
Ô nhiễm ở các khu dân cư xã chuẩn nông thôn mới xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn
14/07/2023TN&MTTình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn xả thải trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến phân bón đang diễn ra tại xã chuẩn nông thôn mới Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh).
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, gồm19 tiêu chí.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, nhấn mạnh các nội dung: Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định;...
Nước kênh ô nhiễm nặng với màu xanh mực thuộc đoạn kênh Trần Quang Cơ - Cầu Sa (ấp Đông Thạnh, Hóc Môn)
Tính riêng TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, hiện có 5/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn, với 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn huyện Hóc Môn giai đoạn 2021 - 2025 đã có những ghi nhận tích cực như: Có 10/10 xã đạt 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020…
Tuy nhiên, trên thực tế, điển hình một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên diễn ra và kéo dài nhiều năm nay. Cụ thể như tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Kênh “nước thối” + mùi “phân bò” = ô nhiễm môi trường
Ngày 4 - 11/7, qua hai lần khảo sát thực tế của phóng viên, trên đoạn kênh Trần Quang Cơ - Cầu Sa (xã Đông Thạnh, Hóc Môn), rác thải ứ đọng, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Đặc biệt, từ cống ngầm dòng nước màu xanh mực hoá chất chảy thẳng vào dòng kênh khiến con kênh chuyển màu.
Kênh thoát nước Trần Quang Cơ chỉ dài khoảng 4km, có chiều rộng gần 3m, là ranh giới tự nhiên giữa phường Hiệp Thành (quận 12) và xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) phải gánh chịu chất thải của người dân, cơ sở sản xuất hai bên bờ kênh.
Phân bò được chất thành đóng để chuẩn bị đưa vào bãi phơi
Sống cạnh kênh Trần Quang Cơ đã nhiều năm nay, hầu như thời điểm nào trong năm gia đình chị Gấm (ấp 6) cũng phải chịu cảnh ô nhiễm không khí trầm trọng. Chỉ vào kênh thoát nước thường xuyên đổi màu, chị Gấm cho hay: lúc thì nước kênh đen ngòm, lúc lại chuyển xanh mực, lúc lại đục ngầu hôi thối. Một số hộ chăn nuôi heo và mổ heo xả thải, những hộ khác đốt vải vụn, phơi phân bò,... gây ra đủ mùi ô nhiễm, sợ nhất là những ngày nắng nóng, người dân quanh vùng phải chịu mùi hôi thối từ kênh bốc lên.
“Nhiều năm nay chúng tôi nghe nói thành phố có dự án xây kè con kênh này nhưng mãi chưa thấy gì. Mong cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện dự án, có giải pháp triệt để về bảo vệ môi trường để không khí nơi đây được trong lành, sạch sẽ”, chị Gấm mong muốn.
Kinh doanh nước giải khát tại khu dân cư sống ven kênh Trần Quang Cơ, chị T. thì cho hay, không chỉ ô nhiễm môi trường từ kênh rạch, mà khu vực còn có cơ sở làm wash quần áo, mùi hoá chất nhiều khi gây khó thở,...
Không chỉ kênh rạch ô nhiễm do xả thải, không khí khu vực này còn thường xuyên bị bao trùm bởi mùi phân bò. Xuôi theo đường Nguyễn Thị Sáng và dọc bờ kênh Trần Quang Cơ (xã Đông Thạnh), có nhiều hecta đất ruộng người dân thuê phơi phân bò chưa qua xử lý, trong cái nắng gắt mùi phân hôi bốc lên nồng nặc.
Chị O..., chủ của nhiều bãi phơi phân tại đây cho hay, phân bò tươi được mua từ các điểm chăn nuôi bò như Bà Điểm, Củ Chi,... về đổ phơi, hoàn toàn không thêm bất cứ hoá chất khử mùi hay khử khuẩn. Sau khi phơi thành phẩm, phân bò nguyên chất được đóng bao, bán đi khắp nơi, các tỉnh thành, giá bán sỉ hay lẻ đều 16.000đ/bao, mỗi bao phân nặng 8-10kg. Người nuôi trồng mua phân bò về tự xử lý côn trùng hoặc bổ sung dưỡng chất cho cây.
“Cả khu này là nơi kinh doanh phân bò của rất nhiều hộ, mỗi nhà có khoảng chục bãi phơi. Phân này dùng trồng rau, trồng cây cảnh, nếu muốn diệt côn trùng, cuốn chiếu thì chỉ cần ít thuốc rầy xịt vào là được”, chị O. cho biết thêm!.
Có đảm bảo tiêu chí Xã chuẩn nông thôn mới?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Hoàng Anh Vũ - Chủ tịch xã Đông Thạnh cho biết, việc xả thải làm ô nhiễm dòng kênh là nước thải từ sản xuất công nghiệp thuộc cụm công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) chảy qua, xã Đông Thạnh đã kiến nghị lên huyện Hóc Môn nhiều lần nhưng chưa thấy phản hồi, xử lý. Việc giải quyết thế nào thuộc thẩm quyền cơ quan cấp trên.
Phân bò tươi được lấy ra phơi
Trả lời về việc người dân phơi phân bò tươi chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí trên địa bàn, ông Vũ cho rằng: Tiêu chí nông thôn mới có quy định cho tái xử dụng phụ phẩm sản xuất nông nghiệp, nếu không cho dân phơi phân thì làm thế nào?! Phân bò thải ra thì để làm gì?!
Tuy nhiên, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 nêu rất rõ về một số biện pháp tái sử dụng, xử lý đối với chất thải chăn nuôi. Cụ thể:
Về kỹ thuật và công nghệ xử lý: Để thực hiện các quy định kỹ thuật bảo vệ môi trường chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải thực hiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đối với chất thải rắn và chất thải lỏng có nguồn gốc hữu cơ, gồm 04 nhóm giải pháp xử lý chính: Xử lý bằng cơ học; nhóm xử lý bằng sinh học; nhóm xử lý bằng hóa học và nhóm xử lý bằng côn trùng.
Đối với chất thải rắn có thể áp dụng nhiều giải pháp để xử lý chất thải hữu cơ từ chăn nuôi: Ủ phân (composting), sản xuất phân hữu cơ, nuôi côn trùng (trùn quế, lính ruồi đen).
Đối với nước thải chăn nuôi phải áp dụng đồng thời nhiều công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi khác nhau, phụ thuộc vào quy mô, mục đích sử dụng: Công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học. Trong các công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi, công nghệ khí sinh học là công nghệ phổ biến nhất hiện nay áp dụng cho tất cả các quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ xử lý được 70-80% các chất hữu cơ, không thể xử lý để đạt được theo quy định của QCVN62. Vì vậy, các trang trại phải đầu tư tổ hợp các công nghệ xử lý ở các giai đoạn khác nhau của nước thải,...
Quy định là vậy, nhưng thực tế đã nhiều năm qua, xã Đông Thạnh tồn tại nhiều hộ kinh doanh phân bón là chất thải động vật, gia súc gia cầm xem việc phơi phân bò tươi để bán là một “nghề” để mưu sinh, gây phát tán ô nhiễm không khí trầm trọng...
Chùm ảnh ô nhiễm môi trường:
Nước kênh ô nhiễm nặng với màu xanh mực
Nước xả thải trực tiếp ra từ nhiều nơi, cống rãnh
Có thời điểm đoạn kênh nhuộm đen
Các hộ dân phải cam chịu sống với dòng kênh ô nhiễm từ nhiều năm nay
Rác thải chất đầy bờ kênh
Rác ứ động tại cống rảnh
Hộ dân nuôi, giết mổ heo, xả thải thẳng xuống kênh
Doanh nghiệp sản xuất xả thải vào không khí với cột khói đen ngòm
Không chỉ ô nhiễm dòng kênh, trên đường Nguyễn Thị Sáng và dọc theo kênh Trần Quang Cơ (ấp 6, xã Đông Thạnh) rất dễ bắt gặp người dân bày bừa phơi phân bò trên nhiều hecta đất
Ngổn ngang các vật dụng dùng để phơi phân bò
Xe vận chuyển phân bò vào nơi tập kết để đưa vào bãi phơi
Nguyễn Kiên - Quỳnh Hương