
Nghệ An: Dấu ấn và khát vọng vươn mình ra biển lớn
17/12/2023TN&MTNghệ An nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 16.486,49 km2 - lớn nhất cả nước, dân số gần 3,4 triệu người; theo thống kê, khu vực ven biển có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1.296,6 km2, chiếm 7,8% diện tích toàn tỉnh, bờ biển dài 82 km với diện tích vùng biển khoảng 4.230 hải lý vuông; dân số các huyện, thị xã ven biển khoảng 1 triệu người, chiếm 29,4% dân số toàn tỉnh; có 5 đơn vị cấp huyện với 34 xã, phường, thị trấn giáp biển.
Nằm trong xu thế chung, với 82 km bờ biển và diện tích vùng biển rộng lớn, nhân dân có truyền thống khai thác các nguồn lợi từ biển thông qua hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, Nghệ An tận dụng và khai thác lợi thế từ tài nguyên biển để phát triển kinh tế, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.842 tàu thuyền có động cơ khai thác thủy sản biển, trong đó có 938 tàu từ 15 m trở lên khai thác vùng biển xa bờ, chiếm tỷ lệ 24,41%. Năm 2022, tổng trữ lượng khai thác thủy, hải sản các loại khai thác trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 80 nghìn tấn, có nhiều loài hải sản có giá trị cao như: Cá thu, mực, tôm, cua ghẹ,...
Dấu ấn phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, Nghệ An đã đạt được một số kết quả khả quan, như sau:
Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ngày càng mở rộng. Năm 2022, quy mô GRDP đạt 175.587 tỷ đồng, gấp 1,98 lần năm 2015 (đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; đứng thứ 10 cả nước). Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước; trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân các giai đoạn 2016 – 2020 là 6,97%, giai đoạn 2016 - 2021 là 6,83%. Riêng năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Nghệ An đạt 8,78% (thuộc nhóm 5 địa phương cao nhất Vùng và thứ 22 cả nước). GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 51,34 triệu đồng, cao hơn 1,83 lần so với năm 2015 (28,01 triệu đồng).
Tăng trưởng bình quân vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2021 đạt 8,75% (giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,14%); năm 2022, vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 84.295 tỷ đồng, gấp 2,22 lần so với năm 2015. Cơ cấu vốn đầu tư đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng vốn khu vực ngoài nhà nước (từ 64,91% năm 2015 lên 70,43% năm 2022); giảm tỷ trọng vốn khu vực nhà nước (từ 33,55% năm 2015 xuống 20,5% năm 2022).
Ngày 22/10/2018, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế, văn hóa, môi trường, bền vững, sinh thái trên cơ sở biển. Ngày 5/3/2020, Chính phủ có Nghị quyết 26/NQ-CP về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 512/KH-UBND ngày 9/9/2020 thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám, BCH Trung ương khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đẩy mạnh Chiến lược phát triển kinh tế biển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với nhận thức đúng đắn, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời và sâu sát như trên, tỉnh Nghệ An đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ về phát triển kinh tế biển trong thời gian qua, cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của vùng ven biển năm 2022 tăng 11,13% so với năm 2021 (của tỉnh là 9,39%). Các ngành kinh tế biển của tỉnh đã phát triển theo hướng bền vững, kiểm soát tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Về mức độ đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế vùng ven biển vào GRDP chung toàn tỉnh năm 2022 đạt 27,32% (năm 2018 đạt 26,43%). Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,39%, công nghiệp - xây dựng chiếm 37,34%, dịch vụ chiếm 36,27%. Năm 2022 giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng ven biển đạt 47,71 triệu đồng/người/năm, tăng 44,82% so với năm 2018 (32,98 triệu đồng/người/năm) và đạt 97,5% so với mức bình quân chung của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang tập trung xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP. Vinh trình các cấp có thẩm quyền theo lộ trình đã đề ra; (theo phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào TP. Vinh). Theo đó, sau khi sáp nhập, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm vùng ven biển năm 2022 tăng 10,48% so với năm 2021; tỷ trọng cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm và thủy sản (14,57% năm 2022), tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2022 đạt 66,46 triệu đồng (gấp 1,36 lần so với mức bình quân chung của tỉnh). Mức độ đóng góp của GTTT của kinh tế vùng biển và ven biển vào GRDP chung toàn tỉnh là 51,26% (năm 2018 đạt 50,86%).
Những vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tiếp tục được quan tâm: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (khu vực đô thị đạt 96,5%, khu vực nông thôn đạt 60%); tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom xử lý đạt 89,3%; Tỷ lệ khu công nghiệp ven biển đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 33,33%. Tỷ lệ Cụm công nghiệp (CCN) ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường 66,7% (Các cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng gồm CCN Tháp - Hồng - Kỷ, Diễn Hồng; CCN Trường Thạch đang hoàn thiện thủ tục pháp lý chuẩn bị đầu tư xây dựng). Tỷ lệ khu đô thị vùng ven biển loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu đạt 50% (nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Cửa Lò với công suất 3.700 m3/ngày.đêm đưa vào hoạt động năm 2017, thị xã Hoàng Mai đang đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải công suất 3.000 m3/ngày đêm).
Như vậy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, vừa gặp nhiều khó khăn, thách thức, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 26-NQ/TW được tập trung triển khai tích cực; KT-XH phát triển khá, một số lĩnh vực (y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ) từng bước định hình là trung tâm của Vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư, nâng cấp; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; QP-AN bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng được nâng lên; chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đảng bộ và hệ thống chính trị phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo được sự đồng thuận, niềm tin trong nhân dân.
Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ-TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước. Với sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị dành cho tỉnh Nghệ An, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trên cả nước và những kết quả đạt được đáng khích lệ nêu trên là nền tảng vững chắc, mở ra nhiều cơ hội, tạo đà để tỉnh Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong thời gian tới.
Khát vọng vươn ra biển lớn
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng phát triển kinh tế biển trong đó xác định khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển CCN của tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiều điểm mới, mang tính định hướng lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi địa phương cần có chỉ đạo xuyên suốt, mang tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế biển.
Từ lý luận và thực tiễn, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và đồng thời, đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, các chỉ đạo mới của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã định hướng, chỉ đạo, tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển bền vững kinh tế biển trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới về KT-XH cho tỉnh Nghệ An với mục tiêu đưa kinh tế biển tỉnh Nghệ An đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển của vùng Bắc Trung Bộ, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; hình thành văn hoá biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm QP-AN, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị, khu du lịch ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có KT-XH phát triển nhanh, bền vững. Để thực hiện các mục tiêu đó, thời gian tới Nghệ An cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình trọng tâm như cảng biển nước sâu Cửa Lò có sự kết nối với cảng Hàng không quốc tế Vinh, đường ven biển, đường kết nối Vinh - Cửa Lò, các trục đường ngang,... Đồng thời, tiếp tục phát triển các khu công nghiệp ven biển như VSIP Nghệ An II ở Diễn Châu, mở rộng khu công nghiệp WHA ở Nghi Lộc và phát triển các khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt I, II ở thị xã Hoàng Mai, bên cạnh các loại hình hiện có như chế biến nông lâm, thủy sản, dệt may, các loại hình công nghiệp nhẹ thì tập trung phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao như thông tin và truyền thông, sản xuất hàng điện tử - viễn thông, sản phẩm số,… hình thành khu công nghệ cao ở khu vực TP. Vinh. Thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, bảo đảm hạ tầng và bảo vệ môi trường, gắn với mở rộng, phát triển khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ. Quy hoạch không gian cho phát triển đô thị, công nghiệp phù hợp với cấu trúc đô thị hiện có, hạn chế làm phá vỡ cấu trúc cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái các hệ sinh thái biển và ven biển.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đô thị ven biển trên cơ sở phải bảo vệ, thực hiện tốt quy hoạch, bảo đảm quỹ đất để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch một cách hài hòa. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển để tạo bước đột phá gắn với xây dựng và nâng cấp hệ thống công viên ven biển. Phát triển các trung tâm, khu du lịch biển có sức hấp dẫn cao khách trong nước và quốc tế. Liên kết phát triển các trung tâm du lịch biển Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh. Hình thành thương hiệu du lịch biển Nghệ An thân thiện, văn minh gắn với cam kết trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch; đẩy mạnh du lịch cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch, dịch vụ biển.
Thứ ba, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác quản lý khai thác sử dụng bền vững tài nguyên biển, bảo đảm phát triển bền vững theo định hướng tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển nghề cá xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven biển tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu và tăng cường đầu tư các cơ sở hạ tầng chế biến, thương mại và hậu cần nghề cá theo Chương trình phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển KT-XH, trong đó, có phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế biển. Phát huy giá trị văn hóa, con người vùng ven biển; khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển quê hương; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa vùng ven biển phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế. Tập trung đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các công trình xử lý môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư đạt tỷ lệ cao hơn. Xác định mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về môi trường đối với các dự án đầu tư vào vùng ven biển. Tăng cường dự báo, đánh giá tác động để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai và đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, di tích, đa dạng sinh học và hệ sinh thái vùng ven biển.
Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển; tăng cường lồng ghép tuyên truyền, quảng bá về du lịch biển Nghệ An vào các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế với các địa phương, đối tác nước ngoài. Tăng cường, đổi mới việc thu hút, xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, có khả năng cạnh tranh cao để thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế biển, trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực để sớm hoàn thành các công trình trọng điểm ven biển phục vụ phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN.
Thứ sáu, nghiên cứu tính khả thi và triển khai khi có điều kiện đối với việc phát triển điện gió và điện mặt trời khu vực ven biển, biển và đảo; nghiên cứu phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển hoặc gắn với các hoạt động bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển hiện có nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Với những dấu ấn, khát vọng và những định hướng nêu trên, hy vọng thời gian tới, Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước với nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, công nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc QP-AN.
NGUYỄN VĂN ĐỆ
Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 17+18 (Kỳ 1+2 tháng 9) năm 2023