
Chú trọng đầu tư công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản
17/03/2025TN&MTNăm 2024, cán bộ viên chức Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã khắc phục khó khăn, tích cực thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch năm. Để đạt được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của tập thể Ban Lãnh đạo, cán bộ viên chức của Viện, còn có sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Lãnh đạo và chuyên viên chuyên quản các Vụ chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Cục Địa chất và Cục Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các Cục quản lý nhà nước, các Viện trực thuộc Bộ.
Thành tựu đạt được
Trong năm 2024, Viện đã đôn đốc 06 đề tài KHCN cấp Bộ (04 đề tài chuyển tiếp và 02 đề tài mở mới) triển khai thực hiện thi công theo đúng tiến độ kế hoạch: công tác văn phòng và thực địa theo kinh phí được cấp và dự toán được phê duyệt đảm bảo tuân thủ các qui trình, quy phạm hiện hành. 03/04 đề tài KHCN cấp Bộ kết thúc năm 2024 đã nghiệm thu cấp cơ sở và trình hồ sơ nghiệm thu cấp Bộ TN&MT. Để chuẩn bị cho kế hoạch năm 2025, Hội đồng tư vấn, xác định định hướng danh mục theo chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, nhiệm vụ KHCN, nhiệm vụ chuyên môn đã họp và thẩm định danh mục các nhiệm vụ đề xuất. Viện đã trình Bộ TN&MT báo cáo tổng hợp đề xuất các nhiệm vụ năm 2025 bao gồm: 08 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, 09 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 05 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Viện đã tham gia tuyển chọn 02 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ mở mới 2025 về lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đã trúng tuyển chọn 02 nhiệm vụ và đang trong quá trình hoàn thiện thuyết minh và dự toán nhiệm vụ.
Viện đã hoàn thành công tác khảo sát thực địa, hiện đang tiến hành công tác văn phòng lựa chọn mẫu gửi gia công và phân tích; đánh giá, xử lý và tổng hợp các kết quả phân tích,... nhằm xác định chi tiết các đặc điểm đặc trưng về cấu trúc, thành phần, đặc điểm phân bố và quy mô khoáng sản Pb-Zn trong khu vực tây Nam Bản Kẹp - Thâm Thiu, Bắc Mê, Hà Giang phục vụ dự báo triển vọng khoáng sản ẩn sâu đối với đề án án “Lập bản đồ sinh khoáng và dự báo khoáng sản ẩn sâu khu vực Đông Bắc Bắc Bộ tỷ lệ 1:250.000”. Hiện Dự án hoàn thành sản phẩm bước năm 2024 đã được nghiệm thu cấp cơ sở, đang hoàn thiện sửa chữa trình nghiệm thu cấp quản lý theo quy định. Đối với đề án: “Điều tra, đánh giá đặc điểm karst ngầm nhằm phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển dân cư vùng Đông Bắc Việt Nam”, hoàn thành công tác điều tra hiện trạng tai biến địa chất liên quan đến karst ngầm tỷ lệ 1:50.000 cho 10 xã khu vực huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng bao gồm: An Sơn, Lại Xuân, Kỳ Sơn, Liên Khê, Lưu Kiếm, Gia Minh, Minh Tân, Gia Đức, Ngũ Lão và thị trấn Minh Đức; hoàn thành công tác điều tra đánh giá đặc điểm karst ngầm và tai biến địa chất liên quan đến karst ngầm (sập sụt) để phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển dân cư khu vực xã Hồng Thái Đông, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tỷ lệ 1:10.000 và thành lập Sơ đồ hiện trạng và dự báo nguy cơ sập sụt karst ngầm khu vực Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng tỷ lệ 1:50.000 (cho 10 xã nghiên cứu). Hiện Dự án hoàn thành sản phẩm bước năm 2024 đã được nghiệm thu cấp cơ sở, đang hoàn thiện sửa chữa trình nghiệm thu cấp quản lý theo quy định.
Viện đã làm việc với các Vụ chức năng và các đơn vị liên quan về việc Bàn giao tài liệu, sản phẩm để đề nghị Phê duyệt nội dung kết quả và quyết toán nhiệm vụ chuyên môn hoàn thành của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”; rà soát lại thuyết minh để trình Bộ TN&MT phê duyệt và cấp ngân sách năm 2025 đối với đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”; hoàn thành nghiệm thu các cấp và bàn giao sản phẩm cho Cục Địa chất Việt Nam quản lý và sử dụng đề án “Điều tra, đánh giá địa nhiệt và các nguồn nước khoáng nóng vùng Tây Bắc” (thuộc Đề án Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững KT-XH. Đề án “Điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất (đặc biệt chú trọng đến di sản địa chất và công viên địa chất) vùng biển đảo Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh quốc phòng” đang rà soát lại thuyết minh để trình Bộ TN&MT phê duyệt và cấp ngân sách vào năm 2025. Đề án “Điều tra khảo sát, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp chống sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã trình Bộ TN&MT xin phê duyệt thuyết minh năm 2020 và đang được Cục Biến đổi khí hậu thẩm định.
Viện cũng phối hợp với các đơn vị thuộc Cục Địa chất Việt Nam xây dựng nội dung thuyết minh đề cương Nhiệm vụ: “Thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu địa vật lý, viễn thám để lựa chọn diện tích có triển vọng đất hiếm phục vụ công tác điều tra, đánh giá tỷ lệ 1:25.000” và Thuyết minh nhiệm vụ: “Đặc điểm địa mạo, tân kiến tạo để khoanh vùng triển vọng cát lòng sông cổ khu vực sông Tiền, sông Hậu và tai biến địa chất”; phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục KTTV xây dựng nội dung Thuyết minh đề cương Nhiệm vụ: “Điều tra, xây dựng và cập nhật bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỉ lệ 1:25.000”. Thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu địa vật lý, viễn thám để lựa chọn diện tích có triển vọng đất hiếm phục vụ công tác điều tra, đánh giá tỷ lệ 1:25.000 và thuyết minh nhiệm vụ: “Đặc điểm địa mạo, tân kiến tạo để khoanh vùng triển vọng cát lòng sông cổ khu vực sông Tiền, sông Hậu và tai biến địa chất”.
Đẩy mạnh các nhiệm vụ khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế
Thời gian tới, Viện Khoa học ĐC&KS tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án hợp tác quốc tế, nhiệm vụ chuyên môn chuyển giao từ năm 2024. Tập trung nhân lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ bước 2025, các nhiệm vụ thuộc kinh phí thường xuyên giao tự chủ năm 2025. Cụ thể, đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ, triển khai 02 đề tài KHCN cấp Bộ chuyển tiếp năm 2024; 02 nhiệm vụ mở mới cấp Bộ và 02 đề tài cấp cơ sở năm 2025; thực hiện Kinh phí thực hiện nhiệm vụ kinh phí thường xuyên giao tự chủ năm 2025: tăng cường năng lực nghiên cứu chuyên môn theo vị trí việc làm của các đơn vị; triển khai các nhiệm vụ chuyển tiếp và mở mới 2025: 02 đề án nhiệm vụ chuyên môn và 01 đề án (dự kiến) nhiệm vụ chuyên môn phối hợp năm 2025 (01 Đề án Chính phủ phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam). Bên cạnh đó, Viện phối hợp chặt chẽ với Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ, xây dựng, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường năng lực nghiên cứu. Hợp tác nghiên cứu với các địa phương, phục vụ các chương trình trọng điểm của Nhà nước, nghiên cứu khoa học và triển khai khoa học công nghệ về địa chất và khoáng sản, cung cấp nguyên liệu khoáng phục vụ các doanh nghiệp trong nước. Tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức, trường đại học nước ngoài trong các lĩnh vực nghiên cứu đang triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng khoa học, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đào tạo cán bộ khoa học.
Đối với công tác hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai các dự án hợp tác quốc tế và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các đề tài, đề án; tổ chức các đoàn ra, đoàn vào, hội thảo, hội nghị quốc tế theo kế hoạch xây dựng; tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức, trường đại học nước ngoài trong các lĩnh vực nghiên cứu đang triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng khoa học, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đào tạo cán bộ khoa học; phối hợp với các đối tác nước ngoài tìm kiếm nguồn vốn, xây dựng dự án hợp tác mới, đặc biệt là các hướng nghiên cứu tiên tiến và công nghệ địa chất - khoáng sản phù hợp để áp dụng ở Việt Nam theo định hướng quốc gia về phát triển bền vững và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 năm 2025