
Những điểm mới về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
04/05/2024TN&MTLuật Đất đai (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành riêng Chương VII quy định về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (THĐ) với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định cụ thể bảy nhóm nguyên tắc khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó cụ thể hóa nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW “người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Theo Điều 91 Luật Đất đai (sửa đổi), các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước THĐ bao gồm:
Thứ nhất, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước THĐ phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc nhà ở.
Thứ ba, chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường thiệt hại; chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước THĐ thì được xem xét hỗ trợ.
Thứ tư, nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
Thứ năm, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Thứ sáu, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định THĐ.
Thứ bảy, khi Nhà nước THĐ theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu tại khoản 2 Điều 220 của Luật này, nếu người SDĐ đồng ý THĐ thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định THĐ và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp THĐ quy định tại khoản này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình thảo luận dự thảo luật, một số ý kiến cho rằng cần “luật hóa” nguyên tắc nêu trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên tắc của Nghị quyết số 18 không nên quy định chung mà nên thể chế bằng chính sách cụ thể. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế nội dung Nghị quyết số 18 bằng các quy định cụ thể như: Quy định điều tra thu nhập từ việc SDĐ, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề trong trình tự, thủ tục THĐ; bảo đảm điều kiện hạ tầng, địa điểm khu tái định cư gần với khu vực THĐ.
Luật cũng quy định nguyên tắc ưu tiên bồi thường bằng đất nếu địa phương có điều kiện và người bị THĐ có nhu cầu; hỗ trợ đủ tiền để được giao suất tái định cư tối thiểu cho người có đất bị thu hồi nếu tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu.
Về nội dung bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở cho người có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở, luật giao Chính phủ quy định chi tiết. Ngoài ra, Luật cũng quy định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập và việc tổ chức THĐ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư. Theo đó, trường hợp dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách ra thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật về đầu tư công thì việc THĐ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo quy định của luật này.
Luật không quy định các trường hợp dự án tách nội dung này thành dự án độc lập để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai (sửa đổi), việc SDĐ thực hiện dự án phát triển KT-XH thông qua thỏa thuận về nhận QSDĐ được thực hiện trong các trường hợp: Các trường hợp thực hiện dự án đầu tư không thuộc trường hợp THĐ quy định tại Điều 79 của Luật này; đối với trường hợp SDĐ để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì chỉ được thỏa thuận về nhận QSDĐ ở; các trường hợp không sử dụng vốn ngân sách nhà nước và thuộc trường hợp THĐ tại Điều 79 của Luật này mà nhà đầu tư lựa chọn phương án nhận chuyển nhượng QSDĐ, không đề xuất THĐ.
Nhiều chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024
Tại Mục 4, Chương VII, Luật Đất đai năm 2024 quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể khi Nhà nước THĐ.
Luật Đất đai năm 2024 quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể khi Nhà nước THĐ như:
Hỗ trợ khi Nhà nước THĐ bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ di dời vật nuôi; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 111 của Luật này; Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định tại khoản 3 Điều 105 của Luật này.
Ngoài việc hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước THĐ:
Hỗ trợ bằng tiền không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 176 của Luật này đối với các đối tượng sau đây:
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang SDĐ nông nghiệp do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, được công nhận QSDĐ khi Nhà nước THĐ không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;
Cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ khi Nhà nước THĐ nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do nhận giao khoán đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản từ các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ trường hợp cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp;
Hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Người được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì còn được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Hộ gia đình, cá nhân SDĐ ở kết hợp kinh doanh dịch vụ có nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước THĐ mà phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ được quy định như sau:
Bộ LĐ, TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện quy định tại điểm c khoản này;
Căn cứ KHSDĐ hằng năm cấp huyện, UBND cấp huyện có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại địa phương. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, UBND cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi. Mức hỗ trợ cụ thể tại khoản 1 Điều này do UBND cấp tỉnh quy định.
TS. BÙI ĐỨC HIỂN
Viện Nhà nước và Pháp luật
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 6 năm 2024