
Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tạo động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội
10/04/2024TN&MTLuật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt, phát huy nguồn lực đất đai. Trong đó có nhiều điểm mới, nổi bật, có tác động lớn tới người dân, doanh nghiệp khi triển khai thực hiện. Xung quanh nội dung này đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) đã có những chia sẻ cụ thể.
Phóng viên: Thưa ông, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua là dự án luật đầu tiên được xem xét, chỉnh sửa, hoàn thiện trong 4 Kỳ họp của Quốc hội. Theo ông, đâu là những điểm mới nổi bật nhất của Luật Đất đai (sửa đổi)?
Ông Phan Đức Hiếu: Luật Đất đai (sửa đổi) có 260 điều với nội dung rất đồ sộ. Xét về những điểm mới một cách cụ thể thì Luật Đất đai (sửa đổi) có hàng trăm điểm mới. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất của Luật thì có 5 điểm mới nổi bật.
Điểm mới thứ nhất, đó là nhóm chính sách về nâng cao mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người SDĐ. Luật có các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân. Nhóm này có rất nhiều quy định, có nội dung được thảo luận nhiều như mở rộng quyền SDĐ với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư, sinh sống ở nước ngoài; Chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; Quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất, thực hiện quy hoạch SDĐ; Thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp, như nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, tự động gia hạn đối với đất nông nghiệp,...
Điểm mới thứ 2, liên quan đến việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp và người dân, có nhiều quy định ở điều 79 được thiết kế cho việc thu hồi đất đai phục vụ cho phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, QP-AN; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là với lĩnh vực có tính chất xã hội - y tế, giáo dục, văn hoá,… ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường. Các quy định rất cụ thể, chi tiết.
Nhóm thứ ba, rất quan trọng, đó là nâng cao hiệu quả SDĐ. Bởi vì đất đai không chỉ là nơi sinh sống mà còn là một nguồn lực đầu vào, tư liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả SDĐ, tránh việc đầu cơ và SDĐ lãng phí là một nội dung rất quan trọng.
Luật Đất đai sửa đổi đã thể chế đúng chủ trương của Đảng, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành luật Đất đai. Trong đó, các nội dung mới bao gồm: Chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; Quy hoạch, kế hoạch SDĐ; Giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích SDĐ; Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Tài chính đất đai, giá đất; Đăng ký đất đai; Chế độ SDĐ, quyền và nghĩa vụ của người SDĐ; Phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục trong quản lý, SDĐ. Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ Điều 190, Điều 248 có hiệu lực từ ngày 01/04/2024.
Luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích SDĐ,…
Thứ tư, là nhóm vấn đề về tài chính, định giá đất, tiền SDĐ, tiền thuê đất, phí, lệ phí liên quan đến SDĐ. Luật có một số chính sách để ổn định tiền thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất; quy định về giá đất, tách bạch giá đất và chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; chính sách miễn giảm tiền SDĐ, thuê đất…
Thứ năm, liên quan đến nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với đất đai, cắt giảm thủ tục hành chính, hướng tới tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dữ liệu đất đai để phục vụ cho đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ chế giải quyết tranh chấp, vai trò trọng tài thương mại; cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho người dân trong một số trường hợp chưa có giấy về đất.
Có thể nói, đây là 5 nhóm nội dung mới, nổi bật của Luật Đất đai lần này và chúng ta kỳ vọng các quy định mới sẽ phát huy tác động trên thực tế. Việc Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã khiến nhiều người dân, cử tri rất vui mừng. Họ kỳ vọng đạo luật sẽ phát huy tích cực trong đời sống.
Phóng viên: 5 nhóm nội dung mới này sẽ tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội và đặc biệt là cho hoạt động của doanh nghiệp như thế nào, và nhóm vấn đề nào là tác động lớn, cơ bản, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Từ góc độ người dân, doanh nghiệp, tôi thấy có 2 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, liên quan đến nâng cao mức độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, là chủ thể SDĐ. Đối với doanh nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất, là nguồn lực đầu vào. Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới khác biệt so với Luật Đất đai hiện hành. Trong đó, điểm nhấn mạnh là, Luật đã mở rộng quyền của người SDĐ đối với đối tượng SDĐ là người Việt Nam, công dân Việt Nam, những người định cư ở nước ngoài. Nội dung này rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi ở, nơi cư trú. Chính sách này rất chính đáng, sẽ giúp huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển KT-XH.
Một điểm nữa, là Luật có rất nhiều cái mới về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thường ở những khu vực, vị trí có tính chất liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng. Việc có những cơ chế thuận lợi, thỏa đáng để hỗ trợ đồng bào thiểu số có đất ở, đất sản xuất… có tác động rất lớn. Những quy định đó mang đến sự công bằng về chính sách, là chủ trương nhân văn, nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với mọi người dân.
Và điểm đặc biệt quan trọng mà tôi quan tâm đó là cải cách thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Điều này dự kiến sẽ tác động rất nhiều và đặc biệt là đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai. Chẳng hạn, đối với việc nhận chuyển nhượng dự án bất động sản, trước đây, với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hay tổ chức trong nước thủ tục rất phức tạp. Khi nhìn vào từng luật thì phải thực hiện tuần tự rất nhiều thủ tục khác nhau, từ thủ tục chuyển nhượng, thu hồi đất, giao lại đất,… Nhưng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này thiết kế quy định theo hướng nhìn một cách tổng thể, cắt giảm thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Nhóm thứ hai, liên quan đến việc tiếp cận đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi), về mặt bản chất đã thể chế hóa đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, đó là sử dụng các cơ chế thị trường trong việc tiếp cận đất đai. Khi chúng ta sử dụng nhiều hơn cơ chế thị trường sẽ giảm được cơ chế hành chính, giảm được sự không thống nhất giữa người có đất và người muốn tiếp cận đất.
Cùng với đó, chúng ta sẽ giảm được rất nhiều chi phí của việc tiếp cận đất đai thông qua các thủ tục hành chính. Đó là nội dung mà tôi kỳ vọng có tác động lớn trong việc thúc đẩy hoạt động KT-XH và đặc biệt là cho hoạt động của doanh nghiệp. Chúng ta sử dụng nhiều hơn cơ chế về đấu giá, đấu thầu, cơ chế có đất được chuyển mục đích SDĐ, cơ chế để góp vốn, cơ chế hợp tác kinh doanh,… là những cơ chế rất thị trường.
Phóng viên: Vậy thưa ông, những điểm nổi bật này đã tạo sự công bằng, thuận lợi như thế nào trong việc tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp?
Ông Phan Đức Hiếu: Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài những cơ chế đã tính đến sự công bằng đối với doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực khác nhau. Luật đã có một số cơ chế để thúc đẩy hoạt động về y tế, giáo dục, đã có cơ chế thu hồi đất, giao đất, đấu giá đất,… để thực hiện các dự án đó. Luật cũng quy định những khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải bố trí quỹ đất nhất định dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ không thể tiếp cận theo cách bình thường. Đó là điểm rất tốt về tiếp cận đất đai. Chẳng hạn, về đấu giá, chúng ta không thể mang đất ra đấu giá để phát triển y tế, vì nếu đấu giá thì người ta sẽ không phát triển y tế mà sẽ phát triển bất động sản; doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đấu giá để cạnh tranh với doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, Luật quy định những nguồn lực đất đai dành cho chính sách xã hội như: Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho người lao động thu nhập thấp,... Những thay đổi này sẽ tạo thuận lợi hơn, công bằng hơn trong tiếp cận, thị trường hơn cho các doanh nghiệp.
Nguyên Khôi (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 năm 2024