
Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
13/02/2025TN&MTThực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn xác định xây dựng chính sách pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Công tác tư pháp được triển khai đồng bộ, theo đúng kế hoạch
Mặc dù khối lượng công việc về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong năm 2024 của Bộ là rất lớn, yêu cầu về tiến độ rất cấp bách, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ, sự cố gắng, nỗ lực rất cao của các đơn vị được giao chủ trì và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cơ quan có liên quan, Bộ đã hoàn thành việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 5 văn bản quan trọng, gồm: Luật Đất đai năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 và 2 Nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực đất đai; Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành 9 nghị định và 1 quyết định. Bộ cũng trình ban hành, ban hành theo thẩm quyền 100% văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai năm 2024, Luật TNN năm 2023, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực.
Bộ đã chủ động, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách. Trong đó, đã ưu tiên nguồn lực cho công tác phổ biến những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, Luật TNN năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đến các ngành, các địa phương, chú trọng truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng Luật ĐC&KS; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tuyến góp phần đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm.
Các nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đều được Bộ chủ động tích cực triển khai và hoàn thành nhiệm vụ. Việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cũng thực hiện định kỳ, thường xuyên và giải quyết, xử lý dứt điểm các nội dung theo ý kiến của Bộ Tư pháp. Công tác hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển hệ thống QPPL về TN&MT được tiến hành định kỳ phục vụ đắc lực cho công tác rà soát, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL được thuận lợi. Công tác giám định tư pháp đã đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy trình, thủ tục và các chế độ báo cáo theo quy định.
Vụ Pháp chế đã thẩm định 38 dự thảo thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng do các đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì soạn thảo. Bên cạnh việc rà soát văn bản QPPL, Bộ TN&MT đã tích cực thực hiện báo cáo cập nhật tình hình xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL; của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL và Bộ Tư pháp.
Năm 2024, Bộ đã rất tích cực và nghiêm túc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác giám định trong lĩnh vực TN&MT. Bộ chỉ đạo sát sao, thường xuyên đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định khẩn trương hoàn thành các kết luận giám định phục vụ cho hoạt động tố tụng đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng và theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương bổ nhiệm, công bố giám định viên tư pháp và công bố tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực TN&MT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và cơ quan trưng cầu các địa phương để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời trong quá trình thực hiện giám định tư pháp.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 được ban hành, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan của Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố Luật. Bộ cũng sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành và chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai trên phạm vi toàn quốc.
Bộ đã tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nhiều địa phương trực tuyến đến cấp xã) ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật; chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến Luật cho gần 400 báo cáo viên các cấp.
Bộ hỗ trợ 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố (nhiều tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến đến cấp xã). Các địa phương đã chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai cho các tầng lớp nhân dân, động viên người dân và doanh nghiệp tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đất đai, mời báo cáo viên cấp trung ương phổ biến tại địa phương, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến thông qua hệ thống thông tin kết nối đến tận xã, phường, thị trấn, tổ dân phố,…
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, VCCI,… tổ chức phổ biến Luật Đất đai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kiều bào trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hội nghị phổ biến Luật TNN và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật tại TP. Hải Phòng thu hút gần 150 đại biểu tham dự. Tại TP. Cần Thơ gần 150 đại biểu; tại TP. Đà Lạt gần 400 đại biểu tham dự. Cục Quản lý TNN đã phối hợp với hơn 20 tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật TNN trên địa bàn các tỉnh, thành phố với tổng số đại biểu tham dự khoảng hơn 6.000 người.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 thông qua việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các sự kiện môi trường, các lớp tập huấn, hội nghị phổ biến pháp luật về BVMT trên phạm vi cả nước; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện hàng trăm chuyên mục, phóng sự, tin bài, tọa đàm,… về BVMT. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến về các chính sách sẽ có hiệu lực trong năm 2025 như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt,…
Công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật về TN, MT cũng được Bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các đơn vị đã tích cực thực hiện truyền thông chính sách trong quá trình hoàn thiện dự án Luật ĐC&KS, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Quản lý TNN. Các hình thức truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật về TN, MT được thực hiện đa dạng thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật. Bộ đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan theo đúng quy định về xây dựng văn bản QPPL. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với VCCI tổ chức các hội nghị, hội thảo góp ý trong quá trình xây dựng pháp luật TN, MT. Ngoài ra, hoạt động truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng pháp luật về TN, MT còn được lồng ghép với các nhiệm vụ, dự án, sự kiện về TN, MT. Những hoạt động truyền thông chính sách trên đã góp phần tích cực trong việc tiếp thu các phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận của các đối tượng chịu tác động trước khi pháp luật được ban hành.
Bên cạnh đó, Bộ có ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương năm 2023 và dự thảo Kế hoạch của Hội đồng năm 2024; ý kiến đối với tài liệu phục vụ Phiên họp của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2024; góp ý dự thảo Quyết định ban hành Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Bộ đã tổ chức công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động: Cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật trong phạm vi QLNN của Bộ liên quan đến doanh nghiệp. Cung cấp thông tin, tương tác với doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ với các chuyên trang, chuyên mục: “Chính sách, pháp luật TN, MT”, “Dịch vụ công trực tuyến”, “Công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, “Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân”, “Đường dây nóng”, “Tra cứu nhanh văn bản quy phạm pháp luật ngành TN, MT”, “Hệ thống hỗ trợ tiếp cận thông tin”, “Cơ sở dữ liệu quốc gia về TN, MT”… Hướng dẫn để doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về TN, MT thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Chú trọng cập nhật thường xuyên, cụ thể các thông tin mới liên quan đến công tác QLNN về TN, MT trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Báo, Tạp chí TN&MT cũng như tuyên truyền, cung cấp thông tin qua các kênh truyền hình, phát thanh nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên, môi trường
Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết Luật ĐC&KS, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực thi hành.
Xây dựng, sửa đổi văn bản QPPL thuộc phạm vi QLNN của Bộ liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Tiếp tục xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý của ngành đáp ứng yêu cầu của công tác QLNN và thực tiễn đòi hỏi.
Tổ chức tổng kết thi hành Luật TN, MT biển và hải đảo năm 2015, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật TN, MT biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học (sửa đổi) để trình cấp có thẩm quyền trong giai đoạn 2026 - 2030.
Hoàn thành công tác pháp điển, xây dựng đề mục đất đai, TNN, khoáng sản theo Luật Đất đai năm 2024, Luật TNN năm 2023, Luật ĐC&KS năm 2024.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật ĐC&KS và các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết sau khi được ban hành; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai, Luật TNN, Luật BVMT.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
QUANG MINH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025