
Phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2023
04/06/2023TN&MTTrong 2 ngày 03-04/6/2033, Bộ TN&MT phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và các sự kiện bên lề tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2023
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). Chủ đề năm nay nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường từ đất liền đến đại dương. Truyền tải mạnh mẽ hơn thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Ngày Đại dương thế giới năm 2023 (ngày 08/6) được Liên hợp quốc lựa chọn với chủ đề "Hành tinh đại dương: Thủy triều đang biến đổi" (Planet Ocean: Tides are Changing). Bất chấp sự phụ thuộc hoàn toàn của nhân loại vào đại dương và so với bề rộng và chiều sâu của đại dương mang lại, đại dương mới chỉ nhận được một phần nhỏ sự quan tâm của chúng ta. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Ngày Đại dương thế giới năm 2023 xoay quanh các nội dung chính như: Đại dương là hệ sinh thái lớn nhất của Trái đất; mối liên hệ giữa Đại dương và Khí hậu; quản lý ven biển và ý nghĩa văn hóa đại dương; hợp tác quốc tế và thay đổi hệ thống biển và đại dương; những cơ hội, tiềm năng của đại dương chưa được khai thác; hệ sinh thái và địa hình dưới đáy đại dương; đổi mới, sáng tạo nhận thức toàn cầu về biển và đại dương; hành động tập thể vì đại dương.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng các đại biểu tham gia nhặt rác, bảo vệ môi trường biển tại sự kiện
Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ TN&MT phát động chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023 (01-08/6) là “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo” với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với BĐKH và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Ngoài Lễ phát động quốc gia gồm các sự kiện hưởng ứng nhiều ý nghĩa như công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Nghị quyết số 48/NQ-CP; Hội thảo giới thiệu, lấy ý kiến một số nội dung lập Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các hoạt động cộng đồng như ra quân làm sạch bãi biển và trồng cây xanh ven biển tại khu vực làng chài Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò.
Đây là các hoạt động khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển, kỳ vọng nền kinh tế biển xanh; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích KTXH, BVMT và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tham gia trồng cây tại sự kiện
Mục tiêu Quy hoạch không gian biển Quốc gia Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến việc tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả, góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh từ biển.
Tại Hội nghị Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) tổ chức tại Nairobi, Kenya đầu năm 2022, Việt Nam cùng với các quốc gia thành viên đã thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử: "Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế", nhằm nhanh chóng giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa từ đất liền đến đại dương, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tăng cường ứng dụng khoa học, xây dựng chính sách ở tất cả các cấp của mỗi quốc gia trong việc cải thiện hiểu biết về tác động toàn cầu của ô nhiễm nhựa đối với môi trường, thúc đẩy các giải pháp tiến bộ ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu. Tập trung vào các biện pháp xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa, từ chế biến, sản xuất đến thu gom để quản lý chất thải nhựa; tầm quan trọng của việc thúc đẩy sử dụng bền vững các sản phẩm và vật liệu có thể được tái sử dụng, tái sản xuất hoặc tái chế, giảm thiểu việc tạo ra chất thải, góp phần đáng kể vào việc sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững.
Theo đánh giá của UNEP, Trái đất đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến môi trường, tác động trực tiếp tới sự tồn vong của nhân loại. Ô nhiễm môi trường gây ra bởi chất thải nhựa là vấn đề nhức nhối được cả thế giới quan tâm và xuất hiện trong nhiều cuộc thảo luận toàn cầu. Hằng năm, có đến trên 400 triệu tấn nhựa được sản xuất; 2/3 trong số đó là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, sớm trở thành chất thải. Đồng thời, sản xuất nhựa là một trong những quy trình sản xuất sử dụng nhiều năng lượng nhất trên thế giới. Vật liệu này được làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, được biến đổi thông qua nhiệt và các chất phụ gia khác thành polymer.
Hàng triệu tấn chất thải nhựa từ trong đất liền theo dòng chảy từ các con sông và hồ đổ ra biển, khiến chúng trở thành tác nhân chính gây ô nhiễm đại dương. Thế giới loài người phụ thuộc vào các đại dương và tình trạng các hệ sinh thái đại dương nhưng các vùng biển đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại ô nhiễm và BĐKH. Sự thay đổi về nhiệt độ mặt nước biển, lục địa nhiệt đại dương, mực nước biển dâng, sự tan chảy của các sông băng và tảng băng, lượng khí thải CO¬2 và nồng độ trong khí quyển đang gia tăng với tốc độ nhanh, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nhân loại, các loài sinh vật biển, mất cân bằng đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái của đại dương. Để thích ứng với ô nhiễm môi trường, BĐKH do con người gây ra, đại dương đã phải thay đổi sâu sắc về vật lý, hóa học, sinh thái và các dịch vụ của nó. Các dự báo về lượng khí thải hiện tại sẽ làm thay đổi nhanh chóng và đáng kể các hệ sinh thái mà con người phụ thuộc. Các phương án quản lý nhằm giải quyết vấn đề đại dương đang thay đổi do ô nhiễm, BĐKH và bị thu hẹp khi đại dương tiếp tục ấm lên và axit hóa.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình trao quà tri ân cho các đại diện Người cao tuổi tỉnh Nghệ An có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu: Phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Luật BVMT năm 2020 nhấn mạnh: “BVMT là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển KT-XH bền vững”; xác định các chính sách BVMT, gồm chống rác thải nhựa. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam phê duyệt tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và cơ chế, chính sách về giảm ô nhiễm nhựa.
Mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH và các cam kết hành động về BVMT, Việt Nam khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với BVMT và hệ sinh thái với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, trong đó tập trung thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa.
Huy Thế