
Trạm Thủy văn Mường Lát: “Cản bước” thiên tai
01/12/2024TN&MTNhững vất vả, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần không thể khiến những quan trắc viên tại Trạm Thủy văn Mường Lát (Thanh Hóa) vơi bớt tình yêu nghề. Trong hành trình về với vùng cao Mường Lát, một địa phương vùng biên rất khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, phóng viên được trực tiếp cùng các quan trắc viên của Trạm Thủy văn Mường Lát tham gia nhiệm vụ trên dòng sông Mã, lắng nghe những nỗi niềm, tâm tư, những câu chuyện, kỷ niệm của những người trong ngành KTTV.
Nghề “đo nước” nơi vùng cao
Ngay từ tờ mờ sáng, để kịp cho lịch hẹn, chúng tôi “bắt” chuyến xe khách đầu tiên từ TP. Thanh Hóa đi huyện miền núi Mường Lát, nơi vùng biên vốn còn nhiều khó khăn của xứ Thanh Hóa. Mường Lát có diện tích tự nhiên là 81.240,8 ha, địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Dân số hiện nay 40.684 người, bao gồm các thành phần dân tộc: Dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường và các dân tộc khác. Chứng kiến những lần đảo vô lăng liên tục của bác tài, tôi đã hiểu vì sao cánh tài xế dày dặn kinh nghiệm gọi đây là “cung đường thần kinh thép”. Những con đường uốn lượn quanh lưng chừng đồi, núi có độ dốc lớn kéo dài hàng chục cây số, bên kia là vực sâu thăm thẳm chính là “đặc sản” của hành trình đến với vùng cao Mường Lát.
Các cán bộ Trạm Thủy văn Mường Lát (Thanh Hóa) đối mặt với nhiều vất vả, khó khăn
Sau 2 chặng nghỉ, cùng 6 tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đến được Trạm Thủy văn Mường Lát nằm ở khu Tén Tằn, thuộc thị trấn Mường Lát. Như đã biết, đây là huyện vùng biên của tỉnh Thanh Hóa, có địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu dốc, núi cao, đất tơi xốp, phía sườn đất dốc, sói mòn, có tính rửa trôi mạnh. Nơi đây tiếp giáp với nước bạn Lào, khí hậu tương đối khắc nghiệt, mưa thì xối xả, thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, lũ quét. Vì vậy, phải thích ứng và làm việc trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp như tại Mường Lát quả thực là một điều không dễ dàng.
Do đã có hẹn từ trước, nên vừa xuống xe, tôi đã được Trưởng Trạm Lê Xuân Tình hồ hởi tiếp đón. Vẫn còn chưa hết lâng lâng của cơn say xe và ù tai do sự chênh lệch độ cao, tôi đề xuất với ông Tình được thực tế công việc thường ngày của cán bộ thủy văn ngay cho “nóng”. Theo chân ông Tình cùng các cán bộ ra ven bờ sông Mã, nơi con tàu quan trắc đã neo đậu sẵn. Trước khi lên tàu, tôi được các anh em ở đây trang bị áo phao, hướng dẫn hạn chế đi lại và không ngồi ở mạn thuyền. Đấy là sự cẩn trọng không hề thừa trước dòng nước đục ngầu, mênh mông của sông Mã, vốn được coi là con ngựa bất kham của xứ Thanh trong những ngày lũ về.
Gắn bó với ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã 31 năm, ông Lê Xuân Tình, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát phân tích: Với đặc điểm của vùng núi huyện Mường Lát, 2 bờ sông Mã tương đối hẹp, vật cản trên sông nhiều, nước chảy rất xiết, nên mỗi khi gặp thời tiết xấu, việc quan trắc trên sông Mã gặp nhiều nguy hiểm, dễ gây hư hỏng các thiết bị, thậm chí đe dọa đến tính mạng của anh em. Theo đó, bất kể ngày đêm, dù là ngày lễ hay ngày thường, dù mùa đông hay mùa mưa, dù có băng tuyết, hay bão lũ thì cứ đến mốc giờ đó là các cán bộ sẽ tiến hành quan trắc, ghi chép số liệu và kiểm tra máy móc, báo cáo lên Trung tâm. Trung bình một ngày, các cán bộ, chuyên viên thực hiện 8 lần quan trắc vào các khung giờ định sẵn. Tuy nhiên, vào các ngày có thời tiết khác thường, tần suất quan trắc sẽ tăng lên 30 phút/lần.
Nhiệm vụ quan trắc trên sông Mã luôn rình rập nguy hiểm
Nhớ như in đợt mưa lớn kéo dài gây ra cơn lũ lịch sử năm 2018 tại huyện Mường Lát, ông Tình kể lại: Năm ấy lũ từ thượng nguồn đổ về, dòng nước đục ngầu lẫn bùn đất, chảy xiết, dữ dội như muốn cuốn phăng tất cả. Khi ấy 5 anh em chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ quan trắc trên sông Mã thì một thân cây lớn bị cuốn tới và thúc mạnh vào thuyền. Cú va chạm mạnh đã khiến thuyền bị nghiêng và chao đảo, toàn bộ thiết bị, máy móc cùng một đồng chí bị ngã khỏi thuyền, rơi xuống dòng nước lũ “hung bạo”. May mắn thay, người này đã kịp thời bám vào mạn thuyền và được đưa vào bờ an toàn. Cũng tại thời điểm đó, cơn lũ lịch sử đã khiến toàn bộ huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn. Mất điện, hệ thống đường giao thông bị chia cắt, không còn sóng điện thoại, anh em chúng tôi phải đi bộ, băng qua hơn 10 km đường rừng núi với mục đích mua sim điện thoại Lào, để có thể liên lạc và cung cấp thông tin kịp thời cho Trung tâm.
Chủ động trong mọi hoàn cảnh
Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa 250km về phía Tây, khoảng cách địa lý chính là rào cản, thử thách lớn đối với bất kỳ ai có công việc, nhiệm vụ ở Mường Lát. Tuy nhiên, thật đặc biệt khi tất cả 6 cán bộ thủy văn ở đây đều là người miền xuôi “ngược dòng” lên vùng núi khó khăn công tác. Có những đồng chí còn khá trẻ đã phải xa người thân, vợ con, tuy nhiên thấu hiểu tâm tư và bằng tinh thần đoàn kết, Trưởng trạm Lê Xuân Tình đã động viên tinh thần anh em, gác lại nỗi nhớ gia đình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nói về động lực “giữ lửa nghề”, ông Lê Xuân Tình chia sẻ: Bên cạnh tình yêu với nghề, việc cập nhật số liệu chính xác sẽ giúp dự báo được các hình thái thiên tai có thể xảy ra, qua đó tạo cơ sở giúp người dân chủ động trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản. Đây chính là động lực khiến anh em ở đây không quản ngại khó khăn, theo đuổi ngành KTTV.
Thời gian làm việc của các quan trắc viên tại đây được chia làm các khung giờ 1h, 7h, 13h, 19h. Ngày nắng thì không sao, nhưng vào mùa mưa bão tần suất làm việc của mọi người tăng lên gấp bội. Trung bình khoảng 30’/ 1 bản tin tùy thuộc vào tình hình diễn biến của thời tiết, từ số liệu thô, người đo tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về Đài KTTV Bắc Trung Bộ. Do vậy, người đo phải cập nhập kết quả liên tục chính xác đến mức tuyệt đối kể cả về thời gian lẫn số liệu, chỉ cần chệch 1 chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Dù thực hiện nhiệm vụ nào, các quan trắc viên phải có mặt trước ca trực 30 phút, kiểm tra dụng cụ, sổ sách, khắc phục sự cố trước lúc bắt tay vào việc. Khi các hiện tượng dông sét, mưa đá, lốc xoáy xảy ra, người quan trắc cũng báo cáo tỉ mỉ thời gian, địa điểm, hậu quả để chuyên gia dự báo, đưa ra nhận định, khuyến cáo cho người dân.
Ông Lê Xuân Tình, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát
Mưa bão, nước dâng cao xuống thấp bất thường, người làm KTTV hầu như thức trắng đêm dầm mình dưới mưa gió lấy số liệu truyền đi liên tục để có bản tin dự báo nóng hổi. Bão nhỏ còn đỡ, 2-3người/ca, chứ bão lớn thì cả cơ quan phải có mặt 24/24h. Mỗi người đảm nhận một việc, người ghi chép thông số, người đo mực nước, người đo gió đo mưa. Nhiều năm gắn bó với nghề quan trắc, họ không nhớ hết được khó khăn, bao nhiều lần đối mặt với nguy hiểm, sợ hãi, lo lắng trước sự khủng khiếp của thiên nhiên, đối với họ, khó khăn là chuyện như cơm bữa
Trạm Thủy văn Mường Lát có nhiệm vụ quan trắc, thu thập trực tiếp các yếu tố và hiện tượng khí tượng thủy văn, các yếu tố môi trường không khí và nước trên mặt đất, dưới nước, trên sông và trên không tại khu vực đặt trạm; thu nhận và phát báo kết quả quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn, các yếu tố môi trường không khí và nước; xử lý thông tin dự báo khí tượng thủy văn và dự báo thời tiết. Đặc biệt là đo đạc, quan trắc dòng chảy trên sông Mã, đơn vị tham mưu cho lãnh đạo địa phương về lĩnh vực khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, phát triển an sinh xã hội bền vững.
Trước mùa mưa bão, Trạm Thủy văn Mường Lát đã xây dựng kế hoạch công tác chi tiết và cụ thể, trên cơ sở nhiệm vụ phòng chống mưa lũ của Đài tỉnh, Đài khu vực và yêu cầu cụ thể của địa phương về công tác phòng chống mưa lũ. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ của Trạm, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống có thể xảy ra, đo đạc, quan trắc đầy đủ theo quy định.
Bên cạnh đó, nghiên cứu nắm vững địa hình và đặc điểm của địa phương, chú trọng những nơi xung yếu, những vị trí trọng điểm về kinh tế, chính trị, khu dân cư ở địa phương, những tâm mưa lớn và những nơi thường xảy ra thiên tai sạt lở, lũ ống, lũ quét… nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Chủ động cũng như kết hợp với các cơ quan có liên quan trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng về Luật Phòng chống thiên tai, về khí tượng thủy văn.
Những người thầm lặng, giúp cảnh báo, dự báo sớm thiên tai
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm qua đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giá rét kéo dài, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động bất thường, mưa biến động lớn, hạn hán nghiêm trọng… gây ra nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản, tác động xấu đến môi trường. Ông Lê Xuân Tình - Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát cho biết: Ngành Khí tượng thủy văn phải chủ động hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng các dịch vụ khí hậu, sao cho các dịch vụ khí hậu, thời tiết thủy văn dần trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất nhằm giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần hạn chế tác hại của thiên tai, tận dụng những điều kiện thuận lợi của khí hậu, phục vụ tốt hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Công việc buồn tẻ, vất vả là vậy nhưng những người làm nghề KTTV nơi đây vẫn luôn nở nụ cười và rất hạnh phúc vì đã cống hiến một chút công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chung của ngành KTTV, đồng hành để giúp người dân tránh được những hậu quả khôn lường do tác động của thiên tai bất thường.
Hoàng Anh