
Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ về phân loại đất
24/06/2023TN&MTTrong Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phiên thảo luận đã thu hút được đông đảo ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề như: Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các phương pháp xác định giá đất; việc thu hồi đất tại các khu kinh tế… trong đó vấn đề phân loại đất được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận sôi nổi và đề nghị làm rõ.
Đại biểu Trịnh Minh BÌnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Theo đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long), tại Điều 10 dự thảo luật quy định về phân loại đất thành 3 nhóm đất căn cứ vào mục đích sử dụng. Tuy nhiên, không xác định được chính xác đất nông thôn hay đất đô thị và đất xây dựng đô thị, đất xây dựng nông thôn không được quy định là một loại đất cụ thể, không thuộc hệ thống số liệu thống kê, kiểm kê đất đai. Điều này dẫn đến công tác thống kê hằng năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần chỉnh sửa Điều 10 theo hướng bổ sung loại đất xây dựng đô thị, đất xây dựng nông thôn trong nhóm đất phi nông nghiệp để tương thích với pháp luật về xây dựng và pháp luật quy hoạch đô thị.
Tương tự như đại biểu Trịnh Minh Bình, đại biểu Bế Minh Đức (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho rằng, Luật Đất đai năm 2003 phân loại nhóm đất nông nghiệp gồm 8 loại, song không có mục riêng về đất chăn nuôi mà chỉ có đất xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm và vật nuôi khác. Do đó, theo đại biểu, việc bổ sung đích chăn nuôi tập trung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Trong hoạt động chăn nuôi, đất không chỉ cần dành cho xây dựng chuồng trại mà còn để xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến và các công trình phụ trợ khác. Nếu không được luật hóa đối với loại đất này thì vô hình trung đã coi nhẹ đất dành cho chăn nuôi trong quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, dẫn đến giảm vai trò của một ngành kinh tế hết sức quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.
Để phù hợp hơn, đại biểu đề nghị tại điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không ghi là “đất chăn nuôi tập trung” mà chỉ cần ghi “đất chăn nuôi", bỏ cụm từ "tập trung", vì trong thực tế còn có đất chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Do đó, quy định chung là “đất chăn nuôi” sẽ có nội hàm bao quát hơn, phù hợp với thực tế hơn.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐHQH tỉnh Thái Nguyên
Đóng góp ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nông nghiệp và đất lúa. Theo đại biểu cần có sự phân loại phù hợp với thực tiễn. Đất lâm nghiệp hiện có 16 triệu hecta, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên cả nước, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị không nên gộp đất lâm nghiệp vào đất nông nghiệp vì bản chất của hai loại đất là khác nhau và đề nghị giữ nguyên như quy định của luật năm 2013 trước đây.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị tách đất lúa và đất trồng cây hàng năm thành 2 mục riêng, vì tính chất quan trọng của đất trồng lúa trong vấn đề an ninh lương thực quốc gia và có sự khác biệt giữa cây trồng hàng năm là cây màu sinh thái cạn và cây lúa sinh thái nước.
Về nhóm đất phi nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến, đất phi nông nghiệp không chỉ là đất ở, mà còn là đất dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng không gian nông thôn. Tương tự với đô thị, không chỉ là đất ở đô thị mà đất quy hoạch không gian xây dựng đô thị, đất ở chỉ là một phần trong đó. Đất đô thị và đất nông thôn gắn liền với đất hạ tầng và đất dân cư. Do vậy, cần bổ sung khái niệm về phân loại đất và phân loại đất đô thị, đất nông thôn để phù hợp với tính chất quản lý hành chính hiện nay.
Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Cũng đóng góp ý kiến về Điều 10 dự thảo luật, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) góp ý liệt kê các nhóm đất tại khoản 4 quy định giao Bộ TN&MT quy định chi tiết loại đất tại điều này. Tuy nhiên, việc này có thể không bao quát, vì trong tương lai phát sinh các loại đất mới sẽ không đảm bảo tính ổn định, lâu dài của luật, do đó đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu giao cho Chính phủ quy định chi tiết các loại đất tại điều này và trường hợp có phát sinh nhóm đất mới thay vì giao cho Bộ TN&MT thì phù hợp hơn, tránh trường hợp phải sửa đổi luật.
Tú Quyên