
Khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp
19/07/2023TN&MTTập trung, tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích công tác này. Tuy nhiên, về tổng thể, vẫn cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai để phát huy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.
Ảnh minh họa
Với nhiều quy định mang tính đột phá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ, giúp khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất nông nghiệp.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các giải pháp về chính sách đất đai nêu rõ: Hoàn thiện chính sách đất đai trên cơ sở thị trường quyền sử dụng đất (QSDĐ) như quyền tài sản với nguyên tắc vận hành thuận lợi, chi phí giao dịch thấp, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp đạt thu nhập cao; người dân dễ dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong thị trường giao dịch thống nhất. Hỗ trợ các nông dân sản xuất hiệu quả tích tụ đất nông nghiệp làm trang trại. Hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua, thuê hoặc nhận vốn góp bằng đất nông nghiệp của các hộ nông dân; rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp để tạo quỹ đất,...; bổ sung “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” trong phân loại đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất. Đối với diện tích đất trên, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ.
Dự thảo có nhiều điểm mới liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như quy định việc mở rộng hạn mức nhận QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quy định tích tụ, tập trung đất đai, cơ chế góp QSDĐ để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn… Đây được cho là hai trong nhiều điểm mới của Dự thảo lần này với kỳ vọng giúp khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực nông nghiệp.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về thời hạn SDĐ và hạn mức SDĐ nông nghiệp được quy định tại Chương XII, quy định chế độ sử dụng các loại đất. Đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp được mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 213). Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp QSDĐ, điều chỉnh lại QSDĐ đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.
Bổ sung quy định về thời hạn SDĐ và hạn mức SDĐ nông nghiệp được quy định tại Chương XII. Đây là quy định hợp lý. Bởi, hiện nhận thức của người dân về tích tụ, tập trung đất đai còn chưa đầy đủ, tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng, hoặc cho thuê thời hạn hợp đồng ngắn. Bên cạnh đó, chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận.
Chính vì thế, nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, sẽ khắc phục được tình trạng nông dân giữ đất rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh; khuyến khích được nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp.
Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp và những cá nhân có đủ khả năng về kinh tế nhưng không trực tiếp canh tác có thể mua được đất nông nghiệp để có thể thành lập công ty hoặc làm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển diện tích nông nghiệp rộng lớn, cánh đồng mẫu lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Có thể nói, việc cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ huy động được các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, qua đó phát huy tối đa được hiệu quả SDĐ trồng lúa. Những điều chỉnh này nếu được thông qua và thực thi đầy đủ sẽ góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nông nghiệp. Khi chúng ta mở rộng hạn điền, giao dịch đất của người nông dân và với nền nông nghiệp sẽ được tăng lên và mở rộng được diện tích sẽ là động lực lớn nhất.
Quy định mới phải vừa tạo điều kiện để người SDĐ nông nghiệp được chuyển đổi mục đích cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả SDĐ nông nghiệp theo quy hoạch nhưng cũng đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích SDĐ, đặc biệt là đất trồng lúa. Trong đó, cần có đánh giá kỹ các tác động của quy định này đối với đời sống và sản xuất của người dân, không để nông dân thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đồng thời, cần có biện pháp tăng cường công tác QLNN để tránh tình trạng cá nhân lợi dụng chính sách thu gom đất nhằm mục tiêu đầu cơ, không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp. Để ngăn chặn nguy cơ này cần quy định rất rành mạch, rõ ràng. Không được chuyển mục đích khác để làm những việc sai mục đích. Nếu nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp quá 36 tháng mà không sản xuất, không canh tác thì Nhà nước sẽ thu hồi lại. Ngoài ra, còn có cơ chế kiểm soát là giao cho chính quyền địa phương, giao cho UBND cấp xã, UBND cấp huyện, rồi các ngành, UBND tỉnh thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất nông nghiệp của từng đối tượng. Nếu sử dụng sai mục đích thì phải xử phạt và báo cáo cho cơ quan chuyên môn thu hồi lại diện tích đất.
Chính sách mới trong dự thảo Luật đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, SDĐ nông nghiệp, quy định để người SDĐ nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn rất cần sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện.
Theo đó, cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển QSDĐ và góp vốn không chuyển QSDĐ, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận QSDĐ, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cần xem xét bản chất chính sách “hạn điền” (nhận chuyển nhượng không quá 10 lần hạn mức giao đất của Nhà nước) và chính sách hạn chế thời hạn SDĐ nông nghiệp (không quá 50 năm)... nhằm tạo sự yên tâm cho người SDĐ trong đầu tư chiều sâu, đầu tư dài hạn về hạ tầng và công nghệ cao, đầu tư chiều rộng trên quy mô lớn về đất đai để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Việc loại bỏ tình trạng nông dân yếu thế không có đất sản xuất sẽ được thực hiện bằng hệ thống quản trị tốt về đất đai.
Nhà nước cần ban hành chính sách giao đất dài hạn cho nông dân, nhất là ở các vùng nông nghiệp ổn định nên giao lâu dài nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Cần có chính sách khuyến khích hình thành các trung tâm phát triển quỹ đất để nhận QSDĐ của các hộ gia đình, cá nhân, sau đó cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất. Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình ngân hàng đất đai, trong đó các hộ gia đình, cá nhân gửi đất vào ngân hàng và được hưởng các lợi ích từ đất. Sau thời hạn gửi (tùy theo loại dự án), người dân được nhận lại đất.
Việc xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển KT-XH là chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đây cũng là điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới. Để chính sách này sớm phát huy hiệu quả toàn diện, cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai về các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê QSDĐ, góp vốn bằng QSDĐ; hoàn thiện quy định về hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thời hạn SDĐ nông nghiệp,...
Điều này vừa góp phần quan trọng trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa vừa là cơ sở để phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn mới.
TS. BÙI ĐỨC HIỂN
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2023