Vụ Khoa học và Công nghệ với Vụ Hợp tác quốc tế và các Cục, Viện chuyên ngành có lúc chưa kịp thời, thiếu cơ chế chia sẻ dữ liệu, dẫn tới khó khăn trong tổng hợp, giám sát tiến độ.
Trước những tồn tại đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị phải thực sự thay đổi cách làm, phát huy vai trò người đứng đầu, tăng cường kỷ luật kỷ cương, coi tiến độ và chất lượng là yếu tố then chốt. Ông nhấn mạnh, quyết tâm chính trị cao phải đi đôi với hành động cụ thể, bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, tài chính, thủ tục để bảo đảm các nhiệm vụ KHCN không chỉ được phê duyệt mà phải đi vào triển khai thực chất.
Song song đó, Thứ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn quản lý, tiếp tục đơn giản hóa quy trình tuyển chọn, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học, tránh tình trạng thủ tục chồng chéo, mất nhiều thời gian mà hiệu quả không tương xứng.
Để phát huy nguồn lực quốc tế, Thứ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, hình thành đầu mối thông tin xuyên suốt, cập nhật tiến độ, chia sẻ dữ liệu mở để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới nhanh nhất, tránh manh mún, phân tán.
“Nhìn thẳng vào điểm nghẽn, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, từ đó hành động quyết liệt, đồng bộ – đó chính là chìa khóa để biến kết quả bước đầu thành kết quả bền vững, tạo tiền đề cho giai đoạn bứt phá mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định!.
Toàn cảnh Hội nghị
Mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của ngành Nông nghiệp và Môi trường là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hiện đại nhưng không đánh đổi tài nguyên, môi trường và quyền lợi người dân. Để đạt được điều đó, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là không thể thiếu, vừa là nền tảng, vừa là động lực để mọi khâu trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu, sản xuất, chế biến đến quản lý, tiêu thụ đều minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh hơn.
Theo Thứ trưởng, phát triển bền vững không chỉ là khẩu hiệu mà phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp khả thi, đo lường được.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để mục tiêu bền vững trở thành thực tế, trước hết phải xây dựng hệ thống dữ liệu ngành đồng bộ, liên thông từ Trung ương đến địa phương, hỗ trợ công tác điều hành, ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, đúng hướng. Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội hóa cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, để mọi sáng kiến không nằm trên giấy mà đi vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Một trong những trọng tâm được Thứ trưởng nhiều lần nhấn mạnh là gắn chuyển đổi số với cải cách hành chính, giảm thủ tục, minh bạch quy trình để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đây là cách làm thiết thực nhất để chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, đồng thời tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, phù hợp với yêu cầu hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, để duy trì được quỹ đạo phát triển bền vững, hiện đại, ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục bám sát các cam kết quốc tế, nhất là cam kết Net Zero đến năm 2050, thực hiện đầy đủ các khuyến nghị toàn cầu về giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Song song, cần tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới tư duy và phương thức quản lý, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phát huy tiềm năng đất đai, tài nguyên một cách hài hòa, hiệu quả, bền vững.
“Không còn con đường nào khác ngoài phát triển dựa trên tri thức, công nghệ, sáng tạo và tinh thần hành động quyết liệt, đồng lòng. Đây chính là chìa khóa để ngành Nông nghiệp và Môi trường đi trước đón đầu, không tụt lại trong cuộc đua hội nhập, từng bước khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hồng Minh