
Cần có các quy định mở trong nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp
23/06/2023TN&MTChiều 21/6, góp ý vào một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có các quy định mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Để hoàn thiện hơn dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng tham gia đóng góp một vài ý kiến. Cụ thể:
Tại khoản 5 Điều 46 dự thảo luật về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã quy định theo hướng mở rộng hơn so với Luật Đất đai hiện hành về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Việc mở rộng đối tượng như trong dự thảo là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có những quy định mang tính mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và cân nhắc về quyết định điều kiện đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.
Theo đại biểu, khoản 5 Điều 46 dự thảo luật chỉ cần quy định "Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải sử dụng đất đúng mục đích, phát huy hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan" là bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ. Còn việc đầu tư sản xuất, nhận chuyển nhượng như thế nào là việc của tổ chức và cá nhân. Hơn nữa, hoạt động đầu tư sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đều dưới sự quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp có thẩm quyền. Nếu việc sử dụng đất nông nghiệp không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đã có các cơ chế của pháp luật để xử lý theo quy định.
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 90, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần ghi rõ trong luật nguyên tắc "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người dân có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", đây là nguyên tắc được quy định rõ trong Nghị quyết 18 của Trung ương và cần thể chế hóa trong Luật Đất đai (sửa đổi). Mặc dù các quy định trong dự thảo luật đã thể hiện cụ thể hóa nguyên tắc này, cần quy định rõ trong luật để bảo đảm triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy tắc này trong thực tiễn.
Về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Tại điểm d khoản 4 Điều 124 từ thảo luật quy định: "Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm nhưng phải di dời ra khỏi vị trí cũ", đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê để bảo đảm công bằng, bình đẳng cho cả 2 hình thức thuê đất thu tiền hàng năm và thu tiền một lần cho cả thời gian thuê. Như vậy, điểm d khoản 4 Điều 124 sửa lại như sau: "Cho thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với người được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê nhưng phải di dời ra khỏi vị trí cũ".
Về đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng. Tại khoản 3 Điều 118 của dự thảo quy định: "Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đa mục đích theo quy định tại Điều 216 của luật này được sử dụng một diện tích đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp". Để đảm bảo tính khả thi của quy định này và tránh xảy ra việc áp dụng luật không thống nhất, đồng bộ, đề nghị cơ quan chủ trì soạn nghiên cứu quy định cụ thể một diện tích đất là bao nhiêu, làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện và làm rõ quy định xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì tiêu chí, quy mô của công trình xây dựng đó như thế nào, là công trình tạm hay kiên cố, từ đó để thống nhất trong triển khai thực hiện khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực.
Tú Quyên