
Tỉnh Bắc Ninh mới ra mắt: Hợp nhất lịch sử, định hình tương lai phát triển vùng
30/06/2025TN&MTViệc hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thành tỉnh Bắc Ninh mới không chỉ là một dấu mốc lịch sử trong công tác tổ chức hành chính, mà còn mở ra kỳ vọng lớn về một cực tăng trưởng kinh tế - đô thị hóa mới của vùng Thủ đô. Bộ máy chính quyền hai cấp đã được kiện toàn đồng bộ, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ ngày 1/7/2025.
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phát biểu tại buổi lễ
Sáng 30/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính thức công bố việc sáp nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh thành tỉnh Bắc Ninh mới - đơn vị hành chính cấp tỉnh vừa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu phát biểu tại buổi lễ
Cực tăng trưởng mới trong vùng Thủ đô
Theo Nghị quyết vừa công bố, tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích hơn 4.718 km², dân số trên 3,6 triệu người, gồm 99 đơn vị hành chính cấp xã (66 xã, 33 phường). Trung tâm hành chính của tỉnh được đặt tại thành phố Bắc Giang hiện nay. Tỉnh Bắc Ninh mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực - hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn mang tầm nhìn chiến lược về phát triển vùng. Nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh mới hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành cực tăng trưởng công nghiệp - đô thị hiện đại của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc trao các nghị quyết, quyết định của Trung ương
Tỉnh mới thừa hưởng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, quốc lộ 1A, Vành đai 4, đường sắt kết nối Hà Nội - Bắc Giang và sân bay Gia Bình trong tương lai. Các dự án này sẽ giúp tỉnh Bắc Ninh mới kết nối hiệu quả với Thủ đô và vùng duyên hải Bắc Bộ, tạo thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển logistics.
Với dân số đông, lực lượng lao động trẻ, trình độ cao và kinh nghiệm phát triển công nghiệp từ cả hai tỉnh, Bắc Ninh mới được kỳ vọng trở thành một “siêu đô thị công nghiệp” - trung tâm sản xuất điện tử, công nghệ cao, chế biến chế tạo hàng đầu khu vực. Đồng thời, việc quy hoạch lại toàn bộ không gian phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp Bắc Ninh mới vận hành hiệu quả hơn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đồng đều giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và đời sống dân sinh.
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh mới
Ra mắt bộ máy lãnh đạo đồng bộ, thống nhất
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, các quyết định nhân sự chủ chốt của tỉnh Bắc Ninh mới đã được công bố, bảo đảm sự kế thừa, ổn định và thống nhất trong công tác tổ chức bộ máy nhà nước, đảng bộ và mặt trận.
Theo Quyết định của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Gấu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Các Phó Bí thư gồm: bà Nguyễn Thị Hương (Phó Bí thư Thường trực), ông Vương Quốc Tuấn, ông Nguyễn Việt Oanh, bà Nguyễn Hương Giang. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 71 ủy viên; Ban Thường vụ có 19 người. Ông Trần Huy Phương được chỉ định làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu trao quyết định cho các đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, phường
Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Việt Oanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh. Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh gồm: bà Trần Thị Hằng, bà Lâm Thị Hương Thành, ông Nghiêm Xuân Hưởng, ông Nguyễn Anh Tuấn.
Chính phủ đã có quyết định chỉ định ông Vương Quốc Tuấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh mới. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm các ông: Mai Sơn, Đào Quang Khải, Lê Xuân Lợi, Phan Thế Tuấn, Ngô Tân Phượng, Phạm Văn Thịnh.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng công bố thành lập Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh mới. Cùng lúc, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh công bố các nghị quyết, quyết định về sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND tại 99 xã, phường mới được hình thành.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn trao quyết định cho các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, phường
Tỉnh Bắc Ninh mới ra đời không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn là sự kết tinh của tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới trong phát triển vùng. Với nền tảng mạnh mẽ và bộ máy đồng bộ, Bắc Ninh mới được kỳ vọng sẽ trở thành đầu tàu kinh tế, đô thị hiện đại và biểu tượng thành công của công cuộc sắp xếp lại tổ chức hành chính nhà nước trong thời kỳ mới.
Huy Thế