
Ngô Quyền (Hà Đông): Đường thành bãi lầy sau mưa, dân khốn khổ vì bụi bẩn và ô nhiễm
26/06/2025TN&MTĐường Ngô Quyền (quận Hà Đông, Hà Nội), đoạn từ đầu cầu La Khê đến Chùa Ngòi, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng với hàng loạt ổ voi, ổ trâu và bùn đất nhầy nhụa sau mỗi trận mưa. Tuyến đường dài chưa đầy 1km này đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với người dân địa phương và người tham gia giao thông trong suốt thời gian qua. Đi lại khó khăn, tai nạn rình rập, môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề, tất cả đang khiến dư luận bức xúc, mong chờ sự vào cuộc khẩn cấp từ các cấp chính quyền.
Tuyến huyết mạch biến thành “ao tù”
Tuyến đường Ngô Quyền, đoạn từ đầu cầu La Khê xuôi về Chùa Ngòi, thuộc địa bàn phường La Khê, quận Hà Đông vốn là một tuyến huyết mạch kết nối các khu dân cư đông đúc, trường học, chợ dân sinh và nhiều trục giao thông quan trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt sau các đợt mưa lớn, đoạn đường chỉ dài khoảng hơn 900m này đã biến thành một “ao tù” thực sự.
Mặt đường xuất hiện dày đặc các ổ voi, ổ trâu sâu từ 5 đến 15cm, nhiều đoạn bị sụt lún, bong tróc tạo thành những “bẫy ngầm” cực kỳ nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Mỗi trận mưa trôi xuống là kéo theo đất đá, cát bụi lấp kín mặt đường, tạo nên lớp bùn nhão nhoe nhoét, trơn trượt kéo dài.
Đoạn từ đầu cầu La Khê đến Chùa Ngòi, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng với hàng loạt ổ voi, ổ trâu và bùn đất nhầy nhụa sau mỗi trận mưa
“Cứ mưa là ngập, đi qua phải xắn quần, lội bùn. Xe máy thì trượt, trẻ con té ngã, còn ô tô thì chỉ mong đừng ‘sập ổ voi’. Chúng tôi không thể chịu đựng thêm nữa”. Một người dân sống ven tuyến đường bức xúc chia sẻ.
Giao thông “hành xác”, nguy cơ tai nạn luôn rình rập
Người tham gia giao thông trên tuyến đường này gần như phải,… đánh cược với chính mình. Xe máy và xe đạp liên tục phải đánh lái để tránh ổ gà hoặc liều mình lao vào vùng bùn lầy để “vượt qua nhanh”, trong khi nguy cơ ngã trượt luôn hiện hữu.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (phường La Khê) phản ánh: “Tôi đi xe máy chở con đi học, có hôm vừa đến đoạn ngập là xe tắt máy. Trẻ nhỏ thì ướt nhẹp, bẩn thỉu. Còn tôi thì lo mỗi khi đi về đêm, đoạn này không có đèn, lại trơn như mỡ, chỉ mong về được nhà bình an.”
Người tham gia giao thông trên tuyến đường Ngô Quyền (Hà Đông) gần như phải "đánh đu" qua từng ổ voi, ổ trâu và vũng bùn lầy sau mưa, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao
Không khá hơn, các tài xế ô tô thường xuyên than phiền về việc xe bị hỏng giảm xóc, gãy lốp, vỡ chắn bùn vì “dập ổ trâu”. Nhiều người phải bỏ tuyến này, đi đường vòng xa hơn chỉ để tránh va quệt hoặc mất tiền sửa xe.
Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Không dừng lại ở giao thông, tình trạng đường xuống cấp kéo dài còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống hai bên đường: Bụi mù trời khi nắng, bùn lầy lội khi mưa, khiến nhà cửa không lúc nào sạch sẽ; người già, trẻ em, học sinh phải đi lại cực kỳ khó khăn, nguy cơ trượt ngã, té ngã là thường trực; các hộ kinh doanh, cửa hàng, quán ăn ven đường lâm cảnh ế ẩm, vì khách ngại dừng xe giữa đường lầy lội; xe ôm công nghệ, shipper né tuyến khiến việc vận chuyển hàng hóa, gọi xe trở nên bất tiện.
Một chủ quán tạp hóa cho biết: “Khách không dám ghé, ai cũng đi nhanh để thoát khỏi đoạn đường khủng khiếp này. Buôn bán mấy tháng nay giảm sút trông thấy.”
Nhiều phương tiện phải lách qua ổ trâu, ổ gà giữa đường, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người đi đường
Dân kêu mãi chưa thấy chuyển biến
Theo phản ánh của người dân, tình trạng xuống cấp này đã kéo dài hơn một năm, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Một số đợt vá đường diễn ra với tính chất tạm thời, “chắp vá”, sau vài trận mưa lớn là mọi thứ đâu lại vào đó.
“Chúng tôi không đòi hỏi đường phải như đại lộ. Chỉ mong được đi lại an toàn, không trơn trượt, không sập hố. Trẻ em, người già không thể cứ mãi đánh vật với ổ gà và bùn lầy như thế này”. Một cụ bà sống gần Chùa Ngòi bày tỏ.
Hơn cả một con đường là nhu cầu sống an toàn
Trong bối cảnh Hà Đông đang phát triển nhanh chóng, với nhiều dự án đô thị hiện đại mọc lên mỗi ngày, thì tuyến đường Ngô Quyền cách trung tâm quận chỉ vài bước chân lại đang trở thành một “điểm đen” về hạ tầng và hình ảnh đô thị. Mỗi khi mưa xuống, mặt đường lầy lội, đọng nước như bãi bùn; trời nắng lại bụi mù mịt, khiến người dân khốn khổ vì ô nhiễm và đi lại nguy hiểm. Thực trạng này đối lập hoàn toàn với bộ mặt hiện đại mà khu vực xung quanh đang hướng tới.
Một đoạn đường đang trở thành “điểm đen” về hạ tầng đô thị, sau cơn mưa, con đường biến thành bãi lầy lội, nước đọng và bùn đất khiến việc đi lại vô cùng khó khăn
Vấn đề ở đây không còn là những “ổ gà, vết lún” đơn lẻ, mà là câu chuyện về an toàn giao thông, chất lượng sống và quyền lợi chính đáng của người dân. Một tuyến đường giao thông cơ bản, đảm bảo tối thiểu về mặt hạ tầng, không thể là điều quá xa vời giữa lòng đô thị loại I.
Mong chính quyền sớm vào cuộc xử lý triệt để
Người dân khu vực tha thiết đề nghị các cấp chính quyền, đơn vị quản lý, đặc biệt là UBND phường La Khê và UBND quận Hà Đông khẩn trương khảo sát hiện trạng, lập phương án sửa chữa toàn diện, ưu tiên chống ngập, san lấp ổ trâu, ổ voi. Nâng cấp hệ thống thoát nước, cải tạo mặt đường với chất liệu bền vững hơn, chịu được mưa lũ và lưu lượng xe tải. Lắp đèn chiếu sáng và biển cảnh báo an toàn giao thông, nhất là vào ban đêm. Có kế hoạch duy tu định kỳ, tránh tình trạng sửa xong rồi lại hỏng, gây lãng phí ngân sách và mất lòng tin.
Người dân chật vật đi qua đoạn đường lầy lội, chi chít ổ voi, ổ trâu trên tuyến Ngô Quyền (Hà Đông) sau mưa lớn
Tuyến đường Ngô Quyền đoạn đầu cầu La Khê đến Chùa Ngòi không chỉ là con đường giao thông mà còn là “mạch sống” của hàng trăm hộ dân khu vực phường La Khê. Cải tạo và nâng cấp tuyến đường này đó là trách nhiệm, là hành động thể hiện sự quan tâm của chính quyền tới chất lượng sống của người dân.
Đã đến lúc không thể chậm trễ thêm. Hơn 900 mét đường tưởng nhỏ nhưng đang chất chứa biết bao nỗi khổ sở, lo lắng và mong mỏi chính đáng của người dân từng ngày, từng giờ. Để sớm trả lại cho tuyến đường Ngô Quyền diện mạo xứng đáng với hình ảnh đúng với vai trò kết nối dân sinh và phát triển đô thị khu vực, thay vì để nơi đây tiếp tục là “điểm khổ đau” mỗi khi trời mưa.
Sỹ Tùng