
Khai thác tài nguyên biển góp phần phát triển bền vững
15/01/2025TN&MTViệt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3.260 km với khoảng 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ với các kiểu hệ sinh thái điển hình ven biển, có năng suất sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn,… là nơi sinh sống của khoảng 667 loài rong/cỏ biển, 94 loài thực vật ngập mặn, hơn 6.000 loài sinh vật đáy, hơn 400 loài san hô, 657 loài sinh vật phù du, hơn 2.000 loài cá, 15 loài rắn biển, 5 loài rùa biển, 12 loài thú biển, 43 loài chim nước,… tạo nên hệ sinh thái đa dạng và nguồn lợi sinh vật dồi dào. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phát triển gắn với bảo tồn biển Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến suy giảm tài nguyên. Do đó, cần có những giải pháp đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển bền vững.
Thực trạng suy giảm tài nguyên biển
Do có nguồn tài nguyên biển đa dạng phong phú cùng với việc các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển, khai thác nguồn tài nguyên biển, làm giàu từ biển là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên biển của Việt Nam hiện đang chủ yếu tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế mà chưa chú trọng tới công tác bảo tồn, chưa có quy hoạch phát triển cụ thể. Vì vậy, nhiều nguồn tài nguyên biển đang dần bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động. Trong đó, nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày một tăng. Theo báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020”, diện tích thảm cỏ biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên ước tính giảm khoảng 40-60%; diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 70%. Khoảng 48% số rạn san hô trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng và khoảng 12% diện tích các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Do sự suy giảm mạnh diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô đã kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học, thậm chí dẫn đến sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho thấy, hơn 80% số lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã được khai thác phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có đến 25% số lượng cá đang bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt suy giảm rất mạnh, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ không thể bắt gặp trong tự nhiên.
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ bị đe dọa. Đây là những loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu các biện pháp bảo vệ (trong đó có 37 loài cá biển, 14 loài san hô, 5 loài da gai, 11 loài giáp xác, 1 loài sam, 17 loài ốc, 10 loài hai mảnh vỏ, 2 loài chân đầu). Đặc biệt, còn nhiều loài sinh vật biển khác đã được đưa vào danh mục cần bảo vệ trong bản dự thảo Sách đỏ năm 2023.
Giải pháp phát triển bền vững
Việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, còn thiếu tính bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển vẫn đang ở tình trạng lạc hậu, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lí, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm QP-AN, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế biển gắn với khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển
Phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.
Ưu tiên bố trí không gian biển cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm, đón khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.
Phát triển hệ thống cảng biển xanh, thiết lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, tuyến hàng hải, có tính đến bối cảnh biến động trong khu vực và quốc tế. Các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển KT-XH gắn với QP-AN và chủ quyền biển đảo; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển KT-XH gắn với QP-AN và chủ quyền biển đảo.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản nhằm mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3- 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.
Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường.
Thứ hai, phát triển các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường
Ô nhiễm môi trường biển phải được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu. Vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lí hiệu quả.
Khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển đảo.
Quản lí và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.
Thứ ba, thành lập quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, nguồn lực nhà nước đã được đầu tư rất nhiều cho các công trình, dự án phục vụ kinh tế biển như các khu công nghiệp ven biển, sân bay, đô thị, hạ tầng giao thông, hành lang kinh tế,…
Tuy vậy, quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và cũng chỉ mới tận dụng, khai thác hiệu quả được một phần vùng biển quốc gia, chưa có đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Hệ thống giao thông đường bộ ven biển chưa đáp ứng yêu cầu, hạ tầng kĩ thuật biển còn yếu, chưa đồng bộ; chưa có nhiều cảng biển lớn tầm cỡ khu vực. Công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch chưa đồng bộ, thiếu bền vững. Đặc biệt, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân cho phát triển các ngành kinh tế biển chưa đủ sức hấp dẫn.
Cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực đủ mạnh. Hình thành những mô hình, động lực mới cho kinh tế biển với những cơ chế chính sách đặc thù. Trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí cho phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút nguồn lực tài chính, quốc tế cho mục tiêu phát triển các ngành kinh tế xanh, ưu tiên các dự án phát triển xanh, tập trung cho những ngành, nghề mới trong lĩnh vực kinh tế biển theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
THANH TÚ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 21 (Kỳ 1 tháng 11) năm 2024