
Năm 2025: Hoàn thiện và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon
12/02/2025TN&MTTín chỉ carbon rừng đang trở thành một trong những phương tiện quan trọng để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường. Trên thế giới, thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng đang phát triển mạnh mẽ và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Song hiện nay, Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon rừng, chưa có khung pháp lý và cơ chế rõ ràng cho thị trường carbon rừng. Do đó, để tối ưu hóa tiềm năng và phát triển bền vững của thị trường carbon rừng, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, công tác quản lý và nhóm giải pháp về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn thu tiềm năng từ hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon
Một tín chỉ carbon là một tấn khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác quy đổi thành một tấn CO2. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sản xuất từ “nâu” sang “xanh”, giảm phát thải khí nhà kính, phấn đấu đưa phát thải ròng bằng 0 thì thị trường tín chỉ carbon ra đời như một tất yếu. Có thể hiểu đơn giản, thị trường tín chỉ carbon là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon. Ở đó, các quốc gia, các chủ rừng quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, tính toán ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này cho các quốc gia, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải khí nhà kính. Nếu lượng phát thải khí nhà kính của một cơ sở bằng với số tín chỉ carbon mua được thì có thể coi phát thải ròng của cơ sở này sẽ bằng 0,...
Tại Việt Nam, vào tháng 2/2020, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu héc-ta đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước).
Với tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng (tương đương 10,3 triệu tín chỉ carbon) cho WB với đơn giá 5 USD/tấn, tổng trị giá là 51,5 triệu USD. Vừa qua, WB đã chuyển cho Việt Nam hơn 41 triệu USD, tương đương 80% tổng kinh phí. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về một nguồn tài chính lớn; đồng thời, góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này.
Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu héc-ta, đạt tỷ lệ che phủ khoảng 42%. Theo PGS, TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, tín hiệu đáng mừng là trữ lượng hấp thụ carbon rừng của Việt Nam không chỉ có xu hướng tăng so với giai đoạn trước mà còn tăng vượt trội so với mức phát thải trong lâm nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2010-2020, lượng phát thải trung bình trong lâm nghiệp là 30,6 triệu tấn CO2 nhưng lượng hấp thụ trung bình đạt khoảng 69,9 triệu tấn (phát thải âm 39,3 triệu tấn CO2). Lượng carbon rừng hằng năm dành cho chuyển nhượng có thể lên đến hàng chục triệu tấn (hàng chục triệu tín chỉ), nếu chuyển nhượng thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được phân bổ về các địa phương theo diện tích rừng, lượng giảm phát thải,... Như vậy, các chủ rừng ngoài được hưởng lợi từ lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng,... như hiện nay, sẽ có thêm một nguồn tài chính không nhỏ từ chuyển nhượng tín chỉ carbon. Điều này, không chỉ góp phần nâng cao đời sống chủ rừng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt hơn công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, mặc dù sở hữu tiềm năng rất lớn. Carbon rừng chưa được coi là một loại lâm sản trong Luật Lâm nghiệp, và quyền sở hữu carbon rừng cũng chưa được quy định rõ ràng. Các chương trình chuyển nhượng carbon hiện chủ yếu dựa vào các thoả thuận quốc tế như REDD+. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Việt Nam dự kiến thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và chính thức vận hành từ năm 2028. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị đang gặp khó khăn do thiếu quy hoạch chi tiết, các quy định pháp lý về thống kê, kiểm kê và giám sát carbon rừng. Thực trạng cho thấy, mức độ nhận thức và năng lực chuyên môn của các bên tham gia giao dịch còn hạn chế. Các giao dịch REDD+ hầu hết dựa trên hỗ trợ quốc tế và chưa tạo đà phát triển thị trường nội địa. Theo TS. Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, “Chúng ta đang có những bước đi đúng hướng nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện cơ chế.”
Giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
Để biến tiềm năng carbon rừng thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên trước mắt vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
Đối với nhóm cơ chế, chính sách, công tác quản lý:
Để tạo cơ sở cho việc bán tín chỉ carbon rừng, Việt Nam cần sớm công bố quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện. Bên cạnh đó, cần có những quy định về thể chế chung đối với carbon rừng, nâng cao chế định QLNN đối với carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá trữ lượng carbon rừng trong công bố hiện trạng rừng toàn quốc hàng năm.
Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hiện có, bao gồm: Các chính sách quản lý rừng bền vững; hỗ trợ mở rộng các diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; xây dựng các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt làm rõ về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, vì đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Theo PGS, TS. Nguyễn Bá Ngãi, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xây dựng thị trường tín chỉ carbon từ năm 2012, được cụ thể hóa qua nhiều luật như: Luật Lâm nghiệp, Luật BVMT,... Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó nêu rõ sẽ triển khai thí điểm thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025, vận hành chính thức vào năm 2028. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, cụ thể:
Trước hết, nội dung QLNN về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến carbon rừng chưa được công bố về tổng trữ lượng, tăng giảm trong các kỳ tổng điều tra rừng, thống kê rừng, theo dõi diễn biến rừng hằng năm.
Mặt khác, carbon rừng hiện cũng chưa rõ có được coi là một loại lâm sản hay không? Theo PGS, TS. Nguyễn Bá Ngãi, để carbon rừng trở thành hàng hóa như các loại lâm sản khác, tại khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp cần được bổ sung thêm quy định: “Carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản”. Khi đã được công nhận là một loại lâm sản thì những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng carbon rừng cần được quy định chi tiết tại các điều trong Luật Lâm nghiệp và những văn bản dưới luật. Cùng với đó, vấn đề quyền sở hữu carbon rừng cũng cần quy định cụ thể. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp cần bổ sung một điều quy định các nội dung này.
Đối với nhóm công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực:
Để có thể đưa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ra thị trường, trước hết cần phải mời chuyên gia quốc tế hoặc một tổ chức có uy tín chuyên tính toán lượng giảm phát thải carbon thực hiện. Trong quá trình đó, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ (nếu được) và quan trọng nhất là cần nắm rõ họ sử dụng thông số nào, thời gian thực nào, không gian nào và cân đo đong đếm như thế nào?
Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng sắp tới, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng, vận hành, khai thác thị trường tín chỉ carbon rừng, bởi đây là lĩnh vực mới và phức tạp.
Theo TS. Mai Kim Liên, lộ trình triển khai thị trường carbon được quy định rõ tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Bộ Tài chính và các bộ liên quan sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Các cơ quan cũng sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
TS. ĐỖ ĐÌNH DŨNG
Học viện Tài chính (AOF)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025