
Hội Nông dân Việt Nam đánh giá rất cao sự phối hợp lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
09/01/2024TN&MTNgày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những bài tham luận đánh giá những kết quả đã đạt được của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm qua. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường xin giới thiệu tham luận của ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị.
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT, trong năm 2023 Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả, trong đó có 3 kết quả nổi bật:
Thứ nhất, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ trong việc lấy ý kiến rộng rãi cán bộ, hội viên của Hội Nông dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội Nông dân Việt Nam đánh giá rất cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của Bộ TN&MT. Hội đánh giá rất cao sự cầu thị của các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã lắng nghe, tổng hợp hợp tiếp thu ý kiến của cán bộ, hội viên trong Dự thảo Luật. Các ý kiến được tổng hợp theo hướng tạo thuận lợi cho nông dân, trong đó tập trung vào tập trung đất đai, giúp cho nông dân sản xuất quy mô lớn và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân trong lĩnh vực đất đai.
Qua việc phối hợp lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, hội viên nông dân, Hội Nông dân đánh giá đây là việc tổng kết Luật Đất đai sâu rộng nhất từ trước đến nay. Qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức của hội viên nông dân trong việc chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai.
Thứ hai, thông qua các chương trình của Bộ TN&MT, Hội đã vận động các cán bộ, hội viên tham gia khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội đã xây dựng và nhân rộng mô hình điểm như: Cánh đồng không có vỏ bao bì, không thuốc bảo vệ thực vật; mô hình nói không với túi ni lông và rác thải nhựa; nhà sạch, trường sạch, môi trường, bảo vệ môi trường biển,… Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, hành vi của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Thứ ba, Hội đã phối hợp với Bộ trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia các phòng trào như Tết trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác Hồ, làm cho thế giới sạch hơn,… Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường cũng như những sự kiện quan trọng khác với sự tham gia đồng loạt của các hội viên.
Năm 2024, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT một số nội dung như: Tuyên truyền phố biến rộng rãi tới cán bộ, hội viên về nội dung đổi mới của Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước sửa đổi; tham gia góp ý vào Luật Địa chất và khoáng sản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" đến năm 2030, phối hợp tổ chức các sự kiện có liên quan tới tài nguyên môi trường của hai ngành và theo chương trình phối hợp.
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia vào quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, nhân rộng những mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải,… tăng cường giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn nông thôn.
Để thực hiện tốt những nội dung đó, Hội Nông dân mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tạo thuận lợi, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực thực hiện phối hợp giữa hai bên.
TQ.