
Việt Nam đã nỗ lực thay đổi công tác dự báo, phát triển hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại
28/01/2025TN&MTNhững năm gần đây, ngành Khí tượng Thủy văn luôn duy trì các hoạt động thông suốt, khắc phục khó khăn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo thực hiện công tác dự báo đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia,... Xung quanh những vấn đề này, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có dịp trao đổi với PGS. TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Phóng viên: Xin ông cho biết, nhiệm vụ dự báo thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai, cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo,... được Ngành thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
PGS. TS. Mai Văn Khiêm: Toàn bộ dữ liệu KTTV trong và ngoài nước được tích hợp, tổ chức xử lý, lưu trữ, khai thác và cung cấp theo hướng tập trung, đồng bộ; các công tác nghiệp vụ dự báo, cảnh báo KTTV đều sử dụng dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu. Ngành đã đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao CrayXC40 (siêu máy tính) với năng lực tính toán đạt 80-100TFLOPS; hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành tác nghiệp KTTV từ năm 2015.
Ngành KTTV Việt Nam đã nỗ lực thay đổi công tác dự báo, phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, với chất lượng tốt hơn, phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh. Theo đó, hệ thống dự báo đã có nhiều thay đổi, từ các dự báo thủ công, kinh nghiệm đã được chuyển đổi sang hệ thống dự báo số độ phân giải cao.
Ngành KTTV đã tự vận hành được hệ thống mô hình dự báo thời tiết số có độ phân giải đến 3 km, tiến tới sẽ đạt mức 1-2 km, cho phép tích hợp các số liệu như radar, đo đạc tự động giúp nâng cao được khả năng chất lượng dự báo. Độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (áp thấp nhiệt đới, bão, lũ,...) đã được tăng lên; các công nghệ dự báo KTTV nằm trong nhóm các nước dẫn đầu Đông Nam Á và dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến ở châu Á, đặc biệt là trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, rét đậm, rét hại, lũ lụt và nắng nóng: Độ chính xác về dự báo vị trí và cường độ bão hiện nay đã dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; Dự báo, cảnh báo mưa lớn đạt trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày và ở khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%; Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày với độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%.
Công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn tiếp tục được nâng cấp dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các sản phẩm đồng hóa độ phân giải cao với thời hạn dự báo đến 24h. Công nghệ dự báo thủy văn theo hướng đồng bộ, liên thông được tăng cường cho 2 lưu vực sông (Hồng, Hương). Ngành cũng tập trung xây dựng công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, đã tích hợp dữ liệu dự báo mưa hạn cực ngắn từ ra đa kết hợp với dữ liệu từ mô hình số với độ phân giải cao (1-3 km); tích hợp hỗ trợ ra tin; ngưỡng mưa; xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực; tích hợp các khu vực trọng điểm để cảnh báo chi tiết. Ngành đã cung cấp thông tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cập nhập liên tục trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục KTTV tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/.
Với nhu cầu của xã hội đối với thông tin KTTV ngày càng chi tiết, định lượng hơn, Ngành KTTV Việt Nam từng bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt trong vấn đề dự báo thời tiết nguy hiểm, mang tính cực đoan gồm mưa lớn, mưa cực trị, tác động của bão. Từ các hệ thống quan trắc nặng tính thủ công đã chuyển sang các hệ thống quan trắc tự động, tính đến nay đã bổ sung được thông tin quan trắc từ hơn 2000 trạm tự động gần như thời gian thực (đo đạc 10 phút một lần). Đến nay, tổng số trạm đo mưa tự động đã được đầu tư xã hội hóa là gần 1.400 trạm.
Cùng với đó, các hệ thống quan trắc radar thế hệ cũ đã được thay thế một cách đồng bộ bằng các radar thế hệ mới của Nhật Bản, Phần Lan, cùng với đó là trang bị các radar với khả năng di động để phục vụ việc bổ khuyết các điểm thiếu hụt quan trắc và di chuyển đến các điểm có khả năng xảy ra thời tiết cực đoan như khu vực Bão đổ bộ. Bên cạnh đó, các loại quan trắc thám sát mới đã được ứng dụng trong công tác cảnh báo thời tiết nguy hiểm tức thời từ hệ thống định vị sét toàn cầu từ vệ tinh và hệ thống định vị dông sét mặt đất hiện đại của Phần Lan. Đối với việc ứng dụng công nghệ dự báo số, từ cuối năm 2018, với việc triển khai một cách đồng bộ từ việc nâng cấp tính toán (hệ thống siêu máy tính CrayXC40) cùng việc đan dầy-đa dạng hóa công nghệ quan trắc đã bước đầu cho phép thử nghiệm công nghệ đồng hóa số liệu song song với công nghệ mô hình dự báo số chi tiết-phân giải cao vào trong nghiệp vụ dự báo thời tiết tại Tổng cục KTTV.
Hiện nay, ngành KTTV đang tiến tới dự báo dựa trên tác động, bằng cách cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể hơn về các rủi ro tiềm ẩn mà thiên tai đó ảnh hưởng cho các lĩnh vực KT-XH hay cho chính người dân trên địa bàn dự báo sẽ có thiên tai ảnh hưởng. Từ đó, thúc đẩy các hành động ứng phó sớm, giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Để thực hiện được dự báo dựa trên tác động, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chia sẻ những thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai như: các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực hầm mỏ khai thác khoáng sản, các công trường xây dựng… cho các cơ quan dự báo KTTV, để góp phần hỗ trợ hoạt động dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả,…
Phóng viên: Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, công tác KTTV nói chung và dự báo nói riêng đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức, thưa ông?
PGS. TS. Mai Văn Khiêm: Như chúng ta đã biết, dự báo bất kỳ vấn đề gì cũng đều có những khó khăn, thách thức riêng. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành Khí tượng có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế. Tuy nhiên, các ảnh mây, ảnh radar và mô hình dự báo dù hiện đại đến đâu cũng vẫn có những hạn chế nhất định, càng dự báo xa (cả với dự báo thời tiết và khí hậu) sai số dự báo càng lớn. Thêm vào đó, cùng với sự phát triền của xã hội, nhu cầu về mức độ chi tiết cũng như tính chính xác của các bản tin dự báo ngày càng cao hơn nên cũng là những khó khăn, thách thức mà ngành KTTV đang phải đối diện.
Biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều tác động tiêu cực thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo. Tại Việt Nam, BĐKH đã và đang có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực phát triển KT-XH, các khu vực, vùng miền. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với công tác KTTV.
Hiện nay, vấn đề khai thác, quản lý nguồn nước sông Mê Công, khoảng trống số liệu KTTV ở Biển Đông, đặc biệt ở khu vực vùng biển và ven biển Tây Nam của đất nước đang đặt ra những thách thức ngày càng trở nên cấp thiết, cần có những giải pháp, chiến lược ứng phó ở quy mô cấp quốc gia, trong đó vai trò của công tác KTTV đã và đang có liên quan và chịu sự tác động trực tiếp. Chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam hiện nay đang đặt ra những vấn đề mới đối với công tác KTTV; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Big data, trí tuệ nhân tạo,… tương ứng với quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng lớn đã đặt ra yêu cầu mới đối với ngành KTTV.
Mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia nhìn chung vẫn còn thưa, đặc biệt trên biển, công nghệ quan trắc tự động chưa được trang bị nhiều, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo đòi hỏi ngày càng cao và chính xác. Chưa kịp thời khắc phục, sửa chữa, thay thế linh kiện khi hư gây khó khăn đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, liên tục và chính xác. Cơ sở vật chất và trang thiết bị quan trắc KTTV mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng tình hình thực tế; công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thiên tai xảy ra trong thời gian rất ngắn, phạm vi hẹp như mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế. Đây cũng là khó khăn chung của các cơ quan dự báo trên thế giới và cần được đầu tư nghiên cứu để cải tiến trong những năm tới.
Phóng viên: Để khắc phục những khó khăn trên, thực hiện tốt công tác dự báo KTTV, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần có giải pháp gì?
PGS. TS. Mai Văn Khiêm: Theo tôi, cần rất nhiều yếu tố, đầu tiên là nguồn nhân lực, cần có sự tập hợp của những người có năng lực, tâm huyết với nghề và luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng cũng như tính phục vụ của các bản tin dự báo. Cần có các chính sách thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao (về cả khả năng tư duy khoa học cũng như sự tâm huyết với nghề) để các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội. Cùng với nguồn nhân lực là cơ sở khoa học kỹ thuật; cần có sự đồng bộ về số liệu, nâng cao số điểm quan trắc để phục vụ công tác dự báo; cần có sự liên kết với các nước tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới để học hỏi và phát triển các mô hình dự báo thời tiết, khí hậu,… Đổi mới công tác truyền tin trên các nền tảng thông tin khác nhau và tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức về KTTV, thiên tai KTTV, trong đó có cả hiểu biết đúng về các bản tin dự báo, cảnh báo để sử dụng hiệu quả cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Cùng với việc phát triển hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV và dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV chuyên nghiệp hiệu quả, truyền tin kịp thời đến các cấp các ngành và cộng đồng, khai thác hiệu quả các nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện thể chế và hoạt động tác nghiệp. Ngành KTTV khuyến khích xã hội hóa, chú trọng phát triển dịch vụ trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV nhằm mang lại hiệu quả KT-XH thiết thực, tận dụng mọi nguồn lực, sản phẩm về quan trắc, dự báo. Kết hợp ứng dụng công nghệ AI để tạo ra những sản phẩm thân thiện phục vụ chỉ đạo điều hành, tiếp cận phục vụ cộng đồng; xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động dịch vụ KTTV, khai thác tối đa hiệu quả dịch vụ số liệu phục vụ cho việc tái đầu tư hệ thống kỹ thuật của ngành cũng như đầu tư nhân lực. Ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc chuyên dùng thu hút sự quan tâm đầu tư về hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho hoạt động quản lý vận hành mạng lưới KTTV quốc gia.
Với hàng loạt trận mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong năm 2024, tôi cho rằng, đối với công tác cảnh báo, dự báo thiên tai hiện nay, cảnh báo mưa lớn cục bộ và lũ quét, sạt lở đất vẫn là quan trọng nhất, do vậy trong thời gian tới, Tổng cục KTTV tiếp tục thay đổi, cải tiến hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo và truyền tin, nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, AI để đưa thông tin kịp thời và đổi mới hơn nữa đến người dân và doanh nghiệp. Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm công tác dự báo KTTV thực hiện tốt công tác chuyên môn, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Tại cuộc họp kiểm tra hệ thống phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ và các tập đoàn VNPT, VIETTEL rà soát, đánh giá lại thông tin dữ liệu, hệ thống quan trắc, hạ tầng mạng viễn thông công cộng phục vụ kết nối từ Trung tâm thông tin đến các bộ, cơ quan, địa phương và thực địa, đặc biệt trong điều kiện khí tượng thủy văn nguy hiểm. Đề xuất cấp có thẩm quyền phương án đầu tư bảo đảm thông tin, dữ liệu, hạ tầng kết nối đồng bộ, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu, xây dựng, phát triển phần mềm mô phỏng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo, hỗ trợ chỉ đạo, điều hành, ra quyết định. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, trên cơ sở điều kiện thực tế của bộ, cơ quan, địa phương, chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng nghiên cứu sử dụng các thiết bị bay không người lái sẵn có hoặc từng bước trang bị để phục vụ quan trắc, giám sát sạt lở, lũ quét, ngập lụt, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
PHƯƠNG ĐÔNG (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 21 (Kỳ 1 tháng 11) năm 2024