
Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước
18/10/2023TN&MTĐó là chủ đề Hội thảo chuyên đề 1 do Kiểm toán nhà nước phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào sáng ngày 18/10/2023 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 1, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Các vấn đề liên quan quản lý, sử dụng đất đai luôn là những vấn đề nóng có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Từ năm 2017-2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12-14% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới hơn 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua còn cho thấy rất nhiều vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, thậm chí sai phạm phải xử lý. Đó là chính sách, pháp luật về đất đai vừa chồng chéo, vừa phức tạp, nhưng lại thiếu các quy định, chế tài cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng thực tiễn, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là cho phát triển kinh tế.
Hội thảo đã tập trung giải đáp hai vấn đề lớn: Thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất hiện nay từ chính kết quả kiểm toán và thực tiễn tại các địa phương; xác định, làm rõ những giải pháp chủ yếu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và trở ngại đã nêu. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm và có ý kiến cụ thể về mục tiêu kiểm toán, cách thức tổ chức hoạt động kiểm toán để có thể góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai và định giá đất ở nước ta hiện nay.
Cục trưởng Đào Trung Chính phát biểu tại Hội thảo
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất - Bộ TN&MT cho biết, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt khiến nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững. Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Theo Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, về chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước từ đất đai không ngừng tăng lên hàng năm so với tổng thu ngân sách cả nước, từ 7,8% năm 2013 lên 16,85% năm 2020, trong đó, chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (từ năm 2013 đến năm 2020, tiền sử dụng đất chiếm 67,26% và tiền thuê đất chiếm 15,23% tổng các nguồn thu từ đất).
Chính sách ưu đãi về thuế, về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được rà soát nhằm bảo đảm công bằng, thống nhất, đơn giản, thuận tiện, chống thất thu thuế, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Có chính sách, mức thu hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Pháp luật đã có quy định về biện pháp tài chính đối với các dự án đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nguồn thu từ đất đai chưa bền vững, chưa thực sự mang tính tổng thể, dài hạn; chính sách tài chính còn chưa khai thác hết tiềm năng nguồn thu từ đất, chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Nguồn thu từ đất đai không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2013-2020 nhưng chủ yếu là thu từ thị trường sơ cấp. Chưa hình thành được hệ thống thuế tài sản để bảo đảm nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Về khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo đúng quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng, ban hành và công bố công khai Bảng giá đúng thời gian, phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, công tác xác định giá đất cụ thể cũng đã được các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu; về cơ bản đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), kết quả xác định phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Từ thực tiễn địa phương, ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội nhấn mạnh một số bất cập chưa được giải quyết chủ yếu do chính sách pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan còn nhiều điểm chưa đồng bộ, thống nhất; pháp luật đất đai có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay, cần được nghiên cứu sửa đổi.
Từ một số thực trạng nêu trên, các ý kiến tại hội thảo tập trung thảo luận về những vấn đề tồn tại trong định giá đất hiện nay và giải pháp khắc phục; tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế.
Trong quá trình tổng kết luật Đất đai đã nhận diện ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng và xác định giá đất. Để giải quyết các vướng mắc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định số 44 về định giá đất, đang lấy ý kiến các bộ, ngành để ban hành mà không chờ luật Đất đai sửa đổi (dự kiến thông qua tại kỳ họp 6). Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Nghị định số 44 sẽ quy định rõ các điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất. Bên cạnh đó, với luật Đất đai sửa đổi, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay, bảng giá đất hàng năm dự kiến áp dụng từ tháng 1.2025 sẽ mở rộng đối tượng áp dụng. Cụ thể là bảng giá đất sẽ được áp dụng để tính thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản.
TP