
Xây dựng văn bản pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ hiện đại hóa Ngành
05/04/2024TN&MTKể từ khi thành lập Tổng cục Khí tượng Thủy văn (cơ quan trực thuộc Chính phủ) vào năm 1976, Ngành Khí tượng Thủy văn đã chú trọng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý các hoạt động của Ngành. Tuy nhiên, chỉ sau khi Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn được thông qua năm 1994, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Ngành mới được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động ngày càng phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nghe Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái giới thiệu về hệ thống rada thế hệ mới tại Triển lãm những thành tựu nỗi bật của ngành TN&MT, năm 2022
Xây dựng văn bản pháp luật và phát triển nguồn nhân lực
Ngày 23/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật KTTV. Luật KTTV đã tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho hoạt động KTTV phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin KTTV trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả. Đồng thời, Luật KTTV tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KTTV trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Cho đến nay, Ngành KTTV đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV và các bộ, ngành đã ban hành 165 văn bản quy phạm pháp luật và 25 văn bản có các nội dung liên quan đến quy phạm pháp luật về lĩnh vực KTTV, bao gồm: 01 Luật, 01 Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 15 Nghị định của Chính phủ; 21 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 03 Quyết định và 50 Thông tư của Bộ trưởng TN&MT; 48 Quyết định, 18 Thông tư, 02 Chỉ thị và 25 văn bản hướng dẫn có chứa đựng một phần các nội dung quy phạm pháp luật của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (cơ quan trực thuộc Chính phủ); 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ KHCN; 01 Thông tư của Bộ Tài chính, 01 Thông tư của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, 02 Thông tư liên tịch. Các văn bản pháp luật về KTTV đang từng bước thể hiện được vai trò pháp lý, phạm vi điều chỉnh và tính khả thi của mình trong các hoạt động phát triển KT-XH.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2023, hệ thống văn bản pháp luật về KTTV đã được chú ý xây dựng điều chỉnh đến tất cả các lĩnh vực như điều tra cơ bản, dự báo phục vụ cộng đồng, thông tin lưu trữ tư liệu, giám sát BĐKH, hợp tác quốc tế,... với tổng số 66 văn bản quy phạm pháp luật về KTTV được các cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó có: 01 Luật, 04 Nghị định, 10 Quyết định của Chính phủ và 50 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi để Ngành tăng cường quản lý nhà nước về KTTV cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ KTTV. Đặc biệt, với việc lần đầu tiên Ngành có Luật KTTV đã tạo điều kiện pháp lý để ngành có đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành KTTV là cơ sở, tiền đề, định hướng quan trọng trong kế hoạch phát triển, hiện đại hóa Ngành KTTV trong những năm tới.
Về phát triển nhân lực KTTV, từ khi mới thành lập, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành KTTV ban đầu chỉ có vài kỹ sư, vài chục kỹ thuật viên trung, sơ cấp. Đến nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Bộ TN&MT, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành đã được đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị quản lý, tác nghiệp, nghiên cứu, giảng dạy thuộc Ngành như sau: Tổng cục KTTV hiện có 2723 người, trong đó có: 24 Tiến sĩ (có 01 Giáo sư, 03 Phó giáo sư), 352 Thạc sĩ, 1266 Đại học, 1081 từ Cao đẳng trở xuống. Viện Khoa học KTTV và BĐKH hiện có 182 người, trong đó có: 38 Tiến sĩ (có 01 Giáo sư, 06 Phó Giáo sư); 77 Thạc sĩ; còn lại là Đại học và cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Trường Đại học TN&MT Hà Nội hiện có 747 người với 540 giảng viên, trong đó, số lượng Tiến sĩ là 118 người (có 01 Giáo sư và 13 Phó Giáo sư). Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh hiện có 360 người với 252 giảng viên, số lượng Tiến sĩ là 64 người (có 02 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư).
Phát triển công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Trong vài thập niên trở lại đây, công tác nghiên cứu khoa học của Ngành KTTV luôn phát triển mạnh mẽ, với tổng số hơn 500 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Ngành đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực của Ngành và đời sống xã hội. Trong giai đoạn 2010 - 2023, công tác nghiên cứu KHCN của Ngành KTTV tập trung theo các chương trình KHCN cấp quốc gia với trên 170 đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước được triển khai nghiên cứu, đưa vào ứng dụng, đặc biệt trong năm 2021 đã phối hợp với các đơn vị trình và Bộ phê duyệt “Chương trình KHCN trọng điểm cấp bộ về dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025”; các kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc KTTV, giám sát BĐKH.
Trong hợp tác quốc tế, Tổng cục chủ động thực hiện và tăng cường vai trò nước thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), tham gia đầy đủ và hiệu quả các hoạt động của tổ chức WMO, đặc biệt thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA-II); Đảm nhiệm vị trí Quyền chủ tịch RA-II và Ủy viên Hội đồng điều hành WMO từ tháng 6-10/2023. Triển khai hiệu quả nhiệm vụ Đại diện thường trực Việt Nam tại WMO, thực hiện vai trò, cam kết của nước thành viên tham gia WMO. Triển khai đầy đủ nhiệm vụ Trung tâm Khu vực về thời tiết nguy hiểm và Cảnh báo lũ quét Đông Nam Á. Các hoạt động trong Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG) của Việt Nam được đẩy mạnh, hiệu quả thông qua việc xây dựng các bản tin cho tạp chí khí hậu của Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN; chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu của Ngành KTTV tại các khóa đào tạo, khóa họp thường niên lần thứ 44 của Tiểu ban Khí tượng Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG-44); diễn đàn nhận định khí hậu mùa ASEAN lần thứ 20, 21; cuộc họp cấp cao ASCMG- Hàn Quốc. Triển khai hiệu quả hợp tác với UNDP thông qua vận động dự án về chuyển đổi năng lượng tái tạo; hợp tác chia sẻ, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai với Trung tâm Khí hậu APEC (APCC), Tổ chức hệ thống cảnh báo sớm (RIMES), Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á (ADPC), Ủy ban Hải dương học (IOC).
Năm 2023, Tổng cục triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các Bản ghi nhớ hợp tác và Thỏa thuận hợp tác song phương với Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Trung Quốc, Vương quốc Anh. Tham mưu Bộ TN&MT ký kết MoU về trao đổi số liệu thủy văn mùa lũ giữa Bộ TNMT Việt Nam với Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc; phối hợp với Cơ quan Khí tượng Na Uy ký kết MoU hợp tác về nâng cao năng lực dịch vụ dự báo thời tiết và khí hậu; xây dựng kế hoạch hợp tác về quan trắc và dự báo khí tượng hải văn với Viện Hải dương học Scripps, Viện nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ; triển khai các hoạt động hợp tác khác với Na Uy, Newzeland, Úc, Campuchia, Thái Lan, Vương quốc Bỉ. Triển khai hiệu quả các dự án quốc tế đã được phê duyệt và thực hiện vận động, đề xuất các dự án sử dụng nguồn vốn ODA từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan và vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTV, PGS. TS. Đặng Thanh Mai Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về KTTV. Dần dần hoàn thiện các quy định về công tác thanh tra chuyên ngành KTTV theo quy định. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác KTTV, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác KTTV, gắn với đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức liên quan, nhất là người đứng đầu. Có lộ trình, phương án phù hợp để đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KTTV và phân cấp cho các Đài KTTV tỉnh.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác KTTV theo vị trí việc làm bảo đảm chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; có hình thức phù hợp để phổ biến kiến thức cơ bản về KTTV cho học sinh phổ thông và học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quốc phòng và an ninh. Nghiên cứu đề xuất chế độ, chính sách thỏa đáng cho lực lượng làm công tác KTTV trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp tục ưu tiên triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác KTTV phục vụ phát triển bền vững; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các hoạt động quan trắc, thông tin, dự báo, cảnh báo KTTV; triển khai các đề án, dự án, các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về KTTV.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV, đặc biệt với các quốc gia phát triển, các quốc gia ở thượng nguồn các con sông xuyên biên giới; ưu tiên các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phục vụ quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu KTTV trên biển Đông. Tăng cường trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, kinh nghiệm với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực, trình độ, vị thế cho ngành KTTV Việt Nam, với vai trò là trung tâm dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới.
Triển khai xây dựng kế hoạch cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia vào các cơ quan, diễn đàn điều hành của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác về KTTV; ưu tiên thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phục vụ quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu KTTV trên Biển Đông và xuyên biên giới.
MAI HOÀNG
Tổng cục Khí tượng Thủy văn
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024