
Một số điểm mới về địa giới hành chính, đăng ký, thông tin đất đai
05/03/2024TN&MTTại Hội nghị triển khai Nghị định số 12/2024/NĐ-CP và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Tuyên Quang, ông Phạm Ngô Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã giới thiệu một số điểm mới về địa giới hành chính, đăng ký, thông tin đất đai.
Về công tác địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai được quy định tại Chương IV gồm 11 điều (từ Điều 49 đến Điều 59). Bổ sung nội dung địa địa giới đơn vị hành chính được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xác định địa giới hành chính; trách nhiệm của Chính phủ trong việc hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.
Việc đo đạc lập bản đồ địa chính được thực hiện chi tiết đến từng thửa đất theo đơn vị hành chính cấp xã.
Bản đồ địa chính phải được chỉnh lý khi có sự thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích thửa đất và các yếu tố khác và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai .
Quy định nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, thời gian, chit tiêu, nội dung thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập abr đồ hiện trạng sử dụng đât.
Về đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận tại Chương X gồm 25 điều (từ Điều 128 đến Điều 152).
Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ địa chính nhằm xác định hệ thống hồ sơ địa chính là công cụ đắc lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai. Hồ sơ địa chính phải được cập nhật biến động đầy đủ, kịp thời.
Thay đổi tên của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sửa tên Giấy chứng nhận so với Luật Đất đai năm 2013). Quy định rõ thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, tách riêng giữa vai trò quản lý nhà nước (việc công nhận quyền sử dụng đất) với việc cung cấp dịch vụ công của cơ quan đăng ký (việc cấp Giấy chứng nhận). Giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Phân định ràng hơn đối với đăng ký tài sản lần đầu và đăng ký biến động về tài sản được thực hiện đăng ký trên giấy hoặc trên môi trường điện tử đều có giá trị pháp lý như nhau.
Đăng ký biến động về đất đai đối với trường hợp có thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm, đồng thời có chế tài cụ thể nhằm ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký đất đai.
Về cấp Giấy chứng nhận cho trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, bổ sung thời điểm áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương và trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp đã đăng ký và đủ điều kiện.
Cấp giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Tại Chương XII hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Gồm 8 điều, từ Điều 163 đến Điều 170). Quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; và quy định các thành phần cơ bản của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
Quy định về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm của Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; các thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng đồng bộ, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong phạm vi cả nước.
Quy định vai trò của Hệ thống thông tin đất đai đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; đồng thời quy định trách nhiệm cụ thể của các cấp/ngành và nguồn lực xây dựng, quản trị vận hành thường xuyên.
Về Chương XIII. Chế độ sử dụng các loại đất (Điều 181 và Điều 220)
Điều 181. Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng
Bổ sung quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường. Phân định rõ trách nhiệm của từng cấp (tỉnh, huyện).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn; tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương; tổ chức cấp Giấy chứng nhận và tổ chức việc thu hồi đất để giao Ủy ban nhân dân cấp huyện; thu hồi đất vi phạm.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương vào mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập phương án sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất và giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích công cộng và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
Điều 220. Tách thửa đất, hợp thửa đất
Quy định chung về nguyên tắc, điều kiện tách thửa, hợp thửa và quy định nguyên tắc, điều kiện riêng đối với từng trường hợp tách thửa hoặc hợp thửa. Giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên cơ sở quy định chung, quy định khác của pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán tại địa phương.
Quang Minh