
Thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững
29/03/2025TN&MTViệt Nam trong những năm qua và trong tương lai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh (TTX) hướng tới sự phát triển bền vững. Chúng ta đang từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đặt ra một số thách thức trong thực tiễn.
Tăng trưởng xanh (TTX) là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Theo đánh giá, TTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Đặc biệt, TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống BĐKH. Là một nước đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và châu Á, Việt Nam đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trên thế giới vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam. Đồng thời, nông nghiệp đang là một ngành có thế mạnh của Việt Nam với những con số ấn tượng về xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản, thực phẩm trên thị trường thế giới cho thấy Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải KNK trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải KNK trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải KNK trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.Chiến lược đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mục tiêu chủ yếu là đến năm 2030, tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 giảm từ 1,0 - 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Trong thực thi Chiến lược quốc gia về TTX, hàng loạt các chính sách hỗ trợ được ban hành như: Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án BVMT, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp; Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng,…
Theo TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị COP26, COP27, COP28. Theo TS. Tăng Thế Cường, kể từ sau Hội nghị COP26 đến nay, đã có nhiều chương trình, dự án theo hướng chuyển đổi xanh, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của các Bộ, ngành đã và đang được hoàn thiện theo hướng này. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch Điện VIII và Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện NLTT với khách hàng sử dụng điện lớn. Việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được các Bộ và doanh nghiệp làm việc với các đối tác quốc tế và đề ra các dự án cần triển khai ngay. Có 18 dự án được các bên rà soát đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai được ngay, trong đó có 7 dự án cần ưu tiên trước mắt để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Nhằm ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, thương mại của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon - CBAM), Bộ TN&MT đã nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể đối với kinh tế - xã hội,...
Hệ thống năng lượng là động lực phát triển kinh tế và xã hội. Năng lượng chiếm khoảng 3/4 lượng phát thải KNK toàn cầu nên việc nhanh chóng cắt giảm cacbon nhằm đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phát triển kinh tế xanh là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải loại bỏ thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và hướng tới một tương lai sạch hơn, xanh hơn. Tổng công suất lắp đặt toàn cầu và tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong lưới điện đã tăng lên trong hai thập kỷ qua. Hiện nay, khoảng 30% sản lượng điện trên toàn cầu là năng lượng tái tạo. Cũng theo TS. Tăng Thế Cường, để phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng, phục vụ tất cả mọi người dân và mọi người dân đều có thể tiếp cận được và hưởng lợi từ phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là những nhóm hoặc cộng đồng chịu ảnh hưởng do quá trình chuyển đổi năng lương cần phải được hỗ trợ về sinh kế, đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp. Chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở từng quốc gia để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là từ khâu lập quy hoạch, đến cấp phép, quản lý và vận hành dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Cần đặt ra các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng “0” và giảm ô nhiễm không khí trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng. Đặc biệt, cần có sự cam kết và tham gia trách nhiệm của hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, tín dụng thông qua việc điều chỉnh danh mục cho vay đầu tư theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Báo cáo của Cục BĐKH cho thấy, Cục đã, đang tập trung vào việc hoàn thiện các quy định kiểm kê KNK, thẩm định kết quả kiểm kê KNK, kết quả giảm nhẹ phát thải KNK; phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; quản lý hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon; quản lý tín chỉ các-bon trong nước và trao đổi quốc tế; vận hành thị trường các-bon…; tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành. Tích cực phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thi hành pháp luật về ứng phó với BĐKH đã được ban hành và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH ở các địa phương, tình hình thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc tế về BĐKH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN về giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Để thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh (TTX), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ đã được phân giao tại Chiến lược TTX và Kế hoạch hành động TTX,.. Trong đó, Bộ TN&MT tập trung vào các nhiệm vụ sau: tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với BĐKH, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; Ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất...; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; trình ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế; Hoàn thiện các quy định, chính sách, các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đẩy nhanh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn. Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, BVMT, giảm phát thải và thích ứng với BĐKH; hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với BĐKH, trọng tâm là các công trình thủy lợi, nước sạch phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với TTX vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
HOÀNG NGUYÊN
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 năm 2025