
Cần 'nâng cấp' hợp tác xã để đáp ứng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
17/02/2025TN&MTQuá trình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cho thấy, việc ứng dụng phần mềm trong quản lý, vận hành máy móc hiện đại vào sản xuất lúa rất cần thiết, nhằm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả trồng lúa. Tuy nhiên, năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của các hợp tác xã, nông dân còn hạn chế, cần phải được "nâng cấp" mới đáp ứng yêu cầu.
Những đánh giá trên được nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng đưa ra và khuyến nghị tại Hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Cần Thơ ngày 14/2.
Cơ giới hóa trong trồng và thu hoạch lúa đã phổ biến tại vùng ĐBSCL.
Hiệu quả từ công nghệ mới
Nói về ứng dụng công nghệ mới trong trồng lúa, ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ - cho hay, hiện địa phương có 30% diện tích lúa đã sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để gieo sạ, bón phân, phun thuốc… Dự kiến, tới cuối năm nay công nghệ này sẽ được áp dụng cho 50% diện tích lúa của thành phố. Cùng với đó, việc sử dụng thiết bị cảm ứng mực nước khá hiệu quả, khi giảm được công lao động và giúp đo đếm để tính ra lượng phát thải khí nhà kính.
Việc số hóa thông tin vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, ông Nhơn cho hay, phần mềm Nhật ký sản xuất (FaceFarm) và phần mềm kế toán hợp tác xã (WACA) giúp hợp tác xã (HTX) và nông dân ghi chép nhật ký sản xuất dễ dàng, tiết kiệm thời gian. Qua phần mềm, nông dân theo dõi được quá trình sản xuất của các thành viên, công tác tài chính, nhân sự, hoạt động của HTX, tăng minh bạch, tạo niềm tin, uy tín cho sản phẩm.
Trong quá trình chuyển đổi sản xuất lúa kể trên, lãnh đạo ngành nông nghiệp của Cần Thơ cũng chỉ ra không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó, chi phí đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại của nông dân, HTX còn hạn chế, tâm lý nông dân còn ngại thay đổi; có công nghệ mới nông dân, các HTX khó áp dụng...
Từ đó, ông Nhơn đề xuất, nông dân, các HTX cần tiếp tục được hỗ trợ theo hướng cầm tay chỉ việc, tập huấn cho lực lượng khuyến nông cộng đồng. “Công nghệ rất hấp dẫn, tuy nhiên với khả năng tài chính, vận dụng của nông dân vẫn còn quá xa. Cần có đơn vị trung gian đủ lớn để làm cầu nối hỗ trợ, đưa công nghệ nhanh nhất tới người dân”, ông Nhơn đề xuất.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CK.
Cấp thiết nâng cao năng lực số cho HTX
Thời gian qua, quá trình triển khai thí điểm mô hình trồng lúa mới theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng được song song thực hiện. Dự án đã cung cấp các lớp đào tạo sử dụng phần mềm kế toán, nhật ký sản xuất cho HTX, phát triển các mô hình HTX điển hình; hướng dẫn HTX, nông dân giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất...
Báo cáo kết quả Dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp của Công ty Sorimachi Việt Nam cũng chỉ ra một số hạn chế từ phía nông dân, hợp tác xã. Hiện, các địa phương chưa có ngân sách cho việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số của các HTX; đa phần HTX quản lý tài chính chưa tốt, yếu hoặc không có nhân sự chuyên về kế toán; ít doanh nghiệp hỗ trợ HTX nâng cao năng lực quản lý tài chính, chuyển đổi số…
Từ thực tế Dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp, đơn vị hỗ trợ dự án kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét ứng dụng các phần mềm vào quản lý Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đảm bảo đồng bộ từ trung ương đến địa phương, HTX, nông dân. Xây dựng công cụ quản lý vùng trồng, quy trình sản xuất lúa. Các địa phương cũng được khuyến nghị tăng cường hỗ trợ năng lực quản trị, quản lý cho HTX thông qua đào tạo sử dụng các phần mềm...
Trao giải thưởng HTX tiên phong ứng dụng phần mềm chuyển đổi số. Ảnh: CK.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để giảm chi phí, tối ưu thời gian, tăng giá trị, thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho bà con rất cần thiết với các HTX tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đề án cũng khuyến khích bà con tăng cường làm dịch vụ nông nghiệp, chuyển lao động chân tay sang ứng dụng công nghệ.
Ông Nam dẫn ra, dự kiến năm 2030 cả nước có khoảng 2 triệu nông dân, hơn 1.200 HTX, 210 DN kinh doanh lúa gạo tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Điều này cho thấy nhu cầu và dư địa rất lớn về đầu tư công nghệ. Bộ kêu gọi và mong muốn các tập đoàn, DN trong và ngoài nước có kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong đó, ông Nam cho rằng, cần tập trung vào công nghệ số, công nghệ thông minh; công nghệ xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tưới tiêu, quản lý dịch hại tổng hợp; công nghệ thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
"Vừa qua Bộ đã làm việc với các bộ ngành trung ương, ngân hàng, thống nhất với Ngân hàng Nhà nước xây dựng các tiêu chí để hỗ trợ về tín dụng cho HTX tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Bộ đang phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT triển khai tại các tỉnh tham gia hỗ trợ", ông Nam nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam. Ảnh: CK
Ông Lê Thanh Tùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - nhắc lại mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nhằm giữ vững vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Ông Tùng dẫn kết quả các mô hình trồng lúa thí điểm tại 5 tỉnh, thành trong vùng cho thấy, so với lúa canh tác truyền thống, mô hình trồng lúa mới đã giảm 50% lượng giống, 30% phân bón đạm, 30% thuốc bảo vệ thực vật; giảm đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch từ 5% trở lên; giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ; năng suất tăng trung bình từ 0,3 - 1 tấn lúa/ha (tùy giống); lợi nhuận nông dân cao hơn cách làm cũ từ 5 triệu đồng trở lên/ha/vụ…
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực hiện ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Đề án 1 triệu ha lúa yêu cầu áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa đã được Cục Trồng trọt ban hành; 100% diện tích có liên kết giữa DN với HTX; đánh giá và thẩm định kết quả giảm phát thải.